Đến nay, toàn tỉnh đã có 81 điểm vui chơi, giải trí công cộng phù hợp với trẻ em tại 81 xã, phường, thị trấn trong tỉnh (chiếm gần 51% số xã, phường, thị trấn). Tuy nhiên, thật là ảo tưởng khi nói rằng hầu hết trẻ em được sinh hoạt, vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa từ những điểm vui chơi này.
|
Một điểm vui chơi nằm trong Trường tiểu học xã Canh Hiển (Vân Canh) ngoài giờ học không có trẻ đến vui chơi. Ảnh: Thu Hiền
|
* Thi “gan”... cùng mưa, nắng
Khu vui chơi trẻ em xã Canh Hòa (Vân Canh) được xây dựng ngay tại trung tâm xã. Hôm chúng tôi đến đang là mùa hè, trời nắng chang chang. Nào là bập bênh, nào là đu quay, máng trượt… tất cả như phải “gồng” lên để chống chọi với cái nắng vùng cao bỏng rát vì ở đây không có một bóng cây xanh. Toàn khu vui chơi nói riêng và cả trung tâm cụm xã Canh Hòa nói chung, không một bóng người. Khu vui chơi trẻ em xã Canh Hiển (Vân Canh) được đặt trong Trường tiểu học xã Canh Hiển. Trước đây, vào giờ chơi, học sinh trong trường cũng ra đây tranh nhau đánh đu, đẩy quay, nhưng giờ thì chẳng em nào chơi nữa vì không còn thứ đồ chơi nào nguyên vẹn. Cái thì bị biến dạng, méo mó; cái long ốc, tróc sơn... Các thiết bị làm bằng sắt phơi mưa, phơi nắng, lại không được duy tu, bảo dưỡng nên nhanh chóng hư hỏng.
Theo số liệu của Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh, từ năm 2002 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã đầu tư xây dựng được 81 điểm vui chơi, giải trí công cộng dành cho trẻ em tại 81 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tập trung tại 6/7 xã của huyện Vân Canh, 5/8 xã của huyện Vĩnh Thạnh, 7/10 xã của huyện An Lão; 8/14 xã của huyện Tây Sơn; 8/21 xã, phường của TP Quy Nhơn… Bác sĩ Phan Thanh Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh, cho biết: Khi xây dựng các điểm vui chơi, giải trí trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh chủ trương chỉ đầu tư thiết bị một lần (khoảng 40 triệu đồng/điểm vui chơi). Chọn điểm xây dựng, tạo mặt bằng, cảnh quan, ánh sáng… là trách nhiệm của chính quyền xã. Ngoài ra, trong đề án xây dựng khu vui chơi trẻ em, các xã còn cam kết sẽ hỗ trợ kinh phí và thực hiện việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng hàng năm... Nhưng thực tế nhiều nơi đã quên lời cam kết, không quan tâm đầu tư khiến các điểm vui chơi nhanh chóng xuống cấp.
* Bao nhiêu trẻ được vui chơi, giải trí?
Trong Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về Chương trình hành động vì trẻ em từ năm 2001- 2010 và Quyết định phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2001-2010 của UBND tỉnh, đã nêu những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2005, có 50% số xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi giải trí công cộng phù hợp với trẻ em và đến năm 2010, đạt tỉ lệ 100%. Phấn đấu nâng tỉ lệ trẻ em được sinh hoạt vui chơi, giải trí, được hưởng thụ văn hóa dành cho lứa tuổi từ 70% năm 2000 lên 85% vào năm 2005 và 95% vào năm 2010...”. |
Số điểm vui chơi trẻ em có thể đo đếm được, nhưng để đánh giá được tỉ lệ trẻ em được sinh hoạt, vui chơi, giải trí thì rất khó. Thông thường, trong đề án xây dựng các điểm vui chơi trẻ em, các xã đưa ra số đối tượng được hưởng thụ từ đề án là tương đương với số trẻ em trong độ tuổi của xã. Nhưng thực tế, số trẻ em được đến chơi ở khu vui chơi chủ yếu vẫn là số ít trẻ em ở ngay tại nơi được đầu tư. Khi quyết định đầu tư các điểm vui chơi trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh khuyến khích các địa phương nên đặt trong trường mẫu giáo. Thế nhưng, đặt tại trường mẫu giáo thì chủ yếu chỉ phục vụ cho trẻ trong trường. Trong khi ở bên ngoài, nhiều điểm vui chơi được đặt ở những vị trí không hợp lý như đầu tư chủ yếu chỉ để… làm cảnh, xa khu dân cư hay trước nghĩa trang liệt sĩ (như xã Phước Sơn, Tuy Phước) gây sự phản ứng trong nhân dân… Ngoài ra, việc đầu tư thêm hay bảo quản, bảo dưỡng của địa phương là rất khó khăn.
Khi chúng tôi đến xã Đắk Mang (Hoài Ân), điểm vui chơi trẻ em của xã cũng chỉ là một số thiết bị đồ chơi ngoài trời được đặt tại sân trường tiểu học. Bấy giờ, những tiết học buổi sáng đã kết thúc. Sân trường nắng như đổ lửa vì không có một bóng cây. Thế nhưng, một số ít học sinh vẫn nán lại chơi xích đu... Được chơi trên những đồ chơi đắt tiền quả là mơ ước đối với trẻ em miền núi, vùng cao. Nhưng rõ ràng, để hầu hết trẻ em được vui chơi, giải trí, được hưởng thụ văn hóa phù hợp với lứa tuổi, nếu chỉ mua sắm một vài thiết bị đồ chơi tự hành ngoài trời thì chưa đủ.
|