Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải:
Chính phủ sẽ hỗ trợ, giúp đỡ Bình Định vượt qua khó khăn
17:50', 11/11/ 2007 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Ảnh: TS

Như tin đã đưa, ngày 10.11 đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Hoàng Trung Hải- Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã về kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại Bình Định. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn Phó Thủ tướng xung quanh vấn đề này.

- Thưa Phó Thủ tướng, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bình Định báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 10 tháng đầu năm 2007, Phó Thủ tướng có nhận xét gì về phát triển của địa phương?

+ Bình Định là một trong những tỉnh ở khu vực duyên hải miền Trung thường phải chịu nhiều tác động xấu của thiên tai, bão lụt. Tuy vậy, tỉnh đã phát huy nội lực, khai khác tiềm năng vốn có, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Đảng và nhà nước để vươn lên. 10 tháng đầu năm 2007, đời sống kinh tế, xã hội các mặt của tỉnh Bình Định tiếp tục có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, trong đó lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là thành công nhất (tăng 24,2%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước 5,1%) và cũng là lĩnh vực đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành trong nước đều thực hiện mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính, chú trọng đến việc hút đầu tư, nhằm phát triển các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh Bình Định đã có cách làm riêng và đã có kết quả bước đầu. Hiện nay, Bình Định là tỉnh đứng thứ 4 toàn quốc về năng lực canh cấp tỉnh. Đó là điều đáng mừng mà tỉnh cần phải phát huy.

- Phó Thủ tướng có thể cho biết ý kiến của mình về tình hình mưa lũ, công tác PCLB-TKCN và khắc phục hậu quả mưa lũ của tỉnh Bình Định?

+ Trong khoảng thời gian ngắn, Bình Định đã liên tiếp xảy ra 4 đợt lũ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Trước tình hình trên, Bình Định đã thực hiện khá tốt phương châm 4 tại chỗ, sơ tán gần 4 vạn dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất được thiệt hại. Sau lũ, tỉnh cũng đã nhanh chóng thống kê thiệt hại và triển khai nhanh công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, không để dân chịu cảnh màn trời chiếu đất, hoặc bị đói, rét. Tuy nhiên, số người chết và bị thương, số hộ có nhà bị sập do mưa lũ gây ra ở Bình Định khá cao. Thay mặt chính phủ, tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các hộ gia đình có người thân bị thiệt mạng, hộ có nhà sập…. Bình Định cần tiếp tục quan tâm đến việc hỗ trợ, cứu trợ về tiền, lương thực, thực phẩm cho dân, giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cần phải chú trọng đến việc vệ sinh môi trường, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các loại dịch bệnh thường xảy ra trong và sau lũ đồng thời hướng dẫn cho người dân biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh cho người và gia súc. Ngoài ra, tỉnh cũng cần kiểm tra các công trình thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển, giống cây trồng vật nuôi, tiến hành khắc phục nhanh để đảm bảo cho vụ sản xuất Đông Xuân năm 2007-2008. Đồng thời đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và thực hiện công tác PCLB-TKCN trong thời gian vừa qua, để tìm ra những tồn tại và hạn chế để khắc phục. Hiện nay, tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, bên cạnh việc khắc phục hậu quả lũ lụt, tỉnh cùng cần chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực… để ứng phó với các đợt mưa lũ trong mùa mưa này.

-  Thưa Phó Thủ tướng, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Bình Định, Chính phủ có sự hỗ trợ cho tỉnh khắc phục hậu lũ lụt?

+ Tỉnh Bình Định đã đề nghị hỗ trợ 73,5 tỉ đồng để giúp tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt, Chính phủ sẽ giao cho Bộ NN-PTNT tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các tỉnh, thành để trình Thủ tướng và Thủ Tướng sẽ có hướng giải quyết việc hỗ trợ cho các tỉnh, trong đó có Bình Định. Trước mắt, Chính phủ đồng ý đề nghị của tỉnh là hỗ trợ 3.000 tấn gạo để cứu đói giáp hạt và các hộ dân mất lương thực trong lũ. Về 200 ngàn liều vacxin LMLM 3 tupe, các loại giống cây trồng, Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT chuẩn bị và cung cấp cho tỉnh và phối hợp với tỉnh khắc phục về việc thiếu nguồn giống và phục hồi sản xuất. Về thuốc y tế, Chính phủ giao cho Bộ Y tế hỗ trợ theo kiến nghị của tỉnh là  200 cơ số thuốc, 1 triệu viên và 1.000 kg thuốc bột Chloramin B để xử lý nước uống và môi trường sau mưa lũ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần lưu ý đến môi trường, vấn đề ăn uống, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm… không để dịch tiêu chảy cấp xảy ra.

