DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI):
Góp phần khắc phục tình trạng luật chờ nghị định
8:22', 15/11/ 2007 (GMT+7)

Theo Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Bộ trưởng nào để xảy ra tình trạng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật trong lĩnh vực mình quản lý, tức là không hoàn thành chức vụ đang nắm giữ, thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, chế tài này có thể sẽ giúp khắc phục tình trạng luật chờ nghị định như lâu nay.

Bên lề kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII, Đặc phái viên Báo Bình Định tại Hà Nội đã phỏng vấn ĐBQH Hồ Quốc Dũng xung quanh vấn đề này.

 

ĐBQH Hồ Quốc Dũng đang phát biểu tại hội trường Quốc hội.

 

* Khi thảo luận Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), nhiều đại biểu không tán thành phương án Chính phủ đưa ra nhằm đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo báo cáo của Chính phủ, với việc ban hành Luật năm 1996, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay bao gồm 23 loại văn bản (chưa kể văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành), do nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau ban hành. Mỗi cơ quan ban hành từ 2 đến 3 loại văn bản. Điều này làm cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trở nên rất phức tạp.

Chúng tôi cho rằng, đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là một tiến bộ lớn, là việc cần làm. Nhưng vấn đề đặt ra là đơn giản hóa ở mức nào? Chứ đơn giản hóa thái quá thì cũng không được. Chẳng hạn dự thảo đưa ra phương án bỏ hình thức văn bản Nghị quyết của Quốc hội là không được, vì như vậy sẽ làm hạn chế quyền lực của Quốc hội. Bây giờ, cần đơn giản hóa theo hướng, ngoại trừ Quốc hội, mỗi chủ thể ban hành pháp luật còn lại chỉ được ban hành một văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật mà thôi.

* Theo ông, liệu những quy định trong dự thảo có thể khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh chờ nghị định, nghị định chờ thông tư…; cũng như tình trạng hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh một cách tràn lan, thậm chí sao chép lại các quy định của luật, pháp lệnh?

- Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư là vấn đề bất cập lâu nay được nói rất nhiều. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) lần này phải khắc phục được điều đó, tức là khi luật có hiệu lực, phải có đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, theo tôi, trong dự thảo chưa có đủ chế tài cần thiết để khắc phục tình trạng này.

Dự thảo Luật quy định: “Trong trường hợp luật, pháp lệnh có điều, khoản cần phải được quy định chi tiết bằng văn bản khác, thì ngay tại điều, khoản đó, phải xác định rõ cơ quan ban hành, nội dung, phạm vi của văn bản cần ban hành”. Nhưng nếu đã xác định được nội dung, phạm vi cần hướng dẫn thì tại sao không đưa luôn vào luật, mà lại giao Chính phủ quy định.

Tôi cho rằng, cần phải có chế tài ràng buộc trách nhiệm. Phải coi việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi luật là nhiệm vụ Quốc hội giao, không hoàn thành nhiệm vụ đó là không hoàn thành chức vụ đang nắm giữ và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

* Ông nghĩ gì về đề nghị của Chính phủ: Quốc hội giao Chính phủ làm đầu mối giúp Quốc hội, UBTVQH trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh?

- Theo tôi, không nên giao Chính phủ làm đầu mối trong việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chính phủ cũng chỉ là một chủ thể bình đẳng với các chủ thể khác trong việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Quy định như trong Dự thảo luật sẽ làm hạn chế quyền sáng kiến pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hơn nữa, giao Chính phủ làm đầu mối có thể khiến Quốc hội mất đi sự chủ động, Chính phủ trình luật gì thì phải xem xét luật đó. Quyền lập pháp là của Quốc hội, cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm phải là UBTVQH. Nên giao UBTVQH làm đầu mối như trước nay vẫn làm.

* Những quy định về quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong dự thảo đã khuyến khích ĐBQH có sáng quyền lập pháp chưa, thưa  ông?

- Về sáng quyền lập pháp của ĐBQH, theo tôi nên dừng lại ở mức trình sáng kiến, tức là nên ban hành luật gì thì sẽ làm được. Chẳng hạn, thấy công tác quy hoạch có nhiều bất cập, đại biểu có thể đề nghị Quốc hội ban hành luật quy hoạch. Nếu Chính phủ thấy đúng là cần có luật đó thì lập Ban soạn thảo rồi tiến hành xây dựng. Còn nếu ghi trong dự thảo là đồng thời với việc trình sáng kiến, đại biểu phải trình cả dự án luật hoàn chỉnh thì không khả thi. ĐBQH nước ta đâu có văn phòng giúp việc riêng, Văn phòng chung của Đoàn còn bận rộn biết bao việc. Chế độ và chính sách cũng chưa đảm bảo cho đại biểu hoạt động như ở các nước được…

* Xin cảm ơn ông!

  • Hồng Loan (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm 6 người bị chết nước và 1 người bị mất tích  (15/11/2007)
Thiệt hại lớn nhất vẫn là con người  (14/11/2007)
Thành lập Trường Cao đẳng Y tế Bình Định  (14/11/2007)
Ủng hộ 150 triệu đồng cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt  (14/11/2007)
Kịp thời cứu nạn 2 tàu cá của Bình Định  (14/11/2007)
Khen thưởng đột xuất hai nông dân cứu người trong lũ  (14/11/2007)
Ngăn chặn tình trạng người chết do mưa lũ  (14/11/2007)
Hội nghị góp ý Đề cương chi tiết Lịch sử Đảng bộ Bình Định (1975 -2005)  (14/11/2007)
Ép dân... “tự nguyện” đóng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng ?  (14/11/2007)
Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, đảm bảo an toàn giao thông  (13/11/2007)
Chống bệnh quan liêu  (13/11/2007)
Tuy Phước: Trường, lớp sau cơn lũ  (13/11/2007)
“Đừng hành chính hóa hoạt động chữ thập đỏ”  (13/11/2007)
Kiểm tra hoạt tính Clo trong số hóa chất hết hạn sử dụng  (13/11/2007)
Khai giảng lớp đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào  (13/11/2007)