NGUỒN MÁU PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐIỀU TRỊ VÀ CẤP CỨU:
Còn bất cập!
9:31', 1/11/ 2007 (GMT+7)

Trong khi BVĐK Khu vực Bồng Sơn, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn không lấy hết chỉ tiêu thì tại BVĐK tỉnh lại không đủ máu phục vụ công tác điều trị và cấp cứu. Dù biết chất lượng máu từ những người bán máu chuyên nghiệp không đảm bảo nhưng BV vẫn phải dùng để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân…

* Thiếu và thừa!

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu, lượng máu thu gom được phải đạt 2% dân số của địa phương đó. Như vậy, Bình Định cần phải có 32.000 người hiến máu nhân đạo (HMNĐ) mỗi năm mới đáp ứng cung cấp đủ máu phục vụ công tác điều trị và cấp cứu. Nhưng thực tế ở tỉnh ta, cộng gộp số người HMNĐ từ năm 2001 đến nay cũng chỉ có 15.556 người, thấp so với yêu cầu. Thời điểm người HMNĐ cao nhất ở Bình Định là năm 2006 với 5.117 người tham gia.

 

                              Một ca cấp cứu tại BVĐK tỉnh.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở y tế trực tiếp lấy, lưu trữ, bảo quản máu là BVĐK tỉnh, BVĐK Khu vực Bồng Sơn và Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn.

Tại BVĐK tỉnh, nguồn máu cung cấp công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân được lấy từ 3 nguồn: HMNĐ, người bán máu chuyên nghiệp và người nhà bệnh nhân, nhưng vẫn thiếu rất nhiều. BS Hồ Thị Kim Chung, khoa Huyết học-truyền máu, cho biết: “Có đợt, bệnh viện lấy đến 300 đơn vị máu nhưng cũng chỉ sử dụng được 2 tuần là hết sạch. Trong các trường hợp cấp cứu, chúng tôi phải huy động thêm nguồn máu dự bị và từ đội ngũ nhân viên y tế trong BV”.

Nơi thiếu máu lo đã đành, nhưng nơi thừa cũng lo. Trước đây, BVĐK Khu vực Bồng Sơn chịu trách nhiệm trực tiếp lấy máu của người tình nguyện hiến máu ở 3 huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, số người tham gia hiến máu rất đông nhưng BV đành… từ chối vì không có điều kiện bảo quản và sử dụng hết. Thấy được sự lãng phí đó, Ban chỉ đạo vận động HMNĐ tỉnh đã quyết định chỉ để BVĐK Khu vực Bồng Sơn trực tiếp lấy máu của người tình nguyện hiến máu ở huyện Hoài Nhơn, còn huyện Hoài Ân và An Lão thì giao cho BVĐK tỉnh. Thế nhưng, BVĐK khu vực Bồng Sơn cũng không lấy hết chỉ tiêu. Năm 2007, BV có kế hoạch tổ chức 4 đợt lấy máu với 300 đơn vị máu từ nguồn HMNĐ, nhưng đến thời điểm này, BV mới chỉ lấy được 2 đợt với 76 đơn vị máu.

Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn cũng được giao nhiệm vụ trực tiếp lấy máu từ sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Định để phục vụ công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân nhưng nhu cầu cũng không bao giờ hết… chỉ tiêu.

Để khắc phục tình trạng bất cập trên, trong kế hoạch từ nay đến cuối năm và cả thời gian sau này, Ban vận động HMNĐ tỉnh điều chỉnh để BVĐK tỉnh tổ chức 1-2 đợt thu gom máu ở huyện Hoài Nhơn và Trường Cao đẳng Y tế Bình Định.

 

* Lo chất lượng máu không đảm bảo

Ông Đào Duy Chấp, Phó ban Thường trực Ban vận động HMNĐ tỉnh, cho biết: “Vận động người dân tình nguyện hiến máu không dễ, nhưng lấy được máu rồi lại gặp một khó khăn khác là tỉ lệ máu bị nhiễm các bệnh viêm gan siêu vi B, C còn cao”.

Thống kê từ các cơ sở y tế trong tỉnh cho thấy, mỗi năm có hơn 12% số máu bẩn trong tổng số máu thu gom được từ nguồn HMNĐ buộc phải tiêu hủy.

Một nỗi lo khác nữa cũng không kém phần quan trọng là hiện nay, nguồn máu thu gom được từ những người bán máu chuyên nghiệp vẫn còn rất lớn, chiếm đến 30% tổng số máu cung cấp cho công tác điều trị và cấp cứu bệnh nhân.

BS Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế, lo lắng: “Máu của người bán máu chuyên nghiệp chắc chắn không thể đảm bảo chất lượng nhưng trong thời điểm nguồn máu từ những người HMNĐ không đủ, các cơ sở y tế vẫn buộc phải sử dụng để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân”. BS Mỹ cũng đề nghị: Trong thời gian tới, để đảm bảo vấn đề nguồn máu an toàn cần phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào hiến máu tình nguyện, phát triển rộng khắp trong nhân dân, đặc biệt là lớp thanh niên và cán bộ công chức, chấm dứt tình trạng mua bán máu ở các cơ sở y tế.

