Năm 1947, trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài về đóng góp của tầng lớp trí thức trong cuộc kháng chiến của dân tộc, Bác Hồ đã khẳng định “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Người còn nêu rõ: “Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công cuộc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội và nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài”. Trên thực tế, tầng lớp trí thức yêu nước đã có những đóng góp vô cùng to lớn, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ vẻ vang của dân tộc ta.
Đây chính là thành quả to lớn của một tầm nhìn xa mà Bác Hồ chính là tác giả. Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, Người đã tập hợp được lực lượng trí thức kề vai sát cánh với giai cấp công nhân, nông dân vì sự nghiệp cách mạng. Bác đánh giá cao những đóng góp của trí thức “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”.
Đồng thời, Bác cũng chỉ ra những hạn chế khiếm khuyết mà người trí thức có thể mắc phải. Bác nói: “Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ”. Người phân tích một cách cặn kẽ: “Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”. Bác kết luận: “Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế”.
Ngày nay, đất nước ta ngày càng có thêm nhiều lực lượng được đào tạo cơ bản, tích lũy được nhiều tri thức. Thế nhưng điều quan trọng là việc học đó được hành như thế nào vẫn còn nhiều “nổi cộm”. Tình trạng được đào tạo, có bằng cấp nhưng lại không vận dụng được vào công việc vẫn còn rất nhiều là một sự phí phạm rất lớn. Vì vậy, việc vận dụng tư tưởng của Bác, hiện thực hóa những điều Bác đã phân tích, chỉ dạy “phải đem cái trí thức áp dụng vào thực tế” là rất cần thiết.
|