Mưu sinh mùa lũ lụt
11:24', 19/11/ 2007 (GMT+7)

Trong những ngày mưa gió lạnh lẽo, nước lũ về dâng trắng cánh đồng, phong tỏa các con đường khiến khách bộ hành phải lụy đến ghe sõng và nhiều nông dân có thêm việc làm: nghề đưa đò... Tuy là nghề "tranh thủ", nhưng qua một mùa bão lụt các chủ sõng có thêm khoản thu nhập kha khá trong những ngày nông nhàn. Đó là về phía chủ sõng, chứ với khách đi đường thì đi qua những chuyến đò như vậy không ít người thót tim, vì trên phần lớn những chuyến đò nghiệp dư không hề có phương tiện cứu sinh nào...

 

Phập phồng trên sóng nước trên mỗi chuyến đò ngang. Ảnh: TS 

 

"Tranh thủ" nhưng thu nhập khá

Trong những ngày lũ chồng lên lũ vừa qua nếu có việc về các xã khu Đông các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ... chắc chắn mỗi người đều phải qua nhiều chuyến đò. Đáng kể là khi những con đường lớn liên huyện bị ngập trong nước lũ thì lượng người, xe cộ ứ đọng ở hai đầu càng đông. Thấy đông khách "cầu" vượt "cung" khá lớn, nhiều người sắm sõng vốn để gia đình đi lại mùa lũ lụt, nay chuyển sang đưa khách để kiếm thêm thu nhập. Tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước đến các xã khu đông Tuy Phước đến Phù Cát có nhiều dò nghiệp dư nhất. Chỉ tính riêng từ thị trấn Tuy Phước đến xã Phước Nghĩa đã có hơn 26 ghe, sõng, kể cả xe độ chế... phục vụ đưa đón khách qua 3 đoạn bờ tràn. 

Ông Lê Văn Ngọt ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa - chủ nhân chiếc sõng chở khách qua bờ tràn tại thôn Huỳnh Mai, cho biết: “Hành khách của tôi chủ yếu là các công nhân, học sinh và những người buôn bán nhỏ ở địa phương. Mỗi một người đi sõng qua tràn tôi lấy 2 ngàn đồng, nếu mang theo xe máy lấy thêm 3 ngàn đồng nữa. Có nhiều trường hợp đi sõng qua bờ tràn nhưng không có tiền, tôi cũng cho họ đi, coi như mình giúp họ”. Khách đến, 2 vợ chồng ông Ngọt mời chúng tôi xuống sõng rồi dìu dắt và khuân xe xuống sõng để đưa khách qua bên kia bờ tràn. Con nước dữ như muốn lật tung cả sõng lẫn người, mỗi lúc như thế vợ chồng ông phải cố hết sức vừa giữ thăng bằng vừa lái sõng né khu vực có nước chảy xiết, vừa đưa sõng tiếp cận bờ. Ngồi trên sõng chúng tôi nơm nớp lo sợ nước lũ “cuỗm” tính mạng của mình. “Phải khuân xe và chèo chống suốt ngày, thân mình luôn ướt sũng, nên tối về đau ê ẩm, không nuốt nổi cơm”- Ông Ngọt tâm sự với chúng tôi như vậy. Bù lại, mỗi ngày gia đình ông có thu nhập 200 ngàn đồng từ việc đưa khách qua đoạn bờ tràn này. Với người dân vùng ngập lụt, thu nhập 200 ngàn đồng/ngày quả là rất lớn.

Ngoài vợ chồng ông Ngọt, đoạn bờ tràn tại thôn Huỳnh Mai còn có 5 hộ gia đình khác cũng làm nghề đưa đò. Gần đây, nhiều xe độ chế, xe tải nhẹ hiệu Chiến Thắng loại từ 1,5 đến 3 tấn cũng tham gia đưa đón khách qua các bờ tràn. Việc đi lại, kinh doanh mua bán trong mùa lũ của người dân vùng ngập lụt ở các xã khu Đông Tuy Phước có nhiều thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Tấn Triển ở thôn Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước đã sử dụng xe độ chế để chở khách từ thị trấn Tuy Phước đến bờ thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa. Ông Triển cho biết: “Ngày đầu khai trương tôi chở “khuyến mãi” không lấy tiền. Những ngày sau, khách đông hơn tôi thu 10 ngàn đồng cả người lẫn xe máy. Mỗi ngày tôi cũng kiếm được trên 300 ngàn”. Các chủ phương tiện thống nhất với nhau về giá cả, phân bổ khách hàng nhằm hạn chế tình trạng “hớt tay trên” khách của nhau. Tuy vậy, chủ xe độ chế, xe tải có thu nhập khá hơn vì phương tiện chở được nhiều khách hơn, tốc độ di chuyển cũng nhanh hơn các loại sõng, thuyền.

