Làng biển không êm ả
10:37', 10/11/ 2007 (GMT+7)

Mong sao những đứa trẻ này không nhiễm HIV.

Cái chết của một cô gái trẻ mắc bệnh AIDS ở xã Hoài Hải và tin đồn với danh sách hàng trăm người mà cô khai có quan hệ trước khi chết, cộng với cuộc sống buồn đau vì bị kỳ thị của một số nữ bệnh nhân AIDS, khiến những làng ven biển Hoài Nhơn không còn êm ả.

* Hiện thực buồn

Tôi tìm đến căn nhà chỉ rộng chừng 40m2 của N.Q, người vừa mất vì căn bệnh AIDS, ở xã Hoài Hải. Trong nhà, đặt một chiếc bàn đơn sơ có di ảnh của cô. Theo lời kể của người chị dâu, N.Q sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em. Mới học đến lớp 3, N.Q đã phải bỏ học. Lớn lên N.Q càng xinh đẹp song bản chất hiền lành, chất phác khiến cô dễ dàng sa ngã trước những cám dỗ của cuộc đời. Cô làm “gái bao”, rồi trải qua 2 đời chồng có 2 đứa con. Bệnh AIDS đã giết chết người chồng thứ nhất vào năm 2000 và đứa con lớn vào năm ngoái; đứa nhỏ mới 12 tháng tên N.C.T, chưa đủ tuổi xét nghiệm, nhưng dường như cháu cũng mắc phải bệnh này do trên cơ thể cháu đã có dấu hiệu phát mụn và lở loét.

Cùng thân phận với N.Q., V.T.C, 26 tuổi, vừa phát hiện nhiễm vi rút HIV được 4 tháng, trong lần chị vượt cạn sinh đôi. Chị có chồng là một ngư dân đánh bắt xa bờ. Trước đây, chị đã từng vào tận Vũng Tàu làm nghề vá lưới để có thể gần chồng vậy mà vẫn không giữ được người chồng lạc lối. Anh mới mất được hơn một tháng, sau khi đã truyền lại cho vợ và hai đứa con sinh đôi căn bệnh thế kỷ. Hiện tại, hai đứa trẻ chưa có biểu hiện gì của bệnh tật nhưng lại gầy yếu, ốm đau do thiếu sữa mẹ.

Chị Q. 32 tuổi, ở Tam Quan cũng bị nhiễm vi rút qua người chồng là một ngư dân. Đứa con 5 tuổi của chị cũng bị nhiễm bệnh từ mẹ. Lúc tôi đến chơi, chị vừa đón con học mẫu giáo về.

* Buồn đau kỳ thị

Để được sống giữa cộng đồng, những người nhiễm AIDS ngoài việc phải đấu tranh với bệnh tật còn phải gồng mình chịu bao điều tiếng và sự xa lánh của những người xung quanh. Chị dâu của N.Q là Trần Thị Loan gạt nước mắt kể: “Chẳng ai đến thắp cho nó nén nhang chị à, lúc còn sống đã đành, giờ chết rồi người ta vẫn còn sợ lây”. Ngay chính chị Loan cũng bị hàng xóm kỳ thị vì cho rằng “người sống chung với người mắc AIDS chắc sẽ bị AIDS”.

Anh Nguyễn Tự Trọng, cán bộ chuyên trách AIDS của huyện Hoài Nhơn cho biết: “Đám tang của N.Q không có ai, bản thân anh phải vừa tham gia khâm liệm vừa khiêng quan tài; xe tang cũng không thuê được, anh phải xin xe của y tế đến giúp đưa đi chôn”.

Không chỉ có thế, cái chết của N.Q đã gây xôn xao khắp huyện Hoài Nhơn với danh sách hàng trăm người được cô viết để lại trước khi chết. Dù chính quyền địa phương và những tư vấn viên đã đính chính nhiều lần song tin đồn vẫn lan rộng. Quán cà phê P.T khá đẹp nhưng chỉ lác đác có vài khách. Cô chủ quán nói: “Người ta đồn chồng em có tên trong danh sách của N.Q để lại nên không ai đến nữa, tình hình này chắc phải đóng cửa quán thôi!”.

