Kính đại hạ giá
11:19', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, kính đeo mắt được bày bán trên nhiều nẻo đường. Chỉ với cái biển hiệu “kính đại hạ giá” bằng bìa các tông, vài ba chục chiếc kính bày trên bàn hoặc trên tấm ni lông trải dưới đất là đủ cho một người bán kính hành nghề. Bạn thử một lần dừng chân, có thể sẽ tìm được ở đây một gọng kính ưng ý không thua gì kính tiệm với “giá rẻ bất ngờ”!

 

Một điểm bán kính đại hạ giá trên đường Nguyễn Tất Thành.

 

* Muôn nẻo đường kính

Ở thành phố Quy Nhơn, “kính đại hạ giá” được bày bán rải rác trên những con đường chính như: Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, khu vực ngã ba Phú Tài… Chỉ một tấm bìa các tông kẻ chữ nghệch ngoạc “kính đại hạ giá”, vài ba chục chiếc kính bày trên bàn hoặc trên tấm ni lông trải dưới đất là đủ cho một người bán kính hành nghề.

Chủng loại kính khá đa dạng và phong phú về kiểu dáng song đặc điểm chung nhất là giá kính khá rẻ, chỉ từ 10 đến 15 ngàn đồng là đã có một chiếc kính “coi được”. Song cũng chính vì giá quá bèo nên tâm lý “tiền nào của nấy” đã khiến người tiêu dùng thường quay lưng với “kính đại hạ giá”!

Đa số khách hàng đi mua “kính đại hạ giá” là những người có thu nhập thấp. Phạm Thanh, sinh viên năm 2 khoa Ngữ Văn, trường Đại học Quy Nhơn nói: “Em không có nhiều tiền nên mới đi mua kính đại hạ giá...”. Tuy nhiên trên thực tế, chất lượng kính không hoàn toàn đồng nghĩa với giá cả. Có thể cùng chiếc kính ấy thôi giá trong tiệm là gấp đôi, gấp ba so với giá ở vỉa hè! Chị Võ Thị Anh Hoa, một người bán “kính đại hạ giá” cho biết: “Cùng với kính lấy được từ bạn hàng quen, thỉnh thoảng một tiệm kính lại thanh lý số kính mà họ cho là lỗi mốt cho tôi với giá rất rẻ”. Và như để dẫn chứng cho lời mình nói, Hoa chỉ cho tôi xem một số gọng kính vừa được một tiệm kính nhượng lại. Cô cầm trên tay một chiếc kính bảo hộ và giải thích: “Vì là hàng “đại hạ giá” nên mắt kính thường kém chất lượng. Nếu chọn được gọng kính phù hợp thì chỉ cần tốn vài mươi ngàn đồng thay mắt kính chống nắng hoặc cận, hoặc lão thì người mua có thể đã có một đôi kính đẹp mà giá lại rất rẻ. Ví dụ như chiếc kính bảo hộ sản xuất ở Đài Loan này, tôi bán chỉ 12 ngàn nhưng giá trong tiệm là 45 ngàn đồng đấy!”.

Quả thế thật, tôi dạo qua một số tiệm kính ở thành phố Quy Nhơn và đã bắt gặp  những chiếc kính giống y chang kính được Hoa bày bán ở vỉa hè, từ kiểu dáng đến nhãn mác song giá cả thì đắt gấp ba, bốn lần, và tôi chẳng thể phân biệt được đâu thật, đâu giả. Công nghệ bắn chữ chìm trên thủy tinh dưới bàn tay của những người thợ làm kính tài hoa đã biến những chiếc kính có nguồn gốc “bình dân” thành “hàng hiệu”…

 

Ngoài nỗi lo “buôn may bán đắt”, người bán kính vỉa hè phải suốt ngày đứng ngoài đường.

 

* Gian nan nghiệp “kính vỉa hè”

“Mấy hôm nay trời mưa suốt, không bán được cái nào chị à, không biết hôm nay có khá hơn không? Nghề này hên xui dữ lắm…”. Chị Hoa mở lòng với tôi trong câu chuyện về nghề nghiệp của mình.

