Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị đối phó cơn bão số 6
15:58', 7/11/ 2007 (GMT+7)

Trong tháng 10 và đầu tháng 11.2007, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 4 đợt lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh sau lũ lụt và trong mùa mưa bão; chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 6, ngày 6.11, UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, nâng cao ý thức đối phó cơn bão số 6 và phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão.

Theo đó, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra và rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo đối phó các đợt mưa lũ. Đối với các địa phương để xảy ra người chết cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, nhất là nguyên nhân chết do chủ quan. Trong sản xuất, nông dân cần tranh thủ nước lũ rút đến đâu thu hoạch ngay lúa, hoa màu, tôm cá để hạn chế thiệt hại do mưa lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 6 sắp đến. Chủ động tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn; tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, nhà cửa bị hư hại, gia đình thuộc diện chính sách. Các địa phương huy động các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng do lũ, sớm ổn định đời sống của nhân dân; kiểm tra, thống kê nắm chắc tình hình thiếu đói trong nhân dân do mưa bão gây ra để thực hiện việc cứu trợ kịp thời theo quy định chung của tỉnh, kiên quyết không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực. Kiểm tra và huy động lực lượng quân đội cùng nhân dân sửa chữa, khôi phục lại các tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, các kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng do mưa lũ. Đối với các thiệt hại lớn, UBND các huyện, thành phố chủ động lập dự án đầu tư sửa chữa, khắc phục đưa vào kế hoạch đầu tư thời gian đến. Kiểm tra các hồ chứa, đê kè có nguy cơ sự cố để gia cố, khắc phục đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão thời gian đến. Kiểm tra tình hình chuẩn bị lúa giống, xác định số lượng giống hiện còn trong nhân dân để có kế hoạch cung cấp các giống cây trồng cho nhân dân theo cơ cấu giống quy định để sản xuất vụ đông xuân 2007 - 2008 theo lịch thời vụ.

Giám đốc Sở NN- PTNT chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra các công trình hồ chứa, kênh mương do Công ty quản lý để sớm phát hiện hư hỏng và có kế hoạch khắc phục sau mưa bão nhằm kịp thời phục vụ tưới cho vụ đông xuân 2007-2008, nhất là theo dõi diễn biến cơn bão số 6 thường gây mưa trong thời gian tới để tích nước hồ chứa đảm bảo an toàn. Giám đốc Sở Y tế bảo đảm cơ số thuốc dự phòng và thuốc xử lý môi trường, thuốc xử lý nước để cấp phát cho nhân dân các vùng bị ngập lụt xử lý môi trường khi nước rút, hướng dẫn nhân dân xử lý nước sinh hoạt, nước uống, hướng dẫn ăn chín, uống nước đun sôi để nguội đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh phát sinh do môi trường, nhất là dịch tả cấp. Giám đốc Sở Giao thông vận tải kiểm tra và có biện pháp tu sửa tạm các hư hỏng nhỏ của các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý; phối hợp với UBND các huyện, thành phố để kiểm tra, hướng dẫn xử lý các công trình giao thông do địa phương quản lý bị hư hỏng nặng do mưa lũ; xác định nguyên nhân và có giải pháp sớm khắc phục cầu Trung Lương để phục vụ đi lại của nhân dân.

Giám đốc Sở Công nghiệp, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh theo kế hoạch đề ra và tổ chức lực lượng thi công bảo đảm an toàn, chất lượng các công trình, hạn chế thiệt hại do mưa bão. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các huyện, thành phố hướng dẫn kiểm tra, thống kê các hộ bị thiệt hại, mất lương thực, hộ thiếu đói do mưa bão gây ra và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án cứu trợ nhân dân, tuyệt đối không để nhân dân bị đói.

Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ban, ngành liên quan huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài tỉnh để thực hiện cứu trợ cho nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, đảm bảo công bằng.

Để ứng phó với cơn bão số 6 và mọi diễn biến của thời tiết trong mùa mưa bão, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục theo dõi thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng đối phó có hiệu quả theo phương án PCLB đã được xây dựng, tập trung rà soát lại kế hoạch di dời, sơ tán dân, nhất là vùng đã bị ngập lụt sâu vừa qua; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đi biển biết hướng di chuyển của cơn bão để khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn; tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của cơn bão số 6 và các tình huống thiên tai khác.

. Theo binhdinh.gov.vn

Sáng nay (7.11) UBND tỉnh Bình Định đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị về triển khai đồng bộ và kiên quyết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do ảnh hưởng của cơn bão số 6.

Công điện nêu rõ: Hiện nay tại địa bàn tỉnh ta, nước lũ trên các triền sông đang dao động ở mức cao, vùng đồng bằng hạ lưu sông Kôn còn đang ngập lụt ở mức báo động cấp 3; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đang phải giải quyết nhiều hậu quả nặng nề do đợt mưa lũ lớn nhất trong hơn 30 năm qua gây ra. Với tốc độ và hướng di chuyển như hiện nay thì một vài ngày tới bão số 6 với sức gió rất mạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực tỉnh nhà trong thời điểm mực nước các triền sông và mực nước lũ ở vùng đồng bằng phía Đông tỉnh còn ở mức cao; các hồ chứa nước đã đầy và qua tràn, các công trình hạ tầng, đê điều, cầu cống, nhà ở, bệnh viện, trường học nền móng đã ngập lụt lâu ngày, dự trữ trong dân đã cạn, sức khỏe suy giảm là một tình huống hết sức nguy hiểm.

