|
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm một ngôi nhà bị sụp đổ do lũ quét ở xã An Hòa (An Lão). Ảnh: N.Hân |
Như tin đã đưa, trong các ngày từ ngày 2 đến ngày 4.11, do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới ở phía Nam, đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh. Đây là cơn lũ lớn trong hơn 10 năm trở lại đây, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân trong tỉnh. Hiện nay, nước lũ bắt đầu rút, chính quyền và người dân trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả.
* Lũ rút - Thiệt hại lớn
Đến sáng ngày 6.11 tuy nước lũ đã rút khá nhiều nhưng tuyến đường liên huyện từ Bồng Sơn đi An Lão vẫn còn tắt nhiều đoạn. Phải mất nhiều giờ đồng hồ chạy vòng vèo theo đường tắt chúng tôi mới đến được xã An Hòa, (An Lão) - nơi mà chỉ trước đó một ngày vẫn còn bị nước lũ chia cắt hoàn toàn không thể đi lại được. Ông Phạm Minh Dựng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Lũ về bất ngờ quá đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho địa phương. Toàn huyện có 3.730 ngôi nhà bị ngập nước, 250 ha lúa có khả năng bị mất trắng; hàng chục ngàn con trâu bò, heo, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều công trình cầu cống, đê điều bị sạt lở nghiêm trọng… giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính trên 20 tỉ đồng”.
Đáng lưu ý là tại thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa (An Lão) lũ quét bất ngờ đã làm sập hoàn toàn 6 ngôi nhà, làm trôi tài sản trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Thái Chí Tính ở xóm 3 thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa, người vừa bị nước lũ làm sập nhà và cuốn trôi hết tài sản, buồn bã nói: “Gia đình tôi làm lụng chắt bóp cả đời dành dụm được 6 cây vàng trong tủ, lũ xuống bất ngờ cuốn trôi mất. Mấy ngày nay tôi đã lần theo dòng nước lũ để mong tìm lại số vàng bị mất nhưng lực bất tòng tâm!”.
|
Một ngôi nhà ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa (An Lão) bị lũ quét làm sập đổ hoàn toàn.
|
Một trường hợp khác ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa cũng bị nước lũ cuốn trôi nhà và toàn bộ tài sản rất đáng thương là anh Trần Ngọc Tuấn. Anh Tuấn giọng buồn buồn kể: “Tôi làm nghề đóng giày từ nhiều năm nay và mở cửa hiệu tại thị trấn Xuân Phong với trị giá hàng hóa gần 300 triệu đồng. Lũ quét bất ngờ sáng 4.11 đã cuốn đi toàn bộ, không còn lại bất cứ một thứ gì. Bây giờ tay trắng, biết lấy cái gì để sinh sống trong những ngày đến”. Nói xong, anh Tuấn ngồi bệt xuống nền đất trống hoang chỉ còn vài tấm tôn sót lại thở dài.
Tại huyện Hoài Ân, đợt mưa lũ vừa qua cũng đã gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của người dân trong huyện. Đến chiều ngày 6.11, thống kê của huyện cho biết, mưa lũ đã làm chết 3 người, bị thương 1 người. 8.415 ngôi nhà của người dân ở các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Thạnh, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa… bị ngập nước. 10 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 49 ngôi nhà bị đổ vách, 677 ha lúa bị hư hại, hệ thống giao thông, thủy lợi… bị hư hỏng nặng. Ước tính tổng thiệt hại gần 7 tỉ đồng.
* Nhanh chóng khắc phục hậu quả
Trong các ngày qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát địa bàn lũ lụt, cùng với lãnh đạo các huyện, thành phố và các ngành chức năng triển khai công tác khắc phục hậu quả để ổn định đời sống nhân dân.
|
Đến chiều ngày 6.11, các vùng khu Đông Tuy Phước nước lũ còn chia cắt nhiều đoạn, người dân phải di chuyển bằng sõng.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà mặc dù đang bận họp Quốc hội tại Hà Nội cũng đã trực tiếp về chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng thời triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 6. Sáng 6.11, Chủ tịch UBND tỉnh đã về kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt ở huyện An Lão, đi thăm, động viên, trao quà cho các hộ gia đình bị thiệt hại ở địa phương. Về mức hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt gây ra, UBND tỉnh đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/người chết, nhà bị sập được hỗ trợ từ 5 - 8 triệu đồng, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình. UBND tỉnh cũng xuất khẩn cấp 1.000 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ đưa về các địa phương giúp các gia đình bị nạn có cái ăn trước mắt.