Phần đông những người bán kính vỉa hè ở thành phố Quy Nhơn đều đến từ huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Họ đều là dân làm ruộng cho nên bán kính cũng theo mùa. Vào mùa cắt lúa (tháng giêng, tháng ba, tháng mười) số lượng người bán “kính đại hạ giá” còn rất ít. “Chỉ là nghề phụ thôi, nhưng những năm bão lụt, mất mùa thì trăm sự đều phải trông chờ vào hàng kính”, anh Trần Thanh, một người bán “kính đại hạ giá” trên đường Nguyễn Tất Thành tâm sự. Vợ chồng anh Thanh ở xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh vào Quy Nhơn bán kính cũng đã khá lâu. Mỗi ngày trung bình anh bán từ 5 đến 10 chiếc kính, lãi được 30 đến 40 ngàn đồng. Chị vợ cũng bán được chừng ấy, lãi được chừng ấy. Mỗi tháng trừ tiền cơm nước, thuê nhà còn dư khoảng 2 triệu đồng gửi về cho ông bà nuôi con.

Phần lớn “kính đại hạ giá” xuất phát từ làng kính Lịch Động (xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Nguồn gốc kính nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và về tay những “nghệ nhân” mông má của Lịch Động, kính bỗng trở thành “hàng hiệu” với đủ loại nhãn mác, cả những nhãn mác nổi tiếng thế giới. Từ đây mỗi ngày có hàng nghìn chiếc kính được xuất xưởng và đi khắp mọi miền đất nước, vào một số chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, ở thành phố Quy Nhơn…

Gia đình ông Bảy Bé là một trong số những người có thâm niên bán “kính đại hạ giá” ở thành phố này. Ông bà “bon chen” với nghề từ những ngày đầu có “phong trào” và đã chắt chiu, dành dụm nuôi được 5 người con ăn học. Một đứa con của ông đã ra trường, đi làm. 4 đứa còn lại vẫn trông chờ vào hàng “kính đại hạ giá”!

Ngoài nỗi lo “buôn may bán đắt”, người bán kính vỉa hè phải suốt ngày đứng ngoài đường, tiếp xúc thường xuyên với bụi và nắng, mưa nên hầu hết họ đều có nước da đen nhẻm. Thoạt nhìn không ai nghĩ chị Hoa mới chỉ 21 tuổi. Nghề sống ngoài đường cộng với hai đứa con, đứa thứ hai mới 3 tháng tuổi, đã khiến cho chị già đi trước tuổi rất nhiều.

Do là hàng bày bán vỉa hè nên người bán “kính đại hạ giá” phải vừa bán vừa lo nhìn trước ngó sau để kịp dọn khi thấy cảnh sát trật tự. “Biết là không được phép nhưng nếu thuê cửa hàng thì không có vốn, lại phải tăng giá kính lên thì ai mua”. Anh Trần Hoa tâm sự. “Đôi khi cũng có kẻ vừa phóng xe qua đường vừa giơ tay hốt luôn mấy chiếc kính, kéo đổ cả bàn”, anh Trần Hoa nói thêm.

Trừ đi tất cả những gian khó và nếu biết sắp xếp được một chỗ bán hợp lý, không vi phạm trật tự an toàn giao thông, người bán “kính đại hạ giá” đang dần “sống được” bởi một bộ phận người tiêu dùng đã nhận ra những ưu thế của nó: rẻ nhưng không phải là không đẹp nếu biết chọn lựa một gọng kính phù hợp với khuôn mặt!

  • Hòa My
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
537 giáo viên được tuyển dụng  (03/11/2007)
Tặng 100 triệu đồng cho các hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn  (03/11/2007)
Còn 6.916 hộ nằm trong vùng xung yếu  (03/11/2007)
Chìm tàu, 13 ngư dân tự bơi vào bờ  (03/11/2007)
Tuyên dương một học sinh nhặt 600 USD trả lại người đánh rơi  (03/11/2007)
Kém hiệu quả!  (02/11/2007)
Học bổng “Đèn đom đóm” phân cho Bình Định 60 suất  (02/11/2007)
Tặng Huy hiệu Đảng cho 115 đảng viên  (02/11/2007)
Nhân dân Bình Định với Cách mạng tháng Mười nga  (02/11/2007)
Đưa vốn đến với hộ nghèo   (01/11/2007)
Báo Thanh Niên trao 20 triệu đồng giúp 4 cháu mồ côi ở An Nhơn   (01/11/2007)
Cán bộ công chức cấp xã nghỉ việc chờ nghỉ hưu được hưởng 100% lương   (01/11/2007)
Văn hóa soi đường cho quốc dân đi   (01/11/2007)
Khen thưởng đột xuất người dũng cảm cứu 4 học sinh bị nước cuốn trôi   (01/11/2007)
Còn bất cập!   (01/11/2007)