Gần 10 năm hoạt động, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Bình Định đã thật sự là chỗ dựa đáng tin cậy của các đối tượng chính sách và người nghèo, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.
|
Trợ giúp pháp lý tại nhà rông.
|
Từ khi thành lập Trung tâm TGPL của tỉnh, bà con các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, bán đảo và khu vực nông thôn có cảm giác được gặp “cán bộ tỉnh” nhiều hơn; mặc dù đó chỉ là những cán bộ, chuyên viên làm nghiệp vụ TGPL. Những buổi TGPL, Trung tâm thường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giống như một buổi sinh hoạt văn hóa thôn bản, có khi tổ chức tại nhà sàn của già làng, trưởng bản, hoặc nhà rông, có khi là tại trụ sở xã, có khi là các trường học gần cộng đồng dân cư…
- Bình Định hiện có gần 110 cộng tác viên TGPL; trong đó có 10 luật sư là cộng tác viên. Có 8 tổ TGPL cấp huyện và 12 CLB TGPL cấp phường, xã, thị trấn.
- Gần 10 năm qua, TGPL tỉnh Bình Định đã trợ giúp gần 13.300 vụ việc; trong đó, TGPL tại Trung tâm trên 3.700 vụ việc, TGPL lưu động gần 4.800 vụ việc, các tư vấn khác gần 5.100 vụ việc. Trung bình mỗi năm, Trung tâm cử luật sư bào chữa tại tòa án khoảng 26 vụ. |
Ông Nguyễn Phát Tiến- Phó giám đốc phụ trách Trung tâm TGPL tỉnh kể lại những kỷ niệm qua các chuyến TGPL lưu động: “Nhiều thôn, bản chưa có điện thắp sáng, bà con phải dùng đèn dầu, hoặc đốt lửa bên nhà sàn, nhà rông để nghe luật. Bên đống lửa bập bùng là những khuôn mặt già có, trẻ có, nam, nữ thanh niên đều có. Họ đến để nghe chúng tôi giới thiệu, phổ biến pháp luật là chủ yếu, vì vậy chúng tôi cố gắng giới thiệu nhiều hơn, đầy đủ hơn những thông tin, những quy định của nhà nước, các thủ tục, quy trình… để bà con thông hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Việc tiếp thu của bà con có hạn, nên chúng tôi phải đơn giản hóa những thuật ngữ pháp luật để bà con dễ hiểu, chỉ mong sao qua những buổi tiếp xúc, trợ giúp mà bà con thực hiện đúng pháp luật là đã thành công”. Các hủ tục, tập quán lạc hậu như: cầm đồ thuốc độc, tự tử, phạt vạ, ma chay, cưới hỏi… ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng, lãng phí của bà con ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện qua các đợt TGPL lưu động.
Những băn khoăn, thắc mắc của bà con thì rất nhiều, nhưng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như đất đai, giao nhận đất rừng, hôn nhân gia đình và các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào, nhất là các xã thuộc chương trình 134, 135.
|
Vượt đèo, vượt suối đến TGPL cho bà con dân tộc thiểu số. |
Qua thực tiễn những đợt TGPL lưu động, Trung tâm TGPL nắm được vấn đề bà con quan tâm nhất hiện nay là các thủ tục kê khai, xác nhận để làm chế độ khen thưởng huân, huy chương kháng chiến, chế độ thương binh, người có công với cách mạng… Lâu nay bà con chỉ nghe chứ ít được hướng dẫn, giải thích nên không biết đường làm. Hơn nữa, ở các vùng sâu, vùng xa để tìm đến những người chỉ huy, người lãnh đạo trước đây để xin xác nhận, chứng nhận thật là khó khăn vô cùng, bà con rất ngại việc đi lại tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có trách nhiệm trước đây. Nay được TGPL hướng dẫn, giúp đỡ, hàng nghìn trường hợp được công nhận có công cách mạng, được truy tặng, khen thưởng huân, huy chương kháng chiến, đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi lắm và tin vào đội ngũ TGPL, tin vào chính quyền hơn.
Gian nan, vất vả nhưng vui, đó là tâm tư của hầu hết những người làm công tác TGPL; bởi qua tiếp xúc, trao đổi với bà con, họ hiểu được tâm tư, nguyện vọng, cùng bao nỗi khó khăn, vướng mắc, để chia sẻ và chung tay giúp đỡ, tháo gỡ. Niềm vui của bà con cũng chính là niềm vui của những người làm công tác TGPL. Qua mỗi chuyến đi, mỗi lần trợ giúp họ đều mong sao nhiều người được hưởng các chế độ, chính sách theo đúng quy định của nhà nước; nhiều người tìm được tiếng nói công lý mà trước đây họ không có điều kiện tiếp cận. Nhờ tác động tư vấn, TGPL đã giúp cho các cấp chính quyền cơ sở nắm bắt, nhìn nhận lại những vấn đề bà con thắc mắc, đưa ra cách giải quyết đúng pháp luật về những yêu cầu chính đáng của bà con; hạn chế được những việc làm thiếu trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở trước đây.
|