Trong xã hội hiện tại, những giá trị truyền thống của nhà giáo và nghề giáo có còn nguyên giá trị? Nghề giáo- nhà giáo trong thời kinh tế thị trường đã khác xưa? Nhân kỷ niệm 25 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, một số nhà giáo tiêu biểu của tỉnh đã nói về mình và nghề của mình.
|
NGƯT Trương Tham. |
* Thời nào cũng cần một tấm lòng !
Tôi tìm gặp Nhà giáo ưu tú Trương Tham tại nhà riêng của ông, nằm khuất lặng bên trong cánh cổng Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn). Một ngày của nhà giáo về hưu vẫn như mọi ngày. Sáng, tham gia vài tiết dạy thêm tại các trung tâm luyện thi. Chiều đọc sách, báo và nghiên cứu văn học, bình thơ. Tối, lang thang các hiệu sách tìm mua vài quyển sách văn học vừa xuất bản. Người về hưu lại độc thân như ông nhưng xem ra cũng bận rộn không kém ngày còn đứng trên bục giảng. Ông tâm sự: “Tôi dạy thêm vì nhớ nghề và cũng muốn có thêm chút tiền trang trải cho các khoản mua sách, báo…”. Được hỏi về nghề giáo, ông cho rằng: Xã hội đang thay đổi, phát triển… Giáo dục và 2 chủ thể trong giáo dục là giáo viên và học sinh cũng đang có sự thay đổi từng ngày. Theo ông, nỗi trăn trở lớn nhất hiện nay của ngành giáo dục là đa số giáo viên đang làm việc như một công chức đi dạy và họ đã hoàn thành trách nhiệm dạy học là chính. Những người tận tâm, tận lực với nghề, hết mình vì học sinh thân yêu ngày càng thưa vắng. Còn học sinh ngày nay, các em thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn nhờ tiếp cận các thành tựu về khoa học công nghệ trên thế giới như internet… nhưng bên cạnh đó, sự xâm nhập của các yếu tố “mặt trái” cũng tạo ra những hệ lụy không nhỏ như chuyện yêu đương “thoáng”, bạo lực trong học đường… Giữa lẫn lộn cái tốt - cái xấu, cái hay - cái dở, vai trò của giáo dục là vô cùng quan trọng. Người giáo viên, với chức năng giáo dục, với kiến thức sâu rộng và tấm lòng yêu thương sẽ là người dẫn dắt các em đi theo con đường đúng. Nhưng tiếc thay, cũng do còn nhiều giáo viên hiện nay đi dạy chỉ để hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tình yêu và sự tận tụy với nghề, chưa quan tâm một cách đúng mực đến học sinh, nên chuyện học sinh hư, vi phạm đạo đức… là không tránh khỏi.
Nói về cuộc sống khó khăn của đa số các nhà giáo, NGƯT Trương Tham cho rằng, thời của ông và những thế hệ trước ông, đời sống nhà giáo còn khó khăn hơn rất nhiều. Rồi ông kết luận: thời nào, nhà giáo cũng cần có một tấm lòng!
* Hãy chia sẻ với chúng tôi
|
Cô giáo Nguyễn Thị Ý Yên. |
Cô giáo Nguyễn Thị Ý Yên, quê ở xã Phước Sơn (Tuy Phước) đã có 7 năm gắn bó với các học sinh ở lứa tuổi mầm non. Tốt nghiệp Trường CĐSP Mẫu giáo Trung ương 2, cô Yên về giảng dạy tại Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Quy Nhơn theo chế độ hợp đồng. Cô giáo trẻ đã phấn đấu hết mình vì công việc “làm mẹ ở trường” và vì đàn con thân yêu trong hoàn cảnh riêng hết sức khó khăn: Chồng, công ăn việc làm không ổn định, con nhỏ - 4 tuổi - bị bệnh tim bẩm sinh… và đồng lương giáo viên hợp đồng trên 1 triệu đồng/tháