“Chuyện nhặt” ở phòng sinh
7:30', 17/11/ 2007 (GMT+7)

Chẳng có niềm vui nào bằng khi đón nhận một sinh linh mới chào đời trong sự trông đợi của nhiều người. Và cũng chẳng có nỗi buồn nào hơn khi người mẹ không thể giữ được đứa con mà mình khao khát đã tượng hình. Chuyện thường ngày ở khoa Phụ sản- Bệnh viện Đa khoa tỉnh…

 

Bố chăm mẹ và bé vừa mới từ phòng sinh ra.

 

1. Cô gái ở giường bên vật lộn với cơn đau đã 3 ngày. Lúc đau ngấm ngầm, lúc lại dữ dội theo mức độ quyết liệt của đứa con đang đòi ra. Anh chồng không về được, vài tiếng lại gọi điện thăm chừng… đến mức sốt ruột. Một giờ sáng, bà nội đón cháu từ phòng sinh trong nỗi tần ngần: “Cha nó giờ còn đang ở Hà Nội, chẳng biết khi nào mới về thăm vợ con được!”.

Nửa đêm. Thêm một bệnh nhân cấp cứu từ An Khê (Gia Lai). Sản phụ 30 tuổi, sinh non hai tháng, đứa con chỉ nặng 1,6 kg. Người chồng cõng vợ vào phòng, tất bật thu xếp chỗ nằm, rồi lại tranh thủ chăm con đang nằm trong lồng ấp ở khoa Nhi sơ sinh. “Đột ngột nên vợ chồng em chẳng thể nhờ được ai. Cháu đầu 5 tuổi gởi tạm ở nhà bạn bè trên đó. Chắc vài ngày nữa mới có người nhà vào trông bé”- hôm sau khi đã tỉnh hơn chút, sản phụ tên Lan kể lại chuyện của mình. Họ quê ngoài Bắc, vào Gia Lai lập nghiệp. Vợ là giáo viên, chồng bộ đội.

2. Thời gian ở bệnh viện, tôi được nghe nhắc khá nhiều trường hợp một sản phụ 16 tuổi ở Khánh Hòa có thai với một “Việt kiều” tuổi trên 60. Đã là mẹ nhưng cô còn “dại” lắm, vì ai hỏi gì cô cũng đều “khai” cả. Lúc thì cô nói “chồng” đã có gia đình ở bên Mỹ, lúc ở Thụy Sĩ, muốn có con trai… Thông tin đa chiều từ cô gái, từ người nhà bệnh nhân mỗi lúc mỗi khác khiến người hiếu kỳ lại càng cố công xem mắt cho được cô gái…

Chuyện nữa: một cô gái trẻ khác xa nhà làm công nhân, bị chàng họ “Sở” lừa phỉnh. Cô mang thai cũng là lúc hắn cao chạy xa bay. Tứ cố vô thân, cô quay về nhà sinh nở. Hỏi nhà tên họ Sở, cô gái cũng chẳng biết đâu mà lần, chỉ biết hắn ở quận 12 (TP.Hồ Chí Minh). Mẹ giận con, xót cháu, tránh sao những lúc tiếng bấc, tiếng chì. Kẻ qua, người lại, cám cảnh mẹ con cô gái. Khi giúp hộp cơm, khi trái chuối…

3. Nhưng, những người nằm tại khoa Phụ sản, chẳng ai đều may mắn được làm mẹ. Niềm mong ước cảm nhận được những “búng”, “đạp” từng ngày của con khi đặt tay lên bụng bỗng thành ác mộng khi một ngày họ nhận được thông báo “thai lưu, sảy thai…”.

Chị Trần Thị Ng, 33 tuổi ở Phù Cát, lưu thai tháng thứ ba, buồn rầu kể: “Vợ chồng tôi chuyên trồng dưa hấu, ngày nào cũng phun thuốc trừ sâu, thuốc bệnh cho dưa. Biết độc  hại nên tôi đã ngưng làm dưa hai tháng trước khi có thai. Vậy mà cũng không giữ được…”. Chị Ng. nghĩ mình “bị” là do tiếp xúc quá nhiều với hóa chất độc hại. Với một số chị em người khác, từ khi biết mình có thai, họ  đã “nâng như nâng trứng”… vẫn không sao giữ được. “Bao hy vọng trông đợi vào đứa con, niềm vui của chồng-vợ bỗng chốc sụp đổ. Vào đây rồi mới thấy, nhiều người còn có hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp hơn mình. Ngẫm lại, mình còn có cơ may hơn một số người khác” - họ tâm sự.

