Sau khi về địa phương trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt và khắc phục hậu quả thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định lại trở ra Hà Nội tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội.
Ngày 12.11, bên lề phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ tịch Vũ Hoàng Hà (thứ nhất bìa trái) đã tranh thủ báo cáo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả các đợt lũ lụt vừa qua của tỉnh Bình Định và diễn biến của trận lụt thứ năm đang diễn ra. (B.L)
Ảnh: Minh Điền |
* Ghi nhanh của Nguyễn Hân - Tiến Sỹ
Trong các ngày từ 9 đến 12.11, trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục có mưa lớn kết hợp với triều cường làm cho mực nước ở các sông trong tỉnh lại lên cao, gây lụt lớn tại nhiều địa phương. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ 16.10 đến nay) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 cơn lũ liên tiếp. Hậu quả của cơn lũ trước chưa kịp khắc phục thì cơn lũ sau đã ập đến...
|
Tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đến các xã khu Đông huyện có nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước, người dân phải qua lại bằng xe độ chế (ảnh chụp ngày 12.11). Ảnh: T.S
|
* Nhiều nơi chìm trong biển nước
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp đới gió Đông trên cao đã gây mưa lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Lượng mưa phổ biến trong các ngày 9 đến 12.11 từ 150 đến 350mm. Riêng tại An Hòa (An Lão) lượng mưa đo được 502mm, Bồng Sơn (Hoài Nhơn) 329mm, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) 268mm, Hoài Ân 288mm… Mưa lớn kéo dài, kết hợp với các hồ chứa đã đầy, mực nước tại các sông còn ở mức cao và tiếp tục lên nhanh, từ báo động I đến trên báo động III.
Nước lũ tiếp tục đổ về nhấn chìm nhiều xã phía đông ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn… Sáng 12.11, các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã phía đông các địa phương nói trên lại bị ngập chìm trong nước lũ. Hàng chục km đê Khu Đông bị nước lũ tràn qua từ 0,5m - 1m. Nhiều tuyến đê sông, kênh mương, cầu đường... chỉ mới vừa được hàn khẩu, gia cố, khắc phục trong đợt lũ trước đã tiếp tục bị sạt lở, hư hỏng.
Ông Nguyễn Hữu Miên, Chánh Văn phòng UBND huyện Phù Cát - thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) huyện, cho biết: Các xã khu Đông của huyện như Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Nhơn… hai ngày qua tiếp tục bị nước cô lập hoàn toàn; 8.600 học sinh tiểu học và THCS phải nghỉ học. Lũ cũng đã gây sa bồi thủy phá hơn 65 ha đất sản xuất, đê Mỹ Bình (xã Cát Thắng) bị sạt lở hơn 45m... Lãnh đạo huyện Phù Cát đã phân công trực chiến 24/24 giờ để phối hợp với chính quyền các địa phương sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Huyện Phù Cát đã huy động lực lượng dân quân và thanh niên xung kích di dời hàng trăm hộ dân ở các vùng trũng đến nơi an toàn. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhân dân trong huyện đã quyên góp tiền bạc, vật chất hỗ trợ, giúp đỡ những hộ dân bị thiệt hại do lũ gây ra. UBND huyện đã cứu trợ khẩn cấp 120 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ đến người dân vùng lũ lụt. Bên cạnh đó, huyện cũng đã cứu trợ mì tôm, mùng, mền và nhiều nhu yếu phẩm khác cho các gia đình bị nước lũ cô lập. Hỗ trợ 2 - 3 triệu đồng cho hộ gia đình có người bị chết và 5 - 8 triệu đồng cho các hộ có nhà bị sập.
|
Công ty 508 thăm và tặng quà cứu trợ người dân vùng lũ huyện Tuy Phước. Ảnh: Viết Hiền
|
Tại Tuy Phước, sáng 12.11, khi cơn lũ trước chưa kịp rút hết thì các xã khu Đông huyện lại bị nước lũ cô lập. Tuyến tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đến các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn… nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước. Theo thống kê chưa đầy đủ vì nhiều vùng vẫn còn ngập sâu trong nước, tại xã Phước Hòa, đê sông Gò Bồi liên tiếp bị các cơn lũ uy hiếp gây sạt lở nhiều đoạn, 200m đê bị vỡ. Đê Huỳnh Giản bị nước lũ tràn qua hơn 1 mét gây sạt lở, vỡ 200m, chia cắt địa bàn thôn với các khu vực khác. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm sạt lở và làm vỡ đứt 1.193m đê sông ở các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Quang… Hơn 10.000 học sinh ở địa phương tiếp tục phải nghỉ học.
