Sau những ngày nước ngập “trắng” trường, lớp, học sinh vùng lũ ở huyện Tuy Phước đã lần lượt trở lại trường. Thiệt hại về vật chất không nhiều vì ngành GD-ĐT đã chủ động ứng phó, nhưng với các em học sinh để bắt nhịp với những bài học mới thì phải có thời gian.
|
Sân trường THCS số 2 Phước Sơn (Tuy Phước) đã bị sạt lỡ ở hàng trăm m2 đất.
|
* Vất vả sau nước rút
Chúng tôi về khu Đông, vùng trũng còn nhiều khó khăn của huyện Tuy Phước, lũ đã qua, nhưng tại các bờ tràn, nước vẫn còn ngập gần nửa bánh xe, nhiều đoạn, người dân vẫn còn phải thuê sõng chở cả người và xe qua lại. Trường THCS số 2 Phước Sơn (vừa được xây dựng trong năm học này) nằm trong vùng lũ, dù nền trường đã được nâng cao lên 0,9 m so với mặt đường nhưng nước cũng đã mấp mé vào lớp học. Một giáo viên dẫn chúng tôi ra khu vực sân trường. Hàng trăm m2 đất đã bị sạt lở, cuốn trôi… Trường THCS Phước Sơn số 2 được xây dựng phục vụ việc học tập của học sinh 5 thôn khu Đông xã Phước Sơn. Tuy đi học đã gần hơn, nhưng những khó khăn trên đường đến trường đối với học sinh chưa phải đã hết. Hà Thị Hương, học sinh lớp 8 A1 nhà ở Cồn Chim cho biết: “Trường bắt đầu tổ chức học từ thứ 4 (ngày 7.11) nhưng nhiều đoạn nước vẫn chưa kịp rút. Tụi em đi học phải đi đò, sau đó, lại tiếp tục đạp xe đến trường, qua các bờ tràn, phải dắt bộ lội nước…”. Ông Lê Ngọc Diệp, Hiệu trưởng trường cho biết: Vào mùa mưa lũ, học sinh ở đây đi học rất khó khăn. Vừa rồi, Trường đã đề nghị xã (liên hệ với các tổ chức xã hội) cấp phao cho học sinh ở Cồn Chim để đến trường. Thế nhưng, ý thức tự giác của các em chưa cao… Trong mấy ngày lũ, giáo viên phải túc trực tại các bến đò, “bắt” học sinh phải đem phao đi học để đảm bảo an toàn.
Trường tiểu học số 2 xã Phước Sơn cũng có 5 điểm trường nằm ở 5 thôn khu Đông: Lộc Thượng, Dương Thiện, Vinh Quang 1, Vinh Quang 2, Cồn Chim. Ông Võ Ngọc Hải, Hiệu trưởng trường cho biết: Học sinh đã phải nghỉ học mất 1 tuần và mới bắt đầu đi học lại từ ngày 8.11. Trong ngày này, học sinh ở vùng Dương Thiện, Lộc Thượng đi học vẫn còn ít nên trường vẫn chưa tổ chức dạy học được. Chỉ quản lý các em rồi chờ cha mẹ đến đón về. Trường tiểu học số 2 Phước Sơn có điểm trường thôn Vinh Quang 1 bị ngập nước. Sau khi nước rút, trường đã thuê người rửa sạch các phòng học để phục vụ việc học tập cho học sinh.
* Chương trình học gián đoạn
Trường THCS thị trấn Tuy Phước tuy nằm ở địa bàn thuận lợi nhưng mãi đến ngày 8.11, học sinh toàn trường mới đi học lại. Ông Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng trường cho biết: “Do học sinh ở xã Phước Nghĩa (đây là trường liên xã) bị nước cô lập hoàn toàn trong những ngày vừa qua nên không thể đến trường được, trường đành phải chờ...”.
Trường THCS thị trấn Tuy Phước trông khá khang trang, sạch đẹp. Sân trường lát xi măng. Những đợt lụt trước đây, nước không vào được cổng trường, nhưng năm nay cũng đã trắng xóa sân trường. Ông Sơn cho biết: “Tính đến nay, học sinh của trường đã học chậm so với chương trình đúng 2 tuần. Trường đang làm tờ trình đề nghị phòng GD-ĐT dời lịch kiểm tra giữa Học kỳ 1 lại và chỉ kiểm tra phần thực học của học sinh. Trường sẽ tổ chức dạy bù sau, vì thời gian không còn nữa…”. Học sinh vùng lũ đến trường đã gặp muôn vàn khó khăn, chất lượng học tập của các em vốn đã yếu hơn học sinh các vùng thuận lợi, phải nghỉ học dài ngày, chuyện chữ nghĩa rơi rớt là điều không tránh khỏi.
Ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: Trong các ngày 5, ngày 6.11, 100% số học sinh (Tuy Phước có 38.763 học sinh các cấp) trong huyện đã nghỉ học. Đến ngày 9.11, mới có khoảng 80% số học sinh đi học lại… Trong 2 đợt lụt vừa qua, Tuy Phước đã có 1 trường mẫu giáo thôn Phụng Sơn bị tốc mái, 1 phòng học mẫu giáo thôn Trung Tín (thị trấn Tuy Phước) bị sập trần; một số trường tiểu học bị đổ tường rào từ 15-30 m và sạt lở đất… Thiệt hại nhìn thấy được tuy không lớn nhưng trường học bị ngấm nước sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình và đặc biệt, việc học tập của học sinh bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Là huyện vùng lũ, hàng năm đều bị ảnh hưởng của lũ lụt nên ngành GD-ĐT Tuy Phước đã luôn chủ động “sống chung với lũ” như cho học sinh tựu trường sớm hơn so với các nơi khác; trước lũ, phòng GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo cho các trường, giao quyền cho các hiệu trưởng tùy theo tình hình ở địa phương được quyết định cho học sinh nghỉ học kịp thời; mỗi trường đều có ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt để tập trung cho công tác ứng phó với bão, lũ…
|