Tính đến 17 giờ ngày 6.11, lũ lụt đã làm 12 người chết (trong đó 1 người còn mất tích), 20.000 ngôi nhà bị ngập nước. Mưa lũ cũng đã làm 10.300 ha lúa vụ Mùa bị ngập trong nước lũ, khả năng có nguy cơ mất trắng, hơn 3.000 tấn lúa giống phục vụ sản xuất Đông Xuân 2007-2008 bị ngập nước, hư hại. Hệ thống cầu đường giao thông liên huyện, giao thông nông thôn nhiều nơi bị ngập và xói lở không đi lại được, hàng chục km đê sông, đê biển, kênh mương bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng… Hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra. |
Các ngành Y tế, Nông nghiệp, Lao động - Thương binh - Xã hội và Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã triển khai các biện pháp giúp đỡ nhân dân khắc phục các thiệt hại, mau chóng ổn định cuộc sống. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh bùng phát ở người và gia súc. Ngành Y tế đã cung cấp hàng trăm cơ số thuốc và các loại hóa chất giúp dân tẩy rửa môi trường khi lũ rút. Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh cũng đã đi thăm và cứu trợ khẩn cấp hàng ngàn thùng mì tôm, gạo, và nhiều nhu yếu phẩm khác cho người dân vùng lũ lụt…
BỘ TRƯỞNG BỘ NN-PTNT CAO ĐỨC PHÁT:
Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chủ động phòng chống bão số 6
* Chính phủ đồng ý hỗ trợ tỉnh 1.500 tấn gạo cứu đói cho dân
Ngày 6.11, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra và triển khai các biện pháp đối phó với bão số 6.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ ngay cho tỉnh 52,4 tỉ đồng, 3.000 tấn gạo, 200 ngàn liều vaccin lở mồm long móng 3 týp để khắc phục hậu quả lũ lụt. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho công tác phòng chống lụt bão ổn định, lâu dài, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí tu sửa, nâng cấp 131 hồ chứa nước đã xuống cấp. Bộ NN-PTNT sớm cho triển khai dự án thủy lợi Văn Phong nhằm phát huy hiệu quả hồ chứa nước Định Bình. Đề nghị đưa hệ thống đê biển của Bình Định vào chương trình nâng cấp, xây dựng đê biển quốc gia. Hiện tại, đê Huỳnh Giản là tuyến đê ngăn mặn nằm trong hệ thống đê Khu Đông có chiều dài 5,1 km đã hư hại nặng trong các đợt lũ nhưng không có kinh phí tu sửa.
UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư các khu tái định cư để sớm di chuyển hàng ngàn hộ dân đến các nơi an toàn. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục điểm sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng hàng trăm hộ dân, trong đó tập trung tại các xã Cát Tiến (Phù Cát), Hoài Hương (Hoài Mỹ), Quảng Vân (Tuy Phước), và các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn)…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chia sẻ những mất mát, thiệt hại về người và của do lũ lụt gây ra tại Bình Định; lưu ý tỉnh cần tập trung mọi biện pháp khắc phục hậu quả, tuyệt đối không để hộ dân nào bị đói, bị rét do mưa lũ. Việc ưu tiên hàng đầu hiện nay của tỉnh là tập trung cứu trợ cho người dân vùng lũ, tổ chức xử lý môi trường sau khi lũ rút, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân dân. Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng hứa sẽ khẩn trương báo cáo Chính phủ để có những hỗ trợ kịp thời giúp tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ tỉnh 1.500 tấn gạo để kịp thời cứu đói cho người dân vùng lũ lụt.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý với tỉnh về triển khai ngay các biện pháp đối phó với cơn bão số 6 hiện đang hoạt động trên biển Đông và sẽ ảnh hưởng đến Bình Định trong một vài ngày đến. Theo nhận định, bão số 6 có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp, trong điều kiện tỉnh vừa trải qua các đợt mưa lũ lớn nếu bão đổ bộ vào mà không có phương án chủ động phòng chống thì mức thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh nhanh chóng có biện pháp thông tin đến các tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển Đông hướng di chuyển của bão và tìm nơi tránh trú bão an toàn. Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho Bộ Ngoại giao gởi công hàm đến các nước trong khu vực đề nghị cho tàu thuyền đánh cá của Việt Nam vào tránh trú bão.
Trong khu vực đất liền, Bộ trưởng lưu ý tỉnh chủ động phân công người phụ trách các địa bàn phải bám sát địa bàn, lên phương án sơ tán dân đến các nơi an toàn. Tổ chức chằng chống nhà cửa đề phòng bão giật, chủ động các phương án gia cố hệ thống thủy lợi, trực chiến thường xuyên để phòng chống bão…
| |