|
Nữ vệ sĩ Thúy Diệu đang làm nhiệm vụ. Ảnh: X.V |
Cao lớn, xinh xắn và hơi… lạnh lùng, đó là những nét đầu tiên người ta có thể nhìn thấy ở những nữ vệ sĩ đang làm nhiệm vụ tại các công ty, ngân hàng, khách sạn… Trong số những vệ sĩ đang làm việc tại các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh, nữ vệ sĩ chiếm số lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 20 người…
* Bản lĩnh và cá tính
Những ai đi ngang qua công ty Jewoo Industries (đường Diên Hồng, Quy Nhơn) dễ có ấn tượng về một nữ vệ sĩ trong y phục chỉnh tề, nghiêm trang đứng ở cửa ra vào. Đó là Thân Thị Thanh Trong, sinh năm 1986, quê ở Tây Sơn, vào nghề vệ sĩ đã hơn một năm. Trong cho biết: “Thấy nghề vệ sĩ cũng hay hay nên sau khi thi rớt đại học, sẵn biết chút ít võ thuật, tôi quyết định nộp đơn xin vào làm vệ sĩ”. Công việc hàng ngày của Trong tại Công ty Jewoo Industries là quan sát người và hàng hóa ra vào cửa, bảo vệ tài sản và sự an toàn cho nhân viên của công ty.
Còn nữ vệ sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh năm 1987, quê ở Lào Cai, vốn là dân võ chuyên nghiệp, từng là thành viên của đội tuyển whusu quốc gia và đội tuyển võ của Bình Định. Sau những trắc trở ngoài ý muốn, Huyền không còn ở lại với đội tuyển mà quyết định làm vệ sĩ tại Công ty Bảo vệ Tây Sơn. Cô tâm sự: “Tuy không còn tham gia đội tuyển võ, nhưng nghề vệ sĩ cũng là đất cho tôi… dụng võ, vì vậy tôi rất thích và quyết định theo nghề”.
Trong số hàng trăm nhân viên vệ sĩ làm việc cho ba công ty bảo vệ Tây Sơn, Hoàng Long và Hoàng Nam tại các cơ quan, DN trên địa bàn tỉnh, chỉ có khoảng 20 nữ vệ sĩ. Họ đều ở độ tuổi 20-25, có chiều cao, đã từng học võ và có sức khỏe. Tuy vậy, khi vào làm việc tại các công ty vệ sĩ họ đều phải trải qua 3 tháng hoặc 1 năm học thêm về võ thuật và nghiệp vụ chuyên nghiệp của người vệ sĩ như giải quyết tình huống khi có sự cố tập trung đông người, phòng cháy chữa cháy…
Ông Lê Văn Trọng, Giám đốc Công ty bảo vệ Hoàng Long, cho biết: “Nữ vệ sĩ có những thế mạnh của mình như ngoại hình đẹp, lời nói nhẹ nhàng, mềm mại dễ thuyết phục, lại không nhậu nhẹt như nam giới nên rất thích hợp để bảo vệ các mục tiêu là khách sạn, các công ty có đa số công nhân nữ, các đoàn tham quan văn hóa, du lịch…”. Đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp yêu cầu chỉ cần nữ vệ sĩ.
* Nghề tạm bợ
So với nam vệ sĩ, nữ vệ sĩ làm nhiệm vụ có nhiều khó khăn hơn, nhất là những khi phải chịu lệnh điều động đột xuất. Sức chịu đựng trong môi trường làm việc vất vả cũng kém hơn nam giới. Nữ vệ sĩ Thúy Diệu cho biết, một số đồng nghiệp nữ mới làm vài tháng đã phải bỏ nghề dù họ được ưu tiên: không phải trực ca đêm, không trực ở các mục tiêu bảo vệ phức tạp, nguy hiểm. Có lẽ vì được “ưu ái” nên các nữ vệ sĩ thường chỉ phải giải quyết những sự cố nhỏ. Trần Thị Nhi, nhân viên của công ty Bảo vệ Hoàng Nam, đang làm việc tại Ngân hàng SCB chi nhánh Bình Định nói: “Dù trong trường hợp nào cũng nên bình tĩnh, mềm trước, rắn sau…”.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai cũng có cái nhìn thiện cảm với nữ vệ sĩ. Trong cảm nhận của nhiều người, nữ vệ sĩ thường khô khan, dữ dằn... và thiếu nữ tính. Thu Huyền bộc bạch: “Bởi cái vẻ ngoài nghiêm trang và khó gần nên việc nữ vệ sĩ bị trêu chọc, bị xa lánh là bình thường!”.
Có thể rất yêu thích công việc mình đang làm nhưng các nữ vệ sĩ lại không ai chắc mình sẽõ gắn bó được với nghề trong bao lâu. Nhiều nữ vệ sĩ, sau khi lấy chồng đã phải bỏ nghề vì không được chồng cảm thông hoặc bị áp lực từ phía gia đình chồng. Một nhân viên Công ty bảo vệ Hoàng Long cho biết trước đây Công ty có khoảng mười nữ vệ sĩ nhưng một số đã bỏ nghề để theo chồng, chỉ còn lại vài nữ vệ sĩ trẻ độc thân.
|