  • Thu Hiền

PGS-TS NGUYỄN ANH TRÍ:

Xây dựng Trung tâm truyền máu khu vực Nam Trung bộ tại Bình Định là cần thiết

Trong chuyến công tác tại Bình Định mới đây, PGS-TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng viện Huyết học-truyền máu Trung ương, cho biết: Việc thiếu máu cung cấp cho các cơ sở y tế là thực trạng chung cả nước chứ không riêng Bình Định. Trên thực tế, việc thu gom máu rất khó nên sẽ rất lãng phí nếu sử dụng không hợp lý. 

* Ông có gợi ý, Bình Định nên tập trung máu về một điểm bảo quản, lưu trữ là BVĐK tỉnh nhưng các cơ sở y tế ở xa lo ngại sẽ không kịp thời phục vụ máu cho cấp cứu bệnh nhân tại chỗ?

Sở dĩ tôi nói thế là có nguyên nhân. Thứ nhất, nếu để cả 3 đơn vị cùng làm thì việc đầu tư sẽ dàn trải, đặc biệt trong tình hình nguồn nhân lực đang khan hiếm. Thứ hai, đơn vị nào cũng tổ chức lấy máu rất dễ dẫn đến tình trạng nơi thiếu, nơi thừa máu, vô cùng lãng phí. Còn nói tập trung về một đơn vị thì các đơn vị khác ngại đường xa không thể phục vụ kịp thời máu cho cấp cứu là không đúng. Bởi vì, ngay cả Viện cũng phải đi-về 16 địa phương trong cả nước tiến hành thu gom và cung cấp máu cho các BV đó thôi.

* Trong chuyến làm việc này, ông có đề cập đến việc xây dựng một Trung tâm truyền máu khu vực Nam Trung bộ tại Bình Định?

Tôi khẳng định, việc xây dựng Trung tâm truyền máu khu vực Nam Trung bộ tại Bình Định là rất cần thiết và rất đúng. Tôi đã từng làm việc với tỉnh Thanh Hóa có số dân gần 4 triệu người nhưng BVĐK tỉnh chỉ có khoảng 1.000 bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, tỉnh Bình Định có khoảng 1,6 triệu dân nhưng BVĐK tỉnh lại có hơn 1.000 bệnh nhân/ngày. Ngoài bệnh nhân trong tỉnh, BV còn tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi…

Tôi cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo BVĐK tỉnh, Tiến sĩ-BS Phạm Tỵ, Giám đốc BV rất tha thiết muốn triển khai các kỹ thuật cao như ghép thận, ghép tủy… Những kỹ thuật này, về chuyên môn BV làm được, nhưng nếu thiếu máu thì chắc chắn không thể thực hiện được. Tôi được biết, BVĐK tỉnh đã trang bị 10 máy chạy thận nhân tạo nhưng để chúng hoạt động bình thường thì phải cần một lượng máu rất lớn, khoảng 2/3 tổng số máu thu gom được.

* Vậy, theo ông, Bình Định cần phải chuẩn bị những gì để hình thành Trung tâm truyền máu của khu vực?

Có 2 vấn đề then chốt mà tỉnh Bình Định cần phải chú ý. Một là, đội ngũ cán bộ phải vững mạnh, được đầu tư cả về số lượng lẫn chất lượng. Viện sẵn sàng đào tạo cán bộ cho tỉnh. Nếu cần Viện sẵn sàng cử cán bộ vào đây để tập huấn, đào tạo nhân lực cho tỉnh. Vấn đề thứ hai cũng quan trọng không kém, Bình Định phải có phong trào HMNĐ phát triển bền vững thì mới có nguồn “nguyên liệu” cho Trung tâm hoạt động.

* Cảm ơn PGS-TS!

  • Hiền Lê (Thực hiện)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mưa lũ gây thiệt hại hơn 4,4 tỉ đồng  (31/10/2007)
Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm khi HS của trường vi phạm ATGT đường sắt  (31/10/2007)
Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn  (31/10/2007)
Trên 50% số xã, phường có điểm vui chơi trẻ em  (31/10/2007)
Hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ có người bị thiệt mạng do lũ  (31/10/2007)
Dũng cảm cứu 4 học sinh bị nước cuốn trôi  (30/10/2007)
Vững vàng “hai chân” kinh tế - quốc phòng  (30/10/2007)
Chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh  (30/10/2007)
Bế giảng khóa II chương trình “Kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thương mại”  (30/10/2007)
Trao tặng học bổng “Tiếp sức đến trường” cho sinh viên đang học tại Bình Định  (30/10/2007)
4 người chết, hàng ngàn mét đê sông, đê biển bị lũ cuốn trôi  (30/10/2007)
Ta vào thăm Bác gặp Lê-nin  (29/10/2007)
60-70% trẻ em bị tai nạn thương tích có di chứng do sơ cứu không đúng  (29/10/2007)
Bình Định là địa phương thích hợp để xây dựng Trung tâm truyền máu khu vực Nam Trung bộ  (29/10/2007)
Khai giảng năm học mới 2007- 2008  (29/10/2007)