Nếu ví sơn tường là những miếng vải nhiều sắc, kiến trúc sư là người thiết kế mẫu áo thì thợ sơn là những người chuyên may áo. Vải tốt, kiểu áo đẹp đến mấy nhưng nếu đưa vào tay thợ may vụng thì khó lòng tôn được vẻ đẹp của chủ nhân.
|
Làm sạch tường trước khi sơn.
|
* “Mặc áo” đẹp nhờ thợ
Năm 1993, ở Quy Nhơn mới có một đại lý sơn đầu tiên. Thợ sơn khi ấy chỉ làm công việc đơn giản là sơn vôi, lăn sơn. Tốc độ xây dựng ở Quy Nhơn ngày càng nhanh, điều kiện sống tốt hơn, nhiều người dân chọn sơn tường thay quét vôi nên thợ sơn có đất “dụng võ”. Ngoại trừ những tốp thợ làm ăn riêng lẻ, hầu hết các công ty xây dựng đều có một đội thợ sơn hoặc hợp đồng riêng với họ. Đặc điểm chung thợ sơn là trẻ (từ 35 tuổi trở xuống), khỏe để có thể làm ở trên thang, treo lơ lửng ở ngoài trời bằng thang treo.
Tốp thợ sơn do anh Nguyễn Ngọc Sơn, 28 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng làm thầu có tuổi đời khá trẻ. Lúc tôi đến, anh đang hoàn thành công đoạn cuối trang trí một cột xi măng giả đá ngoài ban công tầng ba của một ngôi nhà. Công đoạn sơn gai giả đá này khó hơn, đòi hỏi phải có “hoa tay” một chút nên anh Sơn trực tiếp đảm nhiệm. Phía bên trong ngôi nhà, tốp 3 thợ người đang khom lưng, kẻ ngửa mặt lên trần theo chuyển động của lăn sơn. Thi thoảng, đôi giọt sơn trắng rơi trên áo, đầu và cả mặt.
Anh Nguyễn Thanh Quốc, 22 tuổi, tay làm miệng nói: “Hồi mới làm, tối về, cái cổ cứng đờ vì suốt ngày cứ phải ngửa mặt lên trời. Đầu tóc, quần áo lúc nào tèm lem túa lụa sơn. Ớn nhất là leo giàn giáo, lên giàn thứ tư, thứ năm là chân tay đã rủn vì sợ độ cao”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm lớp 11, Quốc nghỉ học rời quê (Cát Chánh - Phù Cát) theo bạn vào Quy Nhơn làm thợ sơn. Nay Quốc đã lên thợ chính, lương 65.000 đồng/ngày công.
“Làm thợ sơn cũng rất đơn giản. Mới đầu làm thợ phụ chà vôi, chà nhám. Sau đó tập trét tường, lăn sơn. Với người nhanh nhẹn, khéo tay, chỉ cần 3 tháng là có thể rành được mọi việc, lên làm thợ chính được” - anh Sơn nói. Nghe đơn giản vậy, song “để sơn đâu cũng đẹp”, nước sơn tường được bền lâu người thợ phải tuân thủ nguyên tắc “từ trên xuống, từ ngoài vào trong”, giữ cho bề mặt được sơn phải luôn được khô ráo, bằng phẳng. Khi sơn nhà cũng cần thực hiện theo đúng các quy trình: trét bột, chà nhám, sơn lót và sơn thành (2-3 lớp). Tránh tình trạng bị sửa đi sửa lại nhiều lần vì càng sửa chữa nhiều thì độ bền của sơn sẽ càng giảm.
Kiến trúc sư Trần Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng (đường Tây Sơn- Quy Nhơn) nhận xét: “Tay nghề của thợ quyết định đến 70% chất lượng sơn của công trình. Nếu thợ làm ẩu bỏ qua bước sơn lót, không theo đúng các bước trong quy trình thì dẫn đến sơn dễ bị bong tróc, phai màu; dễ ẩm, mốc…”.
|
Thợ sơn nhà phải luôn trong những tư thế rất “khó chịu” như thế này thì mới sơn được các góc.
|
* Nghề sơn cũng lắm công phu
Thông thường trong một tốp thợ sơn, chỉ có vài ba người có tay nghề “cứng” thực hiện được những phần sơn trang trí mặt tiền hoặc theo yêu cầu của thiết kế nội thất như: sơn gấm, sơn gai, sơn giả gỗ, sơn giả đá. Anh Lê Ngọc Tính, đội trưởng đội sơn của Công ty cổ phần Xây dựng phát triển đô thị mới (đường Lý Thái Tổ – Quy Nhơn), đã từng thực hiện nhiều công trình trang trí giả gỗ hoặc giả đá, nói: “Mức độ thật - giả, xấu - đẹp hoàn toàn tùy thuộc vào sự pha màu, và theo nét băng-sô linh hoạt của người thợ. Nói không quá, chứ khi ấy giống như mình đang là họa sĩ thực thụ vậy”. Chính vì công phu như vậy nên tiền công sơn giả đá, giả gỗ 80.000 - 90.000 đồng/m2; sơn gai, sơn gấm: 30.000 - 40.000 đồng/m2.
Hiện tiền công của thợ sơn xấp xỉ với thợ xây, dao động ở mức 35.000-40.000đ/ngày công đối với thợ phụ, và 60.000 - 65.000 đồng/ngày công thợ chính. So với mức độ nặng nhọc, vất vả thì công việc của thợ sơn có vẻ “nhàn” hơn. Nhưng ngược lại, họ hàng ngày phải tiếp xúc với bụi, mùi hóa chất của sơn rất độc hại, thời gian ngày công làm cũng ngắn hơn thợ xây. Thông thường nhận một công trình nhà 3-4 “tấm”, thợ sơn tập trung hoàn thành chỉ trong 10-15 ngày.
Anh Hùng, một thợ sơn chính trong nhóm của anh Sơn cho biết: “Một tháng tôi làm chừng 24-26 công vì có ngày bận việc nhà hoặc mệt mỏi”. Có dư hơn chút đỉnh là những thầu sơn. Đây chính là những thợ sơn có tay nghề cao, có mối quan hệ tốt. Họ tập hợp nhóm thợ 7-10 người, đứng ra nhận thầu công trình trực tiếp với chủ nhà hoặc với các công ty tư vấn. Thầu sơn lo điều đình giá cả, sau đó trả công trực tiếp cho các thợ. Ngoài ra, các thầu cũng được các đại lý sơn khá “ưu ái” vì hơn ai hết họ chính là những người tư vấn khá tin cậy cho chủ nhà nên dùng loại sơn nào.
Đa số các thợ sơn đều cho rằng, nguy hiểm nhất trong nghề là những lúc lơ lửng trên thang treo sơn tường bên hông nhà. Xô sơn buộc chặt một bên thang, một tay giữ thang, một tay sơn mỏi tay thì lại leo xuống nghỉ. Dù có đeo dây bảo hiểm nhưng cảm giác thật chống chếnh. Cách đây chưa lâu ở đường Diên Hồng, TP. Quy Nhơn đã có trường hợp một thợ sơn làm việc trên cao đã bị điện giật té xuống đất. Mặt khác, thợ sơn hầu hết đều làm việc theo kiểu tự do, không mua bảo hiểm tai nạn con người, chỉ trừ một số ít là công nhân trực tiếp của các công ty xây dựng.
|