Nhân dân Bình Định với Cách mạng tháng Mười nga
8:18', 2/11/ 2007 (GMT+7)

Ngày 25 tháng 10 (theo lịch Nga, nhằm ngày 7.11.1917), chiến hạm Rạng Đông nã súng vào cung điện Mùa Đông. Công nhân và binh lính cách mạng xung phong chiếm cung điện và bắt Chính phủ lâm thời, lật đổ chính quyền giai cấp tư sản. Cách mạng giành thắng lợi trên toàn nước Nga và thành lập nhà nước kiểu mới-Nhà nước Xô viết xã hội chủ nghĩa. Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 có sức chấn động, lan tỏa trên toàn thế giới và  mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện trọng đại.

V.I.Lê-nin-lãnh đạo thiên tài của Cách mạng tháng Mười Nga. Ảnh TL

Trước Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa Mác-Lênin chưa vào được nước ta. Sau nhiều năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam yêu nước đầu tiên đã vượt qua sự hạn chế chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, đem chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng vô sản tháng Mười Nga truyền bá vào nước ta và tìm ra con đường cứu dân, cứu nước thoát khỏi ách nô lệ bằng cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và quân đội Đồng minh đánh tan chủ nghĩa phát xít, trực tiếp là phát xít Nhật ở Đông Dương, đã tạo tiền đề và thời cơ thuận lợi cho nhân dân ta vùng lên khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, dựng lên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước Công - Nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cũng như cả nước, những năm đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh đòi các quyền dân tộc và dân chủ ở Bình Định dâng lên mạnh mẽ, nhưng chưa có đường lối cách mạng rõ ràng, đúng đắn và chưa có phương pháp cách mạng khoa học. Từ năm 1925, một số sách báo cách mạng và tiến bộ xuất bản tại Pháp, Trung Quốc, đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, báo Le Paria (Người cùng khổ), báo Thanh niên do Người sáng lập được thủy thủ các tàu thuộc hãng Vận tải đường thủy (Massageries Maritimes) đưa vào lưu hành bí mật tại Quy Nhơn, đã thổi vào tỉnh ta một luồng gió mới về tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc dưới ánh sáng Cách mạng vô sản Nga. Cuối năm 1926, ở tỉnh ta đã hình thành một lớp thanh niên ưu tú hướng về Moscow (Liên Xô) và Quảng Châu (Trung Quốc), náo nức đi tìm con đường cứu nước, cứu nhà và gia nhập các tổ chức cách mạng chân chính. Nhờ tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, dù chỉ là những nét rất sơ lược, tư tưởng Cách mạng tháng Mười Nga và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc vạch ra và truyền bá, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Định bắt đầu chuyển hướng theo tư tưởng Cách mạng vô sản, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Năm 1928, từ nhiều hướng, hai tổ chức cách mạng là Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và Tân Việt cách mạng Đảng bắt đầu cắm rễ trong trong công nhân. nông dân, thanh niên học thức và viên chức Bình Định. Các chi bộ (chi hội) Thanh niên và các cơ sở Tân Việt lần lượt ra đời, kết nạp hàng chục thanh niên yêu nước trong công nhân, nông dân và viên chức. Năm 1929, sau khi Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn ra đời ở ba vùng Bắc, Trung, Nam, với tinh thần “ủng hộ cộng sản”, nhiều hội viên Thanh niên và Tân Việt hăng hái thực hiện “vô sản hóa”, đi về các nơi tập trung công nhân ở trong và ngoài tỉnh như Quy Nhơn, Nha Trang (Khánh Hòa), Cầu Đất (Lâm Đồng), Phú Riềng (Đồng Nai) và Sài Gòn, vừa để thâm nhập phong trào công nhân, vừa để tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cộng sản. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3.2.1930), các đồng chí Nguyễn Trân, Đoàn Tính (quê Hoài Nhơn) được kết nạp Đảng tại Sài Gòn là những đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định. Đến tháng 3.1930, chi bộ Đảng Cộng sản Nhà máy Đèn Quy Nhơn được thành lập, tháng 8.1930 và tháng 10.1930, chi bộ Đảng làng Cửu Lợi và chi bộ Đảng trường Collège de Quy Nhơn lần lượt ra đời.