Với gia đình chị Q. ở Tam Quan, sự kỳ thị cũng rất nặng nề. Đứa con trai của chị không được học trường mẫu giáo của thôn mà phải chuyển đến học một lớp mẫu giáo ở xã khác - nơi không ai biết tung tích của cháu. Theo lời mẹ của chị Q. trẻ con xung quanh xóm cũng chẳng ai chơi với cháu. Nghề chính của chị Q. là buôn bán hàng ăn nhỏ, nên hàng ngày chị phải dậy từ lúc 5 giờ sáng để đón xe đò đến nơi bán. “Giờ em phải tự đi xe máy chị à, người ta không cho đi xe nữa vì biết em bị AIDS”, Q. nói với tôi trong nước mắt.

Để hiểu thêm, ngày hôm sau tôi đã đến tận nơi chị bán hàng, quán của chị nằm trong một góc nhỏ đơn độc trên đường phố S.H. “Trước đây xung quanh cũng có nhiều hàng quán, giờ người ta chuyển đi hết vì sợ lây nhiễm.”, chị Q. tâm sự. Song điều tệ hại là lời đồn đã theo chân chị đến đây và khách hàng bắt đầu có dấu hiệu xa lánh. Chị than: “Không biết tôi còn bán hàng này được bao lâu nữa!”.

Cũng như chị Q. từ ngày biết C. bị AIDS không ai dám tới nhà chị. Cả ông chủ, nơi chị vẫn hành nghề vá lưới, trong Vũng Tàu cũng đã đánh tiếng cho chị đừng vào làm nữa.

Thông qua anh Nguyễn Tự Trọng, tôi được biết còn một số người mắc bệnh AIDS trên địa bàn huyện Hoài Nhơn mà ngay cả cán bộ chuyên trách cũng không thể tiếp xúc được. Họ sợ những người xung quanh biết chuyện, họ mặc cảm trước bản thân mình và sự kỳ thị của người đời. “Có người tôi chỉ có thể  tiếp xúc qua điện thoại để tư vấn và động viên, chứ họ không cho tôi đến nhà.”, anh Trọng cho biết thêm.

Không chỉ đớn đau, mặc cảm vì bị kỳ thị, hầu hết những người bị nhiễm HIV mà tôi tiếp xúc đều đau đáu một nỗi lo về một tương lai cho cuộc sống của mình và nhất là con cái. Họ không có việc làm, hoặc có nhưng bấp bênh, trong khi lại phải nuôi con.

Công tác tuyên truyền chống kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm HIV đã được đặt ra và thực hiện lâu nay nhưng những gì mà tôi chứng kiến được qua từng số phận người nhiễm HIV hoặc đã chuyển sang bệnh AIDS chứng tỏ hiệu quả của nó còn quá thấp. Sự kỳ thị khiến nhiều người nhiễm HIV không dám công khai bệnh tật với mọi người thậm chí dẫn đến việc “trả thù đời” như cái tin đồn về cái “danh sách để lại” của N.Q.

Thiết nghĩ cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS và cả việc tuyên truyền chống kỳ thị với những người mắc AIDS để những người mắc AIDS được sống chan hòa trong cộng đồng và đó cũng là cách thiết thực góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm AIDS gia tăng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần quan tâm hơn nữa đến đời sống và việc làm cho người bệnh AIDS, giúp họ tự tin hòa nhập với cộng đồng.

  • Hòa My
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đời thường của nữ nghệ sĩ  (10/11/2007)
Trung úy Võ Thị Lệ Quyên đoạt giải nhất  (10/11/2007)
Nhiều tấm lòng hướng về người dân vùng lũ  (10/11/2007)
Thu hồi toàn bộ số hóa chất Chloramin B hết hạn sử dụng  (10/11/2007)
Cần sự cộng đồng trách nhiệm  (09/11/2007)
Phường Nguyễn Văn Cừ được công nhận phường khuyến học  (09/11/2007)
Cấp thuốc Cloramin-B quá hạn sử dụng cho người dân vùng lũ  (09/11/2007)
Giúp đỡ các trường hợp bị bệnh nặng đang điều trị tại BVĐK tỉnh  (09/11/2007)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm  (08/11/2007)
Kiên trì lý tưởng, mục tiêu Cách mạng Tháng Mười  (08/11/2007)
Tăng cường phòng chống dịch sau lũ lụt  (08/11/2007)
Tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (08/11/2007)
Bình Định được tham gia dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở  (08/11/2007)
Nhiều hộ nghèo sẽ thoát nghèo  (08/11/2007)
Bình Định thiệt hại 263 tỉ đồng do mưa lũ  (08/11/2007)