Như chị Nguyễn Thị Xuân N. (Tây Sơn), 27 tuổi, ở phòng phụ sản 2, không thể có con được nữa. Chị N. mới lấy chồng đầu năm nay. Có thai chưa kịp mừng thì bác sĩ phát hiện chị vừa bị bệnh tim bẩm sinh, vừa bị bướu cổ. Phải loại thai để cứu lấy mẹ. Bỏ thai tháng trước, tháng này chị lại phải nằm viện, người teo lại chỉ độ 30 kg. Chồng hái cà phê thuê ở Tây Nguyên chưa về. Mẹ già 70 tuổi lụm cụm nuôi con gái. Mỗi bữa hai mẹ con chung một suất cơm. Mẹ ăn thêm bánh tráng chấm xì dầu. “Vợ bệnh hoạn thế này, lại không thể có con, không biết  anh chồng có chấp nhận sống chung cả đời không nhỉ?”. Mọi người cùng phòng đều nghĩ đến điều ấy, nhưng chẳng nói ra. Họ tội cho cô gái trẻ!

Cách đây mấy hôm, có đôi vợ chồng ngoài bốn mươi tuổi đã ôm nhau khóc ở hành lang bệnh viện. Họ hiếm muộn, dành dụm mãi mới đủ tiền vào thụ tinh ở Bệnh viện Từ Dũ. Thai đậu- những tưởng niềm khao khát con trẻ sẽ đem lại nguồn vui cho họ khi tuổi xế chiều. Ngờ đâu, khi khám thai thì mới phát hiện thai đã không phát triển. Tuổi đã lớn, kinh tế khó khăn, liệu họ còn có đủ thời gian và tiền bạc để làm lại lần nữa?

4. Đàn bà vượt cạn thời nay đâu có “mồ côi” mà cả đại gia đình đi theo săn sóc, động viên. Hơn ai hết, các ông bố là người sốt sắng, tích cực chăm sóc vợ nhất. Quan niệm xưa cũ “đẻ chửa là chuyện của riêng đàn bà” không còn phù hợp trong cuộc sống ngày nay. Nói về kỷ lục “chăm vợ tận tụy” thì, không hẹn mà gặp, các bác sĩ, y tá và cả bệnh nhân đều phong cho anh Th.- chồng của chị H. ở phòng phụ sản 1. Chị H. bị động thai, nhập viện từ lúc mới có thai đến nay thai đã được 37 tuần tuổi. Thời gian này, anh Th. đã bỏ cả công việc, túc trực 24/24 giờ chăm sóc cho vợ ăn uống, vệ sinh một chỗ. “Cha mẹ đều đã già. Vả lại, chăm sóc hơn nửa năm trời, đâu ai thể làm thay mình được. Muốn con thì phải chịu vất vả chứ biết sao hơn”- anh Th. nói.

Trong những ngày mưa gió rét mướt này, lượng người vào ra khoa Phụ sản vẫn không hề giảm. Những cung bậc của hỉ, nộ, ái, ố có lẽ không đâu nhiều bằng ở nơi đây. Trời mưa, gốc phượng già trước cổng khoa lúc nào cũng vẫn nghi ngút khói hương. Chẳng biết từ bao giờ, người nhà bệnh nhân đã đặt ở đó hai bàn thờ Bà Mụ. Sản phụ nào sinh khó… thể nào người nhà cũng van vái để cuộc sinh nở được thuận lợi hơn. Không hẳn là mê tín, nhưng có chút gì đó của đức tin, bất kể người giàu hay nghèo, trước khi ra về cũng đều bày ít trái cây, hoa quả lễ tạ… để cho sản phụ- em bé được thanh thản, “nhẹ vía”.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lực lượng to lớn của cách mạng, nhân tố quyết định thắng lợi...  (17/11/2007)
Nhiều tổ chức, đơn vị cứu trợ đồng bào bị lũ lụt  (17/11/2007)
Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội mở cơ sở đào tạo tại Bình Định  (17/11/2007)
120 giáo viên thi giáo viên dạy giỏi bậc THCS cấp tỉnh  (17/11/2007)
Chủ động đối phó với đợt mưa lũ mới  (17/11/2007)
Họp mặt kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Mặt trận DTTN Việt Nam  (17/11/2007)
Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt và chủ động phòng mưa lũ  (17/11/2007)
NZAID hỗ trợ Bình Định 21.875 USD để khắc phục hậu quả lũ lụt  (16/11/2007)
Đến với bà con vùng sâu, vùng xa  (16/11/2007)
Lỗi tại người lớn  (16/11/2007)
Kết nạp 28 sinh viên vào Đảng  (16/11/2007)
Thêm 2 nông dân tham gia cứu người trong lũ được khen thưởng  (16/11/2007)
Khám mắt và cấp kính điều trị tật khúc xạ miễn phí  (16/11/2007)
Đại hội thi đua quyết thắng LLVTND tỉnh lần thứ XI  (16/11/2007)
Cơ hội “đổi đời” nhiều hơn  (15/11/2007)