Chấp hành chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ, nhân Ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1.8.1930), các tổ chức Đảng đã trực tiếp lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đấu tranh đòi các quyền dân tộc và dân chủ. Cờ búa liềm và truyền đơn chống chiến tranh xuất hiện ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Quy Nhơn. Tiếp đó, tháng 9 và tháng 10, dấy lên mạnh mẽ và liên tục những cuộc đấu tranh ủng hộ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chống thực dân Pháp khủng bố trắng. Đặc biệt, tháng 11.1930, lần đầu tiên nhân dân lao động Bình Định tổ chức đợt đấu tranh chào mừng Ngày Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi (7.11.1917). Tại Quy Nhơn, đêm ngày 5 rạng ngày 6.11.1930, truyền đơn, biểu ngữ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, đòi các quyền dân tộc, dân chủ và cờ búa liềm xuất hiện trên nhiều đường phố, công sở. Một lần nữa nhân dân Quy Nhơn lại được chiêm ngưỡng cờ Đảng treo nhiều giờ trên cột điện ngả ba Công quán-Ga xe lửa-Trường Collège de Quy Nhơn. Tại Hoài Nhơn, truyền đơn được rải khắp mọi nơi, nhiều nhất là tại các làng phía bắc huyện. Cờ búa liềm và biểu ngữ chào mừng Cách mạng tháng Mười Nga được treo tại đèo Phủ Cũ, trường Sơ học Tam Quan. Đảng bộ Hoài Nhơn đã tổ chức cuộc mit-ting tại làng Cửu Lợi có hàng trăm người tham dự Lễ kỷ niệm Ngày hội lớn của nhân dân Liên Xô và công nhân, lao động thế giới.

Những năm từ 1930 đến 1945, phong trào cách mạng Bình Định khi lên, khi xuống, có những thời điểm bị khủng bố trắng, các tổ chức Đảng, các cơ sở cách mạng bị tan vỡ, nhưng những người dân yêu nước, các chiến sĩ cách mạng Bình Định, kể cả những người đang bị địch giam cầm, tra tấn dã man, luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vào thắng lợi của cách mạng và luôn coi thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga là nguồn động viên, là ngọn cờ hiệu triệu.

Tháng 8 năm 1945, mặc dù ở xa Trung ương và chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng các chiến sĩ cộng sản Bình Định, đứng đầu là đồng chí Võ Xán, đã nhạy bén chớp lấy thời cơ nghìn năm có một là phát xít Nhật đầu hàng Hồng quân Liên Xô và quân đội Đồng minh, kịp thời lãnh đạo và tổ chức các tầng lớp nhân dân Quy Nhơn và các vùng lân cận, nòng cốt là công nhân, nông dân, có lực lượng nửa vũ trang yểm trợ, nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ, tạo thế, tạo đà thuận lợi cho các phủ, huyện, xã trong toàn tỉnh tự mình đứng lên lật đổ chính quyền tay sai tại địa phương, giành quyền làm chủ về tay nhân dân. Đó là hệ quả tất yếu của sự vận dụng sáng tạo chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng và phương pháp tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền theo kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga.

  • Hoài Nam

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đưa vốn đến với hộ nghèo   (01/11/2007)
Báo Thanh Niên trao 20 triệu đồng giúp 4 cháu mồ côi ở An Nhơn   (01/11/2007)
Cán bộ công chức cấp xã nghỉ việc chờ nghỉ hưu được hưởng 100% lương   (01/11/2007)
Văn hóa soi đường cho quốc dân đi   (01/11/2007)
Khen thưởng đột xuất người dũng cảm cứu 4 học sinh bị nước cuốn trôi   (01/11/2007)
Còn bất cập!   (01/11/2007)
Mưa lũ gây thiệt hại hơn 4,4 tỉ đồng  (31/10/2007)
Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm khi HS của trường vi phạm ATGT đường sắt  (31/10/2007)
Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn  (31/10/2007)
Trên 50% số xã, phường có điểm vui chơi trẻ em  (31/10/2007)
Hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ có người bị thiệt mạng do lũ  (31/10/2007)
Dũng cảm cứu 4 học sinh bị nước cuốn trôi  (30/10/2007)
Vững vàng “hai chân” kinh tế - quốc phòng  (30/10/2007)
Chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh  (30/10/2007)
Bế giảng khóa II chương trình “Kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thương mại”  (30/10/2007)