Thiệt hại lớn nhất vẫn là con người
20:1', 14/11/ 2007 (GMT+7)

Mỗi mùa bão lũ đi qua lại có thêm nhiều gia đình trắng khăn tang trên đầu. Đành rằng hậu quả thiên tai, mỗi ngôi nhà, con đường, cây cầu... bị hư hỏng, hàng ngàn héc ta lúa bị ngập thối..., chúng ta có thể làm lại được, song mỗi con người khi đã vĩnh viễn "ra đi" vì dòng nước lũ oan nghiệt thì thiệt hại này không gì bù đắp được.

 

Nhiều chủ phương tiện chuyên chở người dân ngang qua bờ tràn tại thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa (Tuy Phước) không trang bị phao cứu sinh. (Ảnh: TS)

 

Lẽ ra...

Biết rằng thiên tai là bất khả kháng, nhưng sau mỗi nỗi đau của gia đình có người thân vừa bị chết do nước lũ cuốn trôi chúng ta không khỏi tự hỏi: nếu thận trọng hơn thì có lẽ... đã không chết. Chị Lê Thị Đẹp (SN 1971) và Phạm Thị Yến Thịnh (1975) cùng ở thôn Thanh Quang, xã Phước Thắng (Tuy Phước) là một trường hợp như vậy. Nhiều ngày nước lũ lớn không chợ búa gì được nên trong nhà hết đồ ăn, vì vậy khoảng 15giờ chiều ngày 11.11, chị Đẹp và chị Thịnh rủ nhau chống sõng đi chợ và trong chuyến đi chợ không may này 2 chị đã bị dòng nước lũ hung bạo cuốn trôi... Rồi cái chết đau thương của em gái nhỏ Đặng Thị Cẩm Ngọc. Hôm đó, lúc 19 giờ tối hai chị em Đặng Thị Cẩm Ngọc (17 tuổi) và Đặng Thị Cẩm Nga (11 tuổi) ở thôn Luật Thuận, xã Nhơn Hạnh (An Nhơn) trên đường đi thăm bố mẹ ở Phú Tài (Quy Nhơn) về đi bộ qua tràn giáp xã Phước Hòa - xã Phước Thắng thì bị nước lũ cuốn. Cẩm Nga may mắn được lực lượng dân phòng và người dân địa phương cứu vớt, còn Cẩm Ngọc mãi mãi nằm lại với dòng nước lạnh. Một trường hợp tử nạn khác cũng rất thương tâm là anh Võ Thành Đô (25 tuổi) - kỹ sư Ban quản lí Dự án sinh thái Cồn Chim (Sở Thủy sản Bình Định) bị  lật sõng và bị nước lũ cuốn trôi. Đến 22 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ phải dùng lưới giã cào thả tìm mới vớt được xác anh Đô. Rồi nhiều cái chết đau thương khác ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn…do nước lũ cuốn trôi...như một điệp khúc buồn trong mùa bão lụt.

Ngăn chặn các trường hợp chết người do lũ lụt

Có thể nói, không ít trường hợp chết nước do lũ lụt là từ sự chủ quan của con người. Tại cuộc họp đánh giá tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Tuy Phước, ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện đã thẳng thắn phê bình lãnh đạo UBND các xã Phước Thắng, Phước An… chưa nghiêm túc trong việc chỉ đạo công tác PCLB-TKCN; việc kiểm tra, giám sát tại các bờ tràn, biến đò ngang cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, các đợt lũ trong tháng 10 và đầu tháng 11 đã làm 28 người chết và 3 người bị thương. Riêng đợt lũ đầu tháng 11, trên địa bàn tỉnh có 19 người chết nước. Rõ ràng, tổn thất về người do mưa lũ gây ra là quá lớn.

Không chỉ ở vùng rốn lũ Tuy Phước, mà tại các huyện Phù Cát, An Nhơn... nhiều phương tiện tham gia vận chuyển người dân qua các bờ tràn lúc ngập lụt nhưng không đảm bảo an toàn. Chủ các phương tiện đò sõng không trang bị phao cứu sinh cho người đi đò hay sõng... Thực tế ở các vùng quê bị ngập lụt, nhiều hộ gia đình còn để em vọc nước, chèo chống bè (bè làm bằng thân cây chuối) giữa biển nước mênh mông, có những thanh niên lợi dụng lũ lụt bì bõm trong nước để bắt rắn, thả lưới mà không đề phòng nguy hiểm từ dòng nước lũ…

Nhằm ngăn chặn tình trạng chết người do lũ lụt, ngày 13.11, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Vũ Hoàng Hà đã có công điện khẩn chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các sở ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân chủ động bảo vệ mình và gia đình. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT, Sở Giao thông- Vận tải, Hội chữ thập đỏ phối hợp với chính quyền các địa phương phải cử người trực cảnh báo, kiểm tra các phương tiện đò ngang hoạt động trên địa bàn, nghiêm cấm đò ngang chưa được trang bị phương tiện cứu sinh hoạt động và tạm ngừng hoạt động đò ngang vào thời điểm nguy hiểm như khi mưa lũ lớn, nước chảy xiết và đêm tối... Ngành giáo dục phối hợp với các đoàn thể và gia đình học sinh quản lý và giáo dục con em, không để học sinh đi lại, sinh hoạt nơi nguy hiểm.

Thiết nghĩ, từ mỗi người dân đến chính quyền các cấp, lãnh đạo các ngành... thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh, chúng ta sẽ ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những cái chết oan uổng do nước lũ gây ra. Vì xét cho cùng, không có thiệt hại nào lớn hơn thiệt hại về người.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành lập Trường Cao đẳng Y tế Bình Định  (14/11/2007)
Ủng hộ 150 triệu đồng cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt  (14/11/2007)
Kịp thời cứu nạn 2 tàu cá của Bình Định  (14/11/2007)
Khen thưởng đột xuất hai nông dân cứu người trong lũ  (14/11/2007)
Ngăn chặn tình trạng người chết do mưa lũ  (14/11/2007)
Hội nghị góp ý Đề cương chi tiết Lịch sử Đảng bộ Bình Định (1975 -2005)  (14/11/2007)
Ép dân... “tự nguyện” đóng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng ?  (14/11/2007)
Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông  (13/11/2007)
Chống bệnh quan liêu  (13/11/2007)
Tuy Phước: Trường, lớp sau cơn lũ  (13/11/2007)
“Đừng hành chính hóa hoạt động chữ thập đỏ”  (13/11/2007)
Kiểm tra hoạt tính Clo trong số hóa chất hết hạn sử dụng  (13/11/2007)
Khai giảng lớp đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào  (13/11/2007)
Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh cứu trợ đồng bào vùng lũ tỉnh Bình Định  (13/11/2007)
Thanh, kiểm tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm  (13/11/2007)