 

Thật không an toàn khi chen chúc trên xe độ chế qua bờ tràn. Ảnh: TS

 

Cơ động nhưng không an toàn

Tuy đáp ứng được yêu cầu qua lại của nhiều khách bộ hành, xe cộ trong mùa lũ lụt, nhưng kiểu hành nghề nghiệp dư của các chủ sõng luôn phập phồng rủi ro. Đã có không ít chuyến đò bị lật sõng người chết, kẻ liên lụy trách nhiệm, nhưng do làm ăn kiểu tạm bợ nên hầu hết các chủ phương tiện đều không trang bị đầy đủ phao cứu sinh khi hành nghề. Đã thế họ còn thường chở quá tải. Ông Nguyễn Văn Tám- chủ một chiếc sõng nói với chúng tôi: “Tôi chỉ làm mấy ngày trời mưa kiếm chút đỉnh chứ có kinh doanh quanh năm suốt tháng đâu mà mua sắm phao cứu sinh. Người qua đường mấy ai đòi hỏi gì đâu, chỉ có anh bày vẽ áo này, phao nọ…”. Không chỉ có ông Tám mà hầu hết các chủ phương tiện ở đây đều rất chủ quan trong việc đưa đón khách qua các bờ tràn. Có người cho rằng, trang bị áo ao, phao cứu sinh là việc làm của chính quyền địa phương, chứ không phải việc làm của họ. Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều phương tiện chở khách đã nảy sinh vấn đề tranh chấp, cạnh tranh khách hàng không lành mạnh. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến các chủ phương tiện giành giật khách dẫn đến cãi vã, xô đẩy gây mất trật tự ở địa phương. Khách lên xe, lên sõng chưa yên vị thì phương tiện đã vội vã lao đi, rất nguy hiểm….

Tranh thủ lúc nông nhàn chở người qua các bờ tràn để kiếm thêm thu nhập là việc nên làm. Song để đảm bảo cho người dân khi qua lại các bờ tràn, đoạn đường bị ngập nước trong mùa mưa lũ, hạn chết thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, chính quyền các địa phương cần phải kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển người, hàng hóa bằng các phương tiện đò sõng nghiệp dư như trên. Phương tiện nào không đảm bảo an toàn thì nhứt quyết không cho hoạt động, để đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người, không nên xem thường con nước lũ.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quan tâm phát triển đảng trong sinh viên   (19/11/2007)
Nhiều hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11   (19/11/2007)
NZAID hỗ trợ Bình Định trên 600 ngàn USD để khắc phục hậu quả lũ lụt   (19/11/2007)
“Chuyện nhặt” ở phòng sinh  (17/11/2007)
Lực lượng to lớn của cách mạng, nhân tố quyết định thắng lợi...  (17/11/2007)
Nhiều tổ chức, đơn vị cứu trợ đồng bào bị lũ lụt  (17/11/2007)
Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội mở cơ sở đào tạo tại Bình Định  (17/11/2007)
120 giáo viên thi giáo viên dạy giỏi bậc THCS cấp tỉnh  (17/11/2007)
Chủ động đối phó với đợt mưa lũ mới  (17/11/2007)
Họp mặt kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Mặt trận DTTN Việt Nam  (17/11/2007)
Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt và chủ động phòng mưa lũ  (17/11/2007)
NZAID hỗ trợ Bình Định 21.875 USD để khắc phục hậu quả lũ lụt  (16/11/2007)
Đến với bà con vùng sâu, vùng xa  (16/11/2007)
Lỗi tại người lớn  (16/11/2007)
Kết nạp 28 sinh viên vào Đảng  (16/11/2007)