Theo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN huyện Tuy Phước, tính đến chiều ngày 12.11, đợt lũ này đã làm chết 2 người, 6 ngôi nhà sập hoàn, 1.000 ngôi nhà bị ngập sâu gần 1m nước... Ông Nguyễn Bay, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tuy Phước, cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo cho các địa phương di dời những hộ dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với lũ lụt. Huyện đã phân bổ 80 tấn gạo, hàng ngàn gói mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác cứu trợ người dân vùng lũ. Tại các khu vực bị ngập sâu, nước lũ chảy xiết, huyện cử lực lượng thanh niên xung kích tăng cường giám sát, không cho người dân đi lại...”.
* Khắc phục hậu quả lũ lụt: ưu tiên hàng đầu
Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các ngành triển khai khẩn cấp công tác phòng chống lũ lụt. Trong các ngày qua, các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã xuống các địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác di dời dân và cứu hộ các công trình thủy lợi, đê sông, đê biển bị lũ lụt uy hiếp… Hàng ngàn bộ đội, công an, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích... cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương cứu hộ các công trình, đặc biệt là chống tràn ở các đê vùng hạ lưu sông La Tinh, sông Côn, đê Đông... góp phần hạn chế, giảm thiểu các thiệt hại do lũ lụt gây ra; đồng thời giúp người dân ở các vùng ngập sâu đến khu vực cao hơn.
|
Nhiều khu dân cư ở khu Đông Tuy Phước, Phù Cát lại bị nước lũ cô lập trong đợt lũ từ 9.11 đến 12.11. Ảnh: T.S
|
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban PCLB - TKCN tỉnh, cho biết: “Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã phân công cho các thành viên trong ban trực tiếp đến các huyện, thành phố để chỉ đạo và đôn đốc các địa phương triển khai công tác PCLB. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành đóng trên địa bàn tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB các cấp tiếp tục nắm tình hình thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa bị sập, các công trình giao thông, thủy lợi, lúa và hoa màu bị hư hại. Trước mắt, khẩn trương tổ chức cứu trợ cho người dân và các hộ bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống, tuyệt đối không để cho người dân bị đói, bị rét”.
Theo báo cáo nhanh của thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến chiều ngày 12.11, đợt mưa lũ từ ngày 9 đến 12.11 trên địa bàn tỉnh ta đã làm 6 người chết, 1 người mất tích. 13 nhà sập, hư hỏng, 2.380 nhà ngập nước, 4 hồ chứa sạt lở, 10 đập dâng bồi lấp, 2.000m kênh mương sạt lở làm trôi 950m3 đất, 1.600m đường giao thông sạt lở, 32 tấn lúa, hàng ngàn con gia cầm bị lũ cuốn trôi, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị ngập… |
UBND tỉnh cũng đã nhanh chóng phân bổ 1.000 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ đến các địa phương giúp dân có cái ăn trước mắt. Trong đó, TP Quy Nhơn 40 tấn, Tuy Phước 160 tấn, An Nhơn 80 tấn, An Lão 120 tấn, Phù Cát 120 tấn, Hoài Nhơn 150 tấn, Hoài Ân 70 tấn, Phù Mỹ 80 tấn, Vĩnh Thạnh 60 tấn, Tây Sơn 60 tấn và Vân Canh 60 tấn.
Các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn... cũng đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra với các địa phương và người dân vùng lũ là hàng trăm km đê sông, kênh mương bị vỡ, sạt lở, việc gia cố tu sửa gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí. Giống lúa và các loại hoa màu vụ Đông Xuân sắp tới bị trôi và ẩm ướt không thể đáp ứng yêu cầu cho sản xuất…
|