Ký ức bạch dương
10:53', 7/11/ 2007 (GMT+7)

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thuận. Ảnh:Q.H

Những người từng du học ở Nga luôn coi xứ sở bạch dương này là quê hương thứ hai. Cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng tháng Mười, nỗi nhớ nước Nga trong họ lại trỗi dậy…

Ngày 11.11 tới đây, tại Khu du lịch sinh thái Lương Sơn- Bãi Dại trên đường Quy Nhơn- Sông Cầu ông bà Trần Đức Bộ - Châu Xuân Sinh sẽ tổ chức buổi gặp mặt nữ sinh Trường học sinh miền Nam số 6 và những cựu học sinh Việt Nam tại Liên Xô (cũ). Khách mời là tất cả những người từng học tập tại Liên Xô và yêu mến nước Nga. Bà Sinh “bật mí”: “Trong ngày vui này, chúng tôi sẽ nấu các món ăn Nga và hát về nước Nga…”.

Năm 1966, ông Bộ và bà Sinh được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam gởi sang Liên Xô học tại Trường Đại học Lô-mô-nô-xốp. Tại đây, tình yêu của họ đã nảy nở với những kỷ niệm đầy ắp về nước Nga, về những con người Nga chân tình, nồng hậu. Ông Bộ kể: “Tôi nhớ như in ngày đầu tiên bước vào khu ký túc xá của trường đại học, sơ ý đi giày trên nền nhà mới lau, bà cụ trực tầng đã gọi tôi “xưn-not” (con trai) và chỉ vào những dấu giày. Trong tiềm thức của người Nga, đặc biệt là người già - những học sinh Việt Nam luôn là “con cái” trong gia đình!”.

Bà Sinh tiếp lời: “Trong ngày lễ lớn kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười, nhà trường cho nghỉ học sớm, chúng tôi không biết đi đâu, cứ đứng tần ngần tại nhà để áo bành tô… Thấy thế, người giữ áo bành tô đã mời chúng tôi về nhà và tổ chức một bữa tiệc thật lớn… Mỗi người dân Nga, từ người dọn vệ sinh, người giữ áo, bạn học người Nga… đến giáo sư, tiến sĩ đều coi học sinh Việt Nam như người nhà. Chính những tình cảm nồng hậu ấy đã làm cho chúng tôi không thể nào quên nước Nga và những năm tháng sống ở Nga...”.

Về nước, bà Sinh trở thành tiến sĩ toán học dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi Đại học Sư phạm Quy Nhơn, sau chuyển ra Trung tâm Công nghệ giáo dục của GS-TS Hồ Ngọc Đại rồi nghỉ hưu. Còn ông Bộ từng bỏ ngang chức phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu vận tải biển Bình Định để làm một “Rô-bin-xơn” ra Bãi Dại (lúc đó chưa có đường Quy Nhơn- Sông Cầu) khai phá đất hoang làm rẫy…

Ông Bộ khe khẽ cất giọng… hát những bài hát Nga bằng tiếng Nga, rồi lại dịch ra tiếng Việt. Nồng nàn cánh đồng lúa vào đêm trăng sáng… tuyết rơi mù trời… ta mãi luôn bên người… (Cánh đồng Nga). Trước biển, vợ chồng họ vẫn hay ngồi hát những bài hát Nga như thế này.

Ông Bộ, bà Sinh đang có ý định rủ thêm một vài cặp vợ chồng đã từng học tập tại Nga làm một chuyến du lịch về với quê hương thứ hai của họ… 

Ông Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1926, quê ở Nhơn Phúc, An Nhơn nguyên là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông được sang Liên Xô học đại học và nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành địa lý. 8 năm ở Liên Xô ông Thuận có nhiều kỷ niệm về tình người, tình đoàn kết giữa hai nước Nga- Việt.

Ông kể: Ngày mới sang Nga, mỗi học sinh Việt Nam đều được ngồi giữa 2 bạn Nga để học tiếng Nga. Tôi nhớ như in, hình ảnh của bà giáo địa chất người Nga, ngày nào cũng tranh thủ phụ đạo cho tôi một lần về những kiến thức mà tôi còn chưa vững. Bà coi tôi như con. Còn giáo sư Ben-la Uốt-sốp, người hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ thì rất giỏi và tận tâm. Năm 1980, tôi sang Nga lần thứ 2 nhưng ông đã qua đời. Con gái ông đưa cho tôi cuốn sách “Lý luận khoa học phân vùng kinh tế” do ông di chúc để lại cho tôi… Tôi rất xúc động vì một người lỗi lạc như thầy mà trước lúc ra đi vẫn nhớ đến người học trò cũ Việt Nam

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hát cho tình yêu nước Nga  (07/11/2007)
Hỗ trợ thuốc, hóa chất, dụng cụ phòng chống lũ lụt cho các địa phương  (07/11/2007)
Nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng lũ  (07/11/2007)
Kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga  (07/11/2007)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương kiểm tra tình hình lũ lụt ở Phù Cát  (07/11/2007)
Tập huấn về công tác quản lý môi trường  (06/11/2007)
Mở rộng ngành, tăng quy mô đào tạo  (06/11/2007)
Đập Lồi (xã Mỹ Hòa) bị hư hỏng nghiêm trọng, thiệt hại hơn 2 tỉ đồng  (06/11/2007)
Đưa vào sử dụng đơn nguyên thận nhân tạo  (06/11/2007)
Mưa lũ gây thiệt hại hơn 20 tỉ đồng  (06/11/2007)
Hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất  (06/11/2007)
Cách mạng tháng Mười Nga và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam  (06/11/2007)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão  (06/11/2007)
Gần dân, chăm lo dân  (06/11/2007)
Chủ động phòng chống cơn bão số 6  (06/11/2007)