Những ai đã từng xuôi ngược trên Quốc lộ 1A, đi qua huyện Hoài Nhơn, đều thấy nao lòng trước vẻ đẹp của những rặng dừa xanh. Không gian của rừng dừa tạo nên một sự yên bình, trù phú. Nhưng ít ai biết được sau những rừng dừa đó, ở thôn Phụng Du 1, xã Hoài Hảo có một trung tâm điều trị bệnh tâm thần với hơn 400 con người đang sống cuộc đời nửa nhớ nửa quên.
|
Bệnh nhân nữ đang tập thể dục.
|
* Trong cơn mê - tỉnh
Tôi đến thăm Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn vào một ngày mưa tầm tã cuối tháng 10. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng tôi không khỏi xót xa trước những gì đang thấy. Dưới cơn mưa, một nhóm bệnh nhân trên người không mảnh vải che thân, gầy gò, đen nhẻm đang nô đùa với nhau như những đứa trẻ nhỏ. Ở góc khác, một số bệnh nhân đang ngồi bất động, đôi mắt cứ như dán chặt vào khoảng không phía trước. Cách đó không xa là mấy phòng dành cho bệnh nhân kích động, đang phát ra những tiếng cười, tiếng hét thắt ruột.
Khi tôi lấy ra những gói kẹo mang theo sẵn từ nhà đến, họ ùa lại, đưa những bàn tay gân guốc, xù xì ra đón… Cầm được kẹo, chỉ thế thôi mà trông ánh mắt của ai cũng sáng lên niềm vui sướng. Ở đây, hầu như không có ai tỉnh táo để nhớ một cách đầy đủ về cuộc đời mình. Làm quen và nói chuyện với một số bệnh nhân, qua cả lời kể của cán bộ chăm sóc, tôi được biết rất nhiều hoàn cảnh đầy nước mắt của bệnh nhân ở đây.
Chị Diên, 32 tuổi, khuôn mặt hiền lành, ngô nghê cười khi tôi hỏi chuyện gia đình. Chị là một trong số ít người ở đây còn nhớ mình đã từng có một gia đình ở Phù Cát. Mẹ chết, cha bỏ đi lấy vợ, chị ở với cô, rồi bệnh. Chị bỏ đi lang thang, sau đó được đưa về Trung tâm. Thỉnh thoảng, cô chị lại vào thăm, mang cho chị một chút quà là những góp nhặt ở quê nhà.
Một hoàn cảnh đáng thương khác là anh Nguyễn Đình Trương, 48 tuổi, ở thôn Thái Thuận, xã Nhơn Phúc (An Nhơn). Gần 10 năm trước, anh là một thanh niên khỏe mạnh làm nghề sửa xe máy. Thế rồi sau một trận ốm, anh mắc chứng thần kinh phân liệt. Mỗi lần lên cơn, anh lại lấy những vật sắc nhọn tự cắt da thịt mình. Bàn tay anh đã bị cắt mất hai ngón, dái tai và mũi bị những vết sẹo nham nhở. Anh nói chuyện với tôi (có lẽ là lúc anh còn tỉnh táo nhất): “Tôi muốn được đi làm, được uống thuốc để chữa bệnh. Tôi sợ lắm vì không biết khi lên cơn sẽ cào cấu cơ thể mình thế nào”.
Ở quê, anh chỉ còn người mẹ già yếu. Anh cũng đã từng tỉnh táo, từng về nhà và cố gắng để hòa nhập với cộng đồng nhưng rồi không thể. Ánh mắt dị nghị, hoài nghi của mọi người trước những vết sẹo, vết cắt còn hằn rõ trên thân thể anh đã đưa anh trở lại Trung tâm lần nữa. Giờ anh cũng không còn muốn về nhà: “Ởû đây có nhiều người giống như tôi, tôi không sợ. Cũng không thấy ai trêu chọc nên thích ở đây lắm cô ạ”.
Khác với những người bệnh khác, chị Linh, 36 tuổi quê ở Nam Đàn, Nghệ An ý thức được căn bệnh của mình nên khi có dấu hiệu phát bệnh là chị tìm ngay đến bệnh viện. Bằng những động tác biểu lộ trạng thái của người mang trong mình bệnh động kinh, chị diễn tả cho tôi xem những lúc chị đau như thế nào, ngã như thế nào…, nhìn thương đến trào nước mắt. Chị đẹp lắm, có lẽ “hồng nhan đa truân”. Có chồng, chồng chết, chị không vượt qua được nỗi đau, rồi lên cơn co giật. Chị đang ở đây mà lo lắm, vì có mỗi đứa con trai nhỏ mới 11 tuổi đầu đã phải xa mẹ, sống nhờ vào sự cưu mang của họ hàng, làng xóm.
|
Vết tích sau những lần lên cơn của anh Nguyễn Đình Trương.
|
* Lời nhắn gọi từ vườn dừa
Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn được thành lập từ năm 1984. Ban đầu là những căn nhà cấp bốn xập xệ, với chỉ hai khu điều trị, nay Trung tâm đã thay đổi nhiều với 6 khu riêng dành cho từng đối tượng bệnh như: bệnh nhân thường, bệnh nhân kích động, bệnh nhân cách ly. Các chế độ điều trị và ăn uống cho bệnh nhân ở đây đều được Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ 100%. Ngoài ra, một số bệnh nhân tâm thần phân liệt còn nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Tâm thần phân liệt quốc gia của Trung tâm chăm sóc cộng đồng Việt Nam.
Trung tâm hiện có 38 cán bộ, nhân viên. Ngoài công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân, họ còn tự trồng rau, nuôi heo để phần nào cải thiện thêm đời sống cho bệnh nhân. Nhiều cán bộ đã cố gắng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm ở những lần đi thực tế tại các trung tâm khác để thay đổi một số hình thức chữa trị cho bệnh nhân.
Dù vậy, một khi con số bệnh nhân đã tăng gấp đôi so với khả năng điều trị của Trung tâm (400 người) và ở đây lại không có một bác sĩ nào, chỉ có hai y sĩ, còn lại là trình độ cấp dưỡng, thì không khó để hình dung công việc chăm sóc, điều trị bệnh ở đây khó khăn đến nhường nào. Để có thể điều trị cho từng ấy bệnh nhân, Trung tâm đã phải kê 6-7 giường/phòng có diện tích chỉ gần 20 m2.
Ngoài việc thiếu một đội ngũ y, bác sĩ có trình độ và chuyên môn, Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn còn thiếu nhiều máy móc phương tiện. Phó Giám đốc Trung tâm Trần Quốc Quyền cho tôi biết: “Chỉ với số tiền trọn gói vừa thuốc thang, vừa ăn uống là 4,6 triệu đồng/bệnh nhân/năm (do Sở LĐ-TB&XH tỉnh cấp), cuộc sống của bệnh nhân ở đây đang gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó số bệnh nhân ngày càng đông nhưng chỉ có một số ít được kiểm tra HIV và những bệnh lây nhiễm khác vì phải làm theo đợt. Đó là chưa nói đến một số trường hợp bị bệnh khác phải chuyển lên tuyến trên điều trị, buộc Trung tâm phải trích từ số tiền 4,6 triệu đồng/năm để chi phí cho việc điều trị này”.
Khó khăn là vậy, nên Trung tâm Tâm Thần Hoài Nhơn đang cần lắm sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành cũng như những tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, đơn vị…
|