Năm học 2007- 2008, Trường Dạy nghề Bình Định đã tổ chức khai giảng các lớp văn hóa chuyên biệt đầu tiên. Dù còn nhiều khó khăn trong những ngày đầu thành lập, nhưng từ đây, đối tượng trẻ khuyết tật trong tỉnh đã có một mái trường để học hành, vui chơi và được hưởng những chính sách giáo dục nhân đạo của nhà nước.
|
Phải mất 8 năm, các HS khiếm thính mới học hết chương trình tiểu học. Trong ảnh: Các HS “lớp 5 - năm 1” trong giờ học. Ảnh: Q.H
|
* “4 học, 6 chơi”
Hiện Trường Dạy nghề Bình Định có 9 lớp giáo dục chuyên biệt dành cho 82 trẻ khuyết tật. Đa số là các em khiếm thính và khó khăn về việc học. Tại lớp 1- khó khăn về việc học- của thầy Nguyễn Thanh Hữu, có 13 học sinh. Em nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất đã trên 30 tuổi. Thầy Hữu cho biết: đối với những học sinh khó khăn về việc học (trước đây gọi là thiểu năng trí tuệ) việc giáo dục các em khó khăn hơn rất nhiều so với đối tượng khiếm thị, khiếm thính và còn phụ thuộc vào trí nhớ, khả năng phát triển của từng em. Nếu không được học liên tục, chữ thầy sẽ trả cho thầy. Tuy mới bắt đầu học lớp 1, nhưng những học sinh lớp thầy Hữu đã bắt đầu học từ năm 2003 (đa số học sinh của Trường Dạy nghề Bình Định được tiếp nhận từ Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga trước đây), gián đoạn một vài năm, đến nay, coi như phải dạy lại các em từ đầu.
Lớp học của thầy Hữu chỉ rộng chừng 20 m2, chỉ đủ kê được chục bộ bàn ghế san sát nhau. Thầy giáo muốn đến với từng học sinh phải lách qua những khe hở chật hẹp. “Để dạy đối tượng này, ngoài chương trình riêng, học sinh cần phải được dạy theo phương châm “học: 4- chơi và vận động: 6”. Thế nhưng, ngoài vở học và cuốn SGK phổ thông, hầu như HS chưa được trang bị thêm gì. Thầy giáo cũng không có thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học.
Lên thăm lớp 5- năm 1 (mỗi lớp dạy trẻ khuyết tật thường kéo dài 2-3 năm học) dành cho HS khiếm thính, tôi thấy có 8 HS. Cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Tuy đã trải qua 7 năm học nhưng hiện nay, HS mới chỉ học được 1/3 chương trình sách lớp 4… So với HS lớp 5 phổ thông, trình độ của HS ở đây cũng không bằng”.
Tại các lớp dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật, tôi thấy các giáo viên phải hoạt động luôn chân, luôn tay. Nếu không có lòng yêu nghề, sự cảm thông đối với HS khuyết tật, giáo viên khó có thể bám trụ. Thế nhưng, thay vì những yêu cầu về chế độ, chính sách, ai cũng mong muốn sẽ được tham gia nhiều các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn để ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
* Còn nhiều việc phải làm
Dạy văn hóa cho HS khuyết tật là một trong nhiều nhiệm vụ của Trường Dạy nghề Bình Định (trực thuộc Sở LĐ- TBXH). Do mới thành lập nên việc giáo dục chuyên biệt cho đối tượng khuyết tật là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với trường. Ông Huỳnh Ngọc Khánh, Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Bình Định cho biết: Hiện nay, cả nước cũng chưa có chương trình dạy học chuẩn cho đối tượng khuyết tật. Chương trình dạy học ở trường là do các giáo viên biên soạn trên cơ sở tham khảo tài liệu của các trường đào tạo tật học trong nước và đã được Sở GD-ĐT thống nhất.
Chuyển về Trường Dạy nghề Bình Định, trước mắt, học sinh không phải đóng học phí và còn được hỗ trợ sinh hoạt phí (Sở LĐ-TBXH đang trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ sinh hoạt phí cho mỗi HS 4 triệu đồng/năm); phụ huynh HS chỉ phải đóng tiền ăn (8 ngàn đồng/ngày). Trường cũng đã bố trí 2 phòng ở nội trú cho 36 HS nội trú và 30 HS bán trú đang theo học.
Hiện cả tỉnh có khoảng trên 4.000 trẻ khuyết tật ở độ tuổi từ 1- 15 tuổi và nhu cầu được gởi con đến trường của các bậc phụ huynh học sinh còn rất lớn. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất và điều kiện dạy học hiện tại, Trường chỉ có thể tiếp nhận được khoảng trên 80 HS. Ông Khánh cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn nhưng từ đây, đối tượng HS khuyết tật trong tỉnh đã có một môi trường học tập quy củ. Nhà nước cũng sẽ có cơ chế, chính sách đầy đủ tạo điều kiện cho trường dạy và học tốt hơn; phụ huynh HS cũng yên tâm và tin tưởng hơn với môi trường học tập mới…”.
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng một mô hình giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh ta theo đúng chuẩn và đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học. Nhưng với những lớp dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật, Trường dạy nghề Bình Định đang đặt những viên gạch nền móng đầu tiên.
|