Từ ngày 1 đến 4.11, mưa lớn trên diện rộng đã gây lũ lụt nặng, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh ta. Đến chiều 5.11, nhiều địa phương vẫn còn chìm trong lũ. Chính quyền và người dân vùng ngập lụt đang huy động mọi nỗ lực khắc phục hậu quả.
|
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà (bên phải) kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên đê Khu Đông Tuy Phước. Ảnh: N. Hân
|
* Nhiều địa phương bị lũ cô lập
Ở TP Quy Nhơn, bị ngập nặng nhất là khu vực phường Nhơn Phú. Đêm 4.11, đê sông Hà Thanh tại KV2 phường Nhơn Phú không chịu nổi sức nước đã vỡ khoảng 200 m, nước lũ ngập tràn hầu hết các tuyến đường ở địa phương này. Toàn phường có 3.000 hộ dân bị ngập, nước vào nhà, làm sập 2 ngôi nhà. UBND phường Nhơn Phú đã huy động lực lượng thanh niên xung kích di dời 100 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Sáng ngày 5.11, khu Đông Tuy Phước là biển nước mênh mông. Nước lũ đã làm sạt lở mố cầu Gành trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn Tuy Phước, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Tuyến đường 640 từ thị trấn huyện đến các xã khu Đông một lần nữa bị nước nhấn chìm; đường giao thông liên xã ở Phước Thắng bị vỡ đứt 20 m. Nước lũ cũng đã làm sạt lở 1.000m và làm vỡ đứt 193 m đê sông ở các xã Phước Hiệp, Phước Quang, Phước Hòa; đê ngăn mặn ở Huỳnh Giản (Phước Hòa) cũng đã bị vỡ 200 m. Đến ngày 5.11, ở huyện Tuy Phước, mưa lũ đã làm 1 người chết, 4 người bị thương; 27 ngôi nhà sập hoàn toàn. Ngoài ra, nước lũ còn cô lập 3.488 ngôi nhà, trong đó có hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập nước sâu từ 0,5 đến 1m...
Huyện Tuy Phước đã di dời 29 hộ dân ở các xã Phước Thuận, thị trấn Tuy Phước, Phước Hòa đến nơi an toàn. UBND huyện đã đến thăm và hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ có người bị thiệt mạng do mưa lũ, đồng thời cấp phát 5.000 gói mì tôm cho nhân dân vùng lũ.
Ở huyện Phù Cát, toàn bộ hệ thống đê sông Côn trên địa bàn các xã Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Tiến đều bị ngập, trong đó có hơn 1.500 mét đê bị nước lũ tràn qua gây sạt lở, có nguy cơ vỡ đê. Các khu dân cư Tân Tiến, Chánh Đạt (Cát Tiến); Đại Lợi, Liên Trì, Nhơn Sư (Cát Nhơn)... với hơn 400 hộ dân đã bị cô lập hoàn toàn. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, huyện Phù Cát đã di dời 7 hộ (19 nhân khẩu) sinh sống dưới chân núi Gành tại thôn Đức Phổ, xã Cát Minh ra khỏi vùng sạt lở. Ngoài ra, huyện còn huy động lực lượng công an, bộ đội, thanh niên xung kích để di dời 80 hộ dân với 391 nhân khẩu ở các xã Cát Thắng, Cát Nhơn đến nơi an toàn; hỗ trợ gạo mì tôm cho các hộ đang bị lũ cô lập, cấp bổ sung 10.000 bao cát cho các xã khu Đông để gia cố đê sông….
Theo số liệu thống kê đến ngày 5.11 của Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Phù Cát, mưa lũ đã làm 1 người chết, gây ngập hơn 1.000 ngôi nhà, trong đó có 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Mưa lũ cũng đã làm sạt lở hàng ngàn mét đê sông, đường giao thông, cuốn trôi 127 con gia súc, 8 tấn tôm, cá…
Trong những ngày qua, mưa lũ cũng đã làm ngập và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn…
|
Hơn 40 hộ dân ở xóm Bắc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn (Phù Cát) bị nước lũ cô lập.