 

Người dân thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn (Phù Cát) tu bổ đoạn đê sông Côn bị mưa lũ làm sạt lở. Ảnh: TS

 

Bình Định có nhiều tuyến đê sông, đê biển và hồ chứa nước đã và đang bị xuống cấp. Việc khôi phục hệ thống thủy lợi là vấn đề cấp bách cần phải thực hiện ngay. Tôi hoàn toàn thống nhất với kiến nghị hỗ trợ kinh phí 19 tỷ đồng cho tỉnh nâng cấp đê sông, đê biển và hồ chứa nước. Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh xây dựng dự án, Chính phủ sẽ cân đối nguồn vốn để hỗ trợ kịp thời cho tỉnh. Bộ Giao thông- Vận tải có trách nhiệm kiểm tra hệ thống đường giao thông bị hư hỏng, xem xét nâng cấp hoặc xây dựng lại cầu Bà Gi trên tuyến quốc lộ 1A và giải quyết nguồn vốn cho tỉnh hoàn trả vốn đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông ven biển trên địa bàn tỉnh.

Chính phủ hoàn toàn thống nhất và giao cho Bộ NN-PTNT xem xét báo cáo cho Chính phủ, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ cân đối nguồn vốn để hỗ trợ kinh phí hàng năm cho tỉnh để thực hiện các dự án tái định cư vùng sạt lở Cát Tiến, Cát Nhơn (Phù Cát); Hoài Hương (Hoài Nhơn); Quảng Vân (Tuy Phước); xã đảo Nhơn Lý, Nhơn Châu, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Nếu nguồn vốn lớn, Chính phủ sẽ đề xuất với Quốc hội xem xét hỗ trợ cho tỉnh bằng nguồn vốn của trái phiếu Chính phủ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo khôi phục các đê biển cho miền Trung và miền Nam. Riêng hệ thống đê biển trên địa bàn tỉnh Bình Định, Chính phủ sẽ chỉ đạo cho Bộ NN-PTNT đưa hệ thống đê biển, trong đó có đê biển Huỳnh Giản vào chương trình nâng cấp, xây dựng đê biển quốc gia. Tôi cũng thống nhất cao về dự án chống xói lở bờ sông Kôn, bảo vệ tài nguyên đất và bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho hơn 60 ngàn dân sống ven sông của tỉnh Bình Định. Hiện nay, nhiều địa phương nợ vốn vay để nuôi trồng thủy sản nhưng không có khả năng hoàn trả, riêng Bình Định còn nợ 15 tỉ đồng, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính cân nhắc, báo cáo cho Chính phủ xem xét giải quyết khoanh nợ hoặc xóa nợ  cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản bị mất mùa….

- Xin cảm ơn đồng chí Phó Thủ tướng

  • Phạm Tiến Sỹ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định cần phát huy nội lực khẩn trưởng triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt   (11/11/2007)
Làng biển không êm ả  (10/11/2007)
Đời thường của nữ nghệ sĩ  (10/11/2007)
Trung úy Võ Thị Lệ Quyên đoạt giải nhất  (10/11/2007)
Nhiều tấm lòng hướng về người dân vùng lũ  (10/11/2007)
Thu hồi toàn bộ số hóa chất Chloramin B hết hạn sử dụng  (10/11/2007)
Cần sự cộng đồng trách nhiệm  (09/11/2007)
Phường Nguyễn Văn Cừ được công nhận phường khuyến học  (09/11/2007)
Cấp thuốc Cloramin-B quá hạn sử dụng cho người dân vùng lũ  (09/11/2007)
Giúp đỡ các trường hợp bị bệnh nặng đang điều trị tại BVĐK tỉnh  (09/11/2007)
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm  (08/11/2007)
Kiên trì lý tưởng, mục tiêu Cách mạng Tháng Mười  (08/11/2007)
Tăng cường phòng chống dịch sau lũ lụt  (08/11/2007)
Tổ chức hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (08/11/2007)
Bình Định được tham gia dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở  (08/11/2007)