Được thành lập đến nay gần 5 năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Bình Định đã cố gắng huy động các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng cao của hàng chục ngàn hộ nghèo, hộ chính sách và dân tộc thiểu số. Qua đó đã góp phần giúp hàng ngàn hộ vươn lên thoát nghèo.
* Giúp hộ nghèo được vay vốn
Giám đốc NHCSXH chi nhánh Bình Định Tạ Thanh Liêm khẳng định: “Từ khi được thành lập đến nay, chúng tôi luôn xác định hộ nghèo, hộ chính sách-xã hội là “bạn đồng hành” của mình. Mặc dù việc cho vay và thu hồi vốn đối với hộ nghèo rất khó khăn nhưng chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, tìm mọi cách, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để họ được tiếp cận vay vốn NHCSXH. Đội ngũ cán bộ tín dụng các huyện, xã đã đến tận các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số cùng bàn bạc, góp ý kiến giúp bà con được vay và sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, thoát được nghèo, bảo đảm thu hồi được vốn...”.
|
Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH chi nhánh Bình Định, ông Bùi Hoàng Tín (Hoài Ân) đã mở rộng quy mô sản xuất nấm, mỗi năm thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Ảnh: Tiến Sĩ |
Trước đây, ngân hàng chỉ cho hộ nghèo vay vốn, giờ nguồn vốn đã mở rộng sang các đối tượng khác như: học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, dự án phát triển lâm nghiệp WB3…
Đến cuối tháng 9.2007, ngân hàng đạt tổng dư nợ hơn 426 tỉ đồng, tăng gần năm lần so với khi mới thành lập, giúp hơn 63.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giảm khoảng 15.000 hộ nghèo và tạo công ăn việc làm cho gần 7.000 lao động trong tỉnh. Bình quân một hộ được vay 6,7 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn triển khai cho vay vốn để đầu tư đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động trong tỉnh…
Hiện nay, ngân hàng đã đặt 120 điểm giao dịch lưu động cho vay, thu nợ nhằm giảm sự đi lại cho người dân.
* Vươn lên thoát nghèo
Nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, hàng ngàn hộ nghèo, hộ chính sách, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ bước đầu đã có tích lũy.
Điển hình như gia đình chị Phan Thị Sen, ở thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh) thuộc diện hộ nghèo, chồng đi làm thuê, bản thân không có việc làm. Nhờ sự quan tâm của chính quyền và NHCSXH tạo điều kiện, chị Sen đã đứng ra vay (2 đợt) 11 triệu đồng. Chị mua 3 con bò lai về nuôi. Sau một thời gian, 3 con bò lai sinh được 3 bê con. Chị bán bớt 1 con và đã trả cho ngân hàng được 6 triệu đồng tiền vay. Số bò còn lại đang ngày càng sinh lãi.
Hay chị Đinh Thị Đeh, dân tộc Bana ở làng K2, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), vay ngân hàng 5 triệu đồng. Cùng với vốn của gia đình, chị mua 2 con bò về nuôi. Sau một thời gian, đàn bò sinh sản được 5 con, chị bán bớt 3 con trả hết nợ cho ngân hàng và còn mua sắm được một số vật dụng trong nhà như tivi, quạt máy… Chị Đeh tâm sự: “Nếu không được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, không chịu khó suy nghĩ, tính toán cách làm ăn và tiết kiệm, thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới phát triển kinh tế được như ngày hôm nay”.
Ngoài giải quyết cho hộ nghèo vay vốn, NHCSXH còn cho các dự án sản xuất vay vốn để giải quyết việc làm cho nhiều người. Ông Bùi Hoàng Tín, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) được vay vốn 75 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ nguồn vốn vay này, ông phát triển việc trồng nấm và đã thu lãi được từ 30-40 triệu đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho 11 lao động, với mức thu nhập từ 600 ngàn-700 ngàn đồng/người/tháng…
Có thể nói, trong gần 5 năm qua, đã có rất nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được vay vốn từ NHCSXH và sử dụng vốn đúng mục đích, biết cách làm ăn, đời sống và thu nhập ngày càng cao. Họ đã gương mẫu trả vốn và lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng; đồng thời giúp những hộ nghèo trong thôn, xóm, làng vươn lên thoát nghèo.
|