|
* Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân
Trong những ngày xảy ra mưa lũ, các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã túc trực tại các vùng lũ phối hợp cùng với chính quyền các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến 19 giờ ngày 5.11, toàn tỉnh có 6 người chết, 2 người mất tích do mưa lũ; 20.000 ngôi nhà bị ngập chìm trong lũ; có 7.525 hộ dân phải sơ tán; 10.365 ha lúa vụ Mùa bị ngập, có nguy cơ mất trắng, hơn 3.000 tấn lúa giống cấp I phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2007-2008 bị hư hỏng. |
Ngày 5.11, tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn); Phước Nghĩa (Tuy Phước); Cát Nhơn (Phù Cát), sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế, thăm và động viên nhân dân vùng lũ, đồng chí Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã chỉ đạo chính quyền các địa phương triển khai di dời các hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu khác, dứt khoát không được để nhân dân đói rét. Đối với các hộ có người bị thiệt mạng, hộ có nhà bị sập do mưa lũ, cần động viên và hỗ trợ kịp thời, nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn. Các địa phương phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu…
Hội Chữ Thập đỏ tỉnh cũng đã hỗ trợ khẩn cấp 20.000 gói mì tôm cho nhân dân các vùng bị ngập lụt, hỗ trợ 300 ngàn đồng/hộ có người bị thiệt mạng do mưa lũ. Báo Thanh Niên và Công ty TNHH Nguyên Hưng - TP Quy Nhơn cũng đã hỗ trợ 175 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng hỗ trợ cho 7 hộ có người bị chết và 850 suất quà gồm mì tôm, gạo... cho nhân dân vùng lũ ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã hỗ trợ tiền và vật chất, giúp nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn bước đầu.
Hiện nay, tuy gặp nhiều khó khăn do nước lũ vẫn chưa rút hết, song bên cạnh công tác cứu trợ, các địa phương đang kiểm tra, đánh giá hậu quả lũ lụt, kịp thời đề ra các biện pháp khắc phục để sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
BỘ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT:
Tập trung cứu đói cho người dân vùng ngập lụt
Chiều ngày 5.11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đến Bình Định kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn Bộ trưởng về các biện pháp hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt.
|
Bộ trưởng Cao Đức Phát trao quà cứu trợ cho người dân thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước. Ảnh: N.Hân
|
* Thưa Bộ trưởng, sau khi đi kiểm tra tình hình mưa lũ ở một số địa phương trong tỉnh Bình Định, ông có nhận xét gì về mức độ thiệt hại và công tác phòng chống bão lụt của tỉnh?
- Đợt mưa lũ này xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho các tỉnh khu vực miền Trung, trong đó có Bình Định. Trước diễn biến lũ lụt hết sức phức tạp, UBND tỉnh Bình Định đã có sự chỉ đạo kịp thời cho các địa phương chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Nhờ vậy, đã thực hiện di dời dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn và kịp thời cứu trợ cho người dân, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Thay mặt Chính phủ, chúng tôi hoan nghênh tinh thần chủ động, tích cực phòng chống lũ lụt của tỉnh Bình Định.
Hiện nay, do mưa lũ kéo dài nên vẫn còn nhiều hộ dân nằm trong vùng ngập lụt, đời sống rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sát sao việc cứu trợ lương thực, thuốc men, nước sinh hoạt… kịp thời cho người dân. Tuyệt đối không để người dân nào bị đói, bị rét, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” trong đợt mưa lũ này.
* Bộ NN-PTNT có biện pháp gì để hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục thị sát và kiểm tra cụ thể và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng các ngành chức năng của tỉnh để nắm lại mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra, sau đó sẽ có tổng hợp cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu tỉnh xuất ngân sách địa phương để giúp các gia đình có người chết, mất tích, người bị thương, các hộ có nhà sập, nhà bị ngập nước nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống.
* Hiện nay, cơn bão số 6 có sức gió rất mạnh đang tiến vào biển Đông, theo dự báo bão có khả năng ảnh hưởng tới Bình Định, Bộ trưởng có lưu ý gì với người dân để chủ động đối phó với cơn bão này?
- Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 6 đang vượt qua đảo Luzon (Philippin) vào biển Đông với sức gió cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Đây là cơn bão nguy hiểm, có diễn biến khó lường, khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Định. Trong điều kiện tỉnh vừa phải trải qua liên tiếp các đợt mưa lũ lớn, nếu không có các biện pháp phòng chống bão tốt thì mức thiệt hại sẽ rất lớn.
Trước tình hình này, Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Kiên Giang chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão. Trong một vài ngày tới, khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, chúng tôi yêu cầu các cấp chính quyền và người dân tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão này và triển khai ngay các biện pháp phòng chống lụt bão. Ngay từ bây giờ, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần thông báo đến bà con ngư dân đang đánh bắt trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn. Bộ Ngoại giao cũng đã có công hàm gởi các nước trong khu vực đề nghị cho các tàu đánh cá của Việt Nam vào tránh trú bão...
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
|
|