LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐƯỢC ĐÀO TẠO NGHỀ:
Cơ hội “đổi đời” nhiều hơn
11:30', 15/11/ 2007 (GMT+7)

Chính sách ưu đãi đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là lao động nông thôn nghèo trong tỉnh đã được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho họ có cơ hội học tập, trang bị nghề nghiệp và tìm việc làm phù hợp. Nhờ đó, nhiều lao động nông thôn nghèo đã có việc làm ổn định.

 

Chị Võ Thị Hằng, ở xã Cát Hải (Phù Cát) đang học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh Niên. Ảnh: Văn Lưu

 

* Nhu cầu thiết thực

Những năm qua, do tác động của quá trình đô thị hóa nên số hộ nông dân mất đất, không có việc làm ngày càng tăng. Theo Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh hiện có khoảng 20.000 lao động nông thôn thiếu việc làm, hàng ngàn hộ không có đất sản xuất. Đây là vấn đề bức xúc đã và đang được các cấp, các ngành chức năng quan tâm giải quyết.

Hỗ trợ vốn là giải pháp đầu tiên các ngành chức năng thường nghĩ tới khi tìm cách giúp hộ nông dân mất đất, chưa có việc làm nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đối với lao động nông thôn không có đất, không có phương tiện sản xuất thì việc giúp vốn chỉ là một giải pháp tạm thời. Bởi cái họ cần về lâu dài là được đào tạo nghề để tìm được việc làm mới với mức thu nhập ổn định.

Từ thực tế này, trong những năm gần đây, Sở LĐ-TBXH đã tiến hành chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp theo nhu cầu học của từng nhóm đối tượng thuộc các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Các ngành nghề đào tạo gồm: sửa chữa xe máy, may công nghiệp, điện công nghiệp, chăn nuôi thú y, trồng trọt, điện dân dụng, hàn điện, mộc dân dụng… Trong các ngành nghề này, số người theo học các ngành: chăn nuôi thú y, trồng trọt, may công nghiệp, hàn điện, mộc dân dụng chiếm phần nhiều. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã đào tạo được gần 4.000 lao động nông thôn. Con số này cho thấy nhu cầu được đào tạo nghề của lao động nông thôn là rất lớn.

* Người nghèo được học nghề

Theo ông Võ Văn Lương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở LĐ-TBXH tỉnh), với việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề và tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội (như: người tàn tật, dân tộc thiểu số, con em bệnh nhân phong, người nghèo, lao động nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất) được học nghề thông qua việc áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt như đào tạo sơ cấp tại cơ sở dạy nghề, đào tạo lưu động tại địa phương đã giúp họ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Ngoài ra còn có các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức nghề nghiệp cho lao động nông thôn qua các hội, đoàn thể, tạo điều kiện để họ nâng cao kiến thức, áp dụng vào việc cải tiến vật nuôi, cây trồng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, từ đầu năm 2007 đến nay, các trung tâm đã đào tạo sơ cấp nghề cho 14.800 đối tượng, trong đó đào tạo nghề cho người tàn tật: 200, dân tộc thiểu số: 778, con em bệnh nhân phong: 64, hộ nghèo: 525, lao động nông thôn: 3.814, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề: 4.930, các đối tượng khác: 4.489. Ngoài ra còn bồi dưỡng, tập huấn nghề cho 8.500 lượt người.

Đầu tháng 10.2007, lần đầu tiên Trung ương phân bổ cho Bình Định 490 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2007 để hỗ trợ đào tạo các nghề: chăn nuôi, trồng trọt, hàn điện, may công nghiệp, nấu ăn cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Mỗi học viên khi tham gia học nghề được hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng, trong thời gian 3 tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ kinh phí đi lại. Nhờ chương trình hỗ trợ này mà nhiều thanh niên ở nông thôn thuộc diện nghèo, đã mạnh dạn đăng ký học nghề.

Chị Võ Thị Hằng, ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải (Phù Cát) thuộc diện hộ nghèo, đăng ký học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh Niên, tâm sự: “Nhờ khoản kinh phí hỗ trợ hàng tháng cũng khá nên em mới có điều kiện đi học nghề. Chứ gia đình em khó khăn lắm, tiền đâu mà lo cho em đi học nghề”. Hay anh Nguyễn Ngọc Minh, ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) cũng thuộc diện hộ nghèo, đăng ký học nghề hàn điện, với mong muốn ra nghề có việc làm ổn định để thoát nghèo…

Việc ưu đãi trong công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động nông thôn nghèo là một chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho lực lượng lao động nông thôn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn nâng cao mức sống, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân  (15/11/2007)
Tiếp nhận gần 390 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt  (15/11/2007)
Tặng quà cho học sinh nghèo  (15/11/2007)
113 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh  (15/11/2007)
Quân đội tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt  (15/11/2007)
2.943 lượt học sinh sinh viên được vay vốn học tập  (15/11/2007)
Góp phần khắc phục tình trạng luật chờ nghị định  (15/11/2007)
Thêm 6 người bị chết nước và 1 người bị mất tích  (15/11/2007)
Thiệt hại lớn nhất vẫn là con người  (14/11/2007)
Thành lập Trường Cao đẳng Y tế Bình Định  (14/11/2007)
Ủng hộ 150 triệu đồng cho đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt  (14/11/2007)
Kịp thời cứu nạn 2 tàu cá của Bình Định  (14/11/2007)
Khen thưởng đột xuất hai nông dân cứu người trong lũ  (14/11/2007)
Ngăn chặn tình trạng người chết do mưa lũ  (14/11/2007)
Hội nghị góp ý Đề cương chi tiết Lịch sử Đảng bộ Bình Định (1975 -2005)  (14/11/2007)