Để chủ động chuẩn bị đối phó với tình huống nguy hiểm này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

1- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện ngay các công việc sau:

- Chỉ đạo UBND các xã, phường ven biển đến từng hộ ngư dân có tàu thuyền đang hoạt động trên biển để nắm chắc ngay số lượng tàu thuyền và ngư dân còn đang hoạt động trên biển, xác định rõ địa bàn hoạt động, số ngư dân trên từng tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 6 hoặc nhanh chóng về nơi trú ẩn an toàn (lưu ý các tàu thuyền đang đánh bắt ở vùng biển Trung sa, Trường sa). BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thủy sản có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương thực hiện ngay việc liên hệ tàu thuyền trên biển, thống kê và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và BCH PCLB- TKCN tỉnh hàng ngày. Nếu để tàu thuyền ngư dân bị bão mà không liên lạc được thì Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, Giám đốc Sở Thủy sản và Chỉ huy trưởng BCH BĐBP tỉnh chịu trách nhiệm.

- Tranh thủ nước lũ rút đến đâu thu hoạch ngay lúa, hoa màu, tôm cá để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 6 sắp đến.

- Tập trung mọi nguồn lực, huy động lực lượng quân đội giúp đỡ nhân dân sửa chữa, gia cố, chằng chống lại nhà cửa, thu dọn vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng thiên tai để cứu đói và kiểm tra, bổ sung dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để chuẩn bị đối phó với thiên tai, nhất là các vùng đã di dời, các vùng ngập sâu, vùng ven sông, ven biển; đồng thời huy động mọi lực lượng khắc phục ngay thiệt hại ở các công trình, sửa chữa, gia cố các hồ chứa, đê điều, cầu cống, trường học, bệnh viện ... để chuẩn bị đối phó với bão số 6.

- Hướng dẫn nhân dân bảo vệ các loại giống phục vụ sản xuất đông xuân năm 2007-2008.

- Thực hiện ngay việc tổ chức các lực lượng xung kích, tập kết vật tư (cát, đá, rọ đá, bao bì, cọc cừ…) đến các hồ chứa, đê sông xung yếu để sẵn sàng cứu hộ khi mưa bão.

- Chuẩn bị lương thực, thực phẩm ăn liền, nước uống, thuốc men…và phân công cán bộ y tế, lực lượng thanh niên, quân đội đến túc trực tại các vùng thường bị ngập sâu chia cắt khi mưa bão; đối với xã đảo Nhơn Châu chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm ít nhất trong 7 ngày. Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thành phố giúp các địa phương thực hiện nhiệm vụ trên.

2- Giao Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh điều động lực lượng bộ đội của tỉnh để giúp nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời chuẩn bị lực lượng (kể cả lực lượng bộ đội của Quân khu đóng trên địa bàn tỉnh), phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương đối phó có hiệu quả với bão số 6 khi có lệnh.

3- Giao Giám đốc sở NN- PTNT phối hợp Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra, gia cố hoặc xử lý tạm những đoạn đê, kè, hồ chứa nước bị hư hỏng trong đợt mưa lũ vừa qua để đảm bảo an toàn cho công trình. Tổ chức trực canh 24/24 giờ ở các hồ chứa nước và các công trình trọng điểm; đối với những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cần chủ động hạ thấp mực nước, sẵn sàng chuẩn bị phương án để sơ tán dân vùng hạ lưu đập khi tình huống xấu xảy ra.

4- Chủ tịch UBND các huyện thành phố chuẩn bị đầy đủ điều kiện kể cả công tác tư tưởng để nhân dân sẵn sàng thực hiện lệnh sơ tán khỏi các vùng thiên tai nguy hiểm ở ven biển, hải đảo, những vùng thấp trũng ven sông suối, vùng lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ lưu các hồ chứa nước xung yếu, những nhà tạm, đơn sơ không đảm bảo an toàn khi có gió bão theo lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh.

5- Giao Thủ trưởng các đơn vị, cơ quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ vừa qua trong cơ quan, đơn vị, đồng thời chuẩn bị đối phó có hiệu quả với cơn bão số 6, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung cao độ chỉ đạo chuẩn bị đối phó tình huống xấu do bão số 6 gây ra.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phân bổ 1000 tấn gạo cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do lũ lụt  (07/11/2007)
Ký ức bạch dương  (07/11/2007)
Hát cho tình yêu nước Nga  (07/11/2007)
Hỗ trợ thuốc, hóa chất, dụng cụ phòng chống lũ lụt cho các địa phương  (07/11/2007)
Nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng lũ  (07/11/2007)
Kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga  (07/11/2007)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương kiểm tra tình hình lũ lụt ở Phù Cát  (07/11/2007)
Tập huấn về công tác quản lý môi trường  (06/11/2007)
Mở rộng ngành, tăng quy mô đào tạo  (06/11/2007)
Đập Lồi (xã Mỹ Hòa) bị hư hỏng nghiêm trọng, thiệt hại hơn 2 tỉ đồng  (06/11/2007)
Đưa vào sử dụng đơn nguyên thận nhân tạo  (06/11/2007)
Mưa lũ gây thiệt hại hơn 20 tỉ đồng  (06/11/2007)
Hơn 4 tỉ đồng hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất  (06/11/2007)
Cách mạng tháng Mười Nga và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam  (06/11/2007)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa bão  (06/11/2007)