Năm học 2007- 2008, Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN) đã mở thêm 4 ngành đào tạo mới, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 44 với quy mô 11 ngàn sinh viên hệ chính quy. Vấn đề đặt ra là liệu ngành mới mở có đáp ứng được nhu cầu của xã hội ?
|
Các nữ sinh viên trong ngày tốt nghiệp.
|
* Ngành mới: Thêm cơ hội để lựa chọn
Các ngành mới mở trong năm học này là: Sư phạm tin học (trước đây, trường mới đào tạo cử nhân khoa học ngành tin học), Việt Nam học, Tài chính- ngân hàng, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và Quản lý giáo dục (trước ngành này chỉ đào tạo không chính quy). Ngoài ra, vài năm trước, trường cũng đã mở nhiều ngành học đặc thù: Sư phạm giáo dục đặc biệt, Giáo dục thể chất- giáo dục quốc phòng, Sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học đào tạo trình độ đại học… Trong 6 ngành dự kiến mở năm nay, rốt cuộc trường chỉ mở được 4 ngành. Ngành Tiếng Pháp lấy điểm “sàn” nhưng cũng chỉ có 8 thí sinh trúng tuyển nên không thể mở lớp, đành phải chuyển qua học ngành Tiếng Trung Quốc; ngành Quản lý giáo dục cũng không chiêu sinh được. Đối với ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, năm nay cũng chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển nên cũng không thể mở lớp… Ngành Việt Nam học chiêu sinh được 40 em (mở 1 lớp); Sư phạm tin học có 58 thí sinh trúng tuyển (mở được 1 lớp), trong khi, ngành Tài chính- ngân hàng, chỉ lấy nguyện vọng 1 đã có 261 thí sinh trúng tuyển… TS Nguyễn Văn Kính, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐHQN cho biết: “Khi quyết định mở một ngành mới, trường căn cứ trên thực lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường có đáp ứng được yêu cầu đào tạo hay không và sau khi đã tìm hiểu nhu cầu xã hội về ngành nghề…”.
Tuy nhiên, trên thực tế việc tìm hiểu nhu cầu của xã hội không phải bao giờ cũng chính xác, do còn thiếu những căn cứ khoa học. Ông Kính cho biết, với những khối thi như cũ, thí sinh rất ít có cơ hội để lựa chọn ngành. Bởi vậy, sau khi tuyển sinh, trường đã có những thông tin tương đối chính xác về đối tượng tuyển sinh và dự kiến, sang năm 2008, sẽ thay đổi hoặc mở rộng hơn khối tuyển sinh ở một số ngành. Ví dụ, ngành Tiếng Pháp sẽ tuyển sinh khối D1 và D3; ngành Việt Nam học sẽ tuyển khối D1 và C; Sư phạm tâm lý giáo dục tuyển khối B, khối C; Sư phạm địa lý tuyển khối A,C… cho phù hợp hơn và tăng thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề cho thí sinh. Trường cũng đã dự kiến, năm 2008, sẽ tiếp tục mở thêm các ngành mới như: Kinh tế (trước chỉ đào tạo liên kết); Điều khiển tự động và Quản lý xã hội…
* Đào tạo gắn với sử dụng: Vẫn là bài toán khó
Lựa chọn ngành học là do thí sinh nên có những ngành mở ra có rất đông thí sinh đăng ký dự thi, ngược lại, có những ngành lại ít. Tuy nhiên, do yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ chính trị, Trường vẫn phải mở (Sư phạm giáo dục đặc biệt).
Khi mở một ngành, trường phải trình duyệt xin chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Tuy vậy, việc “cho” chỉ tiêu của Bộ cũng không mấy khắt khe, dựa vào chỉ số đội ngũ cán bộ giảng dạy (quy đổi) trên tổng số sinh viên (quy đổi). Chỉ số này ở Trường ĐHQN hiện nay đang là 18 SV/1 giáo viên (mức yêu cầu của Bộ là 22 SV/1 GV) nên khả năng mở thêm ngành mới vẫn còn rất lớn. TS Nguyễn Văn Kính cho biết: Năm 2008, chỉ tiêu tuyển sinh của trường dự kiến sẽ tăng từ 3.300 SV lên 4.000 SV.
Hiện nay, Trường ĐHQN đang có 477 cán bộ giảng dạy, trong đó 3% là giáo sư, phó giáo sư; 11% là tiến sĩ khoa học; 47% có trình độ thạc sĩ; 39% là cử nhân… Trong xu hướng phát triển thành ĐH vùng, Trường ĐHQN sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tuyển dụng giảng viên… để mở rộng quy mô đào tạo. Trước đây, việc tổ chức đào tạo ở các trường thường gắn chặt với chỉ tiêu phân bổ của Bộ GD- ĐT. Những năm gần đây, trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Trường ĐHQN cũng đã đổi mới để bắt kịp yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng vẫn là “bài toán” khó đối với hầu hết các trường đại học ở Việt Nam. Ông Kính cho biết, hiện nay, Trường vẫn chưa thể thống kê được tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm và làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, trường luôn coi trọng “chất lượng sản phẩm”, coi đó là một yếu tố quan trọng để cạnh tranh phát triển và thu hút học sinh. Nội dung, chương trình của các ngành học, các khoa, ban luôn được rà soát, điều chỉnh và cập nhật cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình tuyển sinh, trường cũng đã luôn loại bỏ những ngành không thiết thực, cập nhật ngành nghề xã hội đang có nhu cầu và yêu cầu về nguồn nhân lực.
|