Tăng cường phòng chống dịch sau lũ lụt
11:0', 8/11/ 2007 (GMT+7)

Sau 4 ngày mưa lớn gây lũ lụt trên diện rộng, đến thời điểm này, một số địa phương trong tỉnh vẫn còn chìm trong lũ, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Với phương châm “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó”, ngay trong lũ lụt và sau khi nước rút, ngành Y tế đã nỗ lực, huy động lực lượng để phòng chống dịch bệnh.

 

Nhân viên y tế Trạm y tế xã Cát Nhơn (Phù Cát) cấp phát thuốc, hóa chất, hướng dẫn người dân xử lý môi trường.

 

Tại các địa phương bị ngập lụt, nguy hiểm nhất hiện nay là môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề. Nguồn nước phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như ăn uống của người dân bị ảnh hưởng.

Theo kinh nghiệm, môi trường ô nhiễm sau khi nước lũ rút là điều kiện thuận lợi bùng phát nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh đường ruột (như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, ngộ độc thực phẩm), sốt xuất huyết, dịch hạch, viêm phổi, đau mắt đỏ và các bệnh ngoài da.

Do đó, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của ngành Y tế là phải xử lý triệt để nguồn nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống của người dân và làm vệ sinh môi trường. Các đội cơ động phòng chống lũ lụt của ngành đã được phân bổ đều về các điểm bị ngập lụt để “cắm chốt” theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lộc, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Phòng Y tế đã chỉ đạo cho lực lượng y tế xã những biện pháp ứng cứu kịp thời trong mùa mưa lũ. Đối với một số vùng bị ngập lụt hoàn toàn, không có nước sạch để uống, nhân viên y tế khuyến cáo người dân thay thế bằng cách dùng nước khoáng. Đồng thời, các trạm cũng đã cấp phát 50.000 viên Chloramin B, 50kg bột Chloramin B và hướng dẫn người dân khử khuẩn các giếng nước”.

Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: “Tất cả các nguồn dự phòng hóa chất khử khuẩn và thuốc men của ngành đều được huy động để làm sạch môi trường nước, diệt trừ các loại côn trùng có thể gây bệnh”.

 

...và xử lý giếng nước cho các hộ dân vùng ngập lụt bằng hóa chất Chloramin B.

 

Ngoài cơ số thuốc phòng chống bão lụt của các huyện, thành phố, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cấp bổ sung 1,44 triệu viên Chloramin B, 180 kg bột Chloramin B, 761 lít hóa chất diệt muỗi và côn trùng gây bệnh, 37.500 viên thuốc kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, 13.135 gói Oresol, 1.040 chai dịch truyền, 47.000 viên thuốc bổ, hạ nhiệt… Ngày 6.11, Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định cũng đã chuyển 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão để cấp cho các địa phương.

Theo báo cáo nhanh của ngành Y tế các địa phương, trong những ngày mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 31.499 giếng nước và 8.904 nhà tiêu, hố xí bị ngập nước và hư hỏng nặng.

Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn giám sát, kiểm tra tình hình khắc phục lũ lụt và nhu cầu sử dụng thuốc men, hóa chất của các địa phương. Sở cũng chỉ đạo các địa bàn bị ngập lụt phải tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, chú trọng các cơ sở dịch vụ ăn uống ở các đầu mối giao thông, chợ. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cũng đã củng cố các đội cấp cứu tại chỗ và lưu động, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế và phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng cứu, không để xảy ra dịch bệnh.

  • Hiền Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (08/11/2007)
Bình Định được tham gia dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở  (08/11/2007)
Nhiều hộ nghèo sẽ thoát nghèo  (08/11/2007)
Bình Định thiệt hại 263 tỉ đồng do mưa lũ  (08/11/2007)
Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị đối phó cơn bão số 6  (07/11/2007)
Phân bổ 1000 tấn gạo cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do lũ lụt  (07/11/2007)
Ký ức bạch dương  (07/11/2007)
Hát cho tình yêu nước Nga  (07/11/2007)
Hỗ trợ thuốc, hóa chất, dụng cụ phòng chống lũ lụt cho các địa phương  (07/11/2007)
Nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng lũ  (07/11/2007)
Kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga  (07/11/2007)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương kiểm tra tình hình lũ lụt ở Phù Cát  (07/11/2007)
Tập huấn về công tác quản lý môi trường  (06/11/2007)
Mở rộng ngành, tăng quy mô đào tạo  (06/11/2007)
Đập Lồi (xã Mỹ Hòa) bị hư hỏng nghiêm trọng, thiệt hại hơn 2 tỉ đồng  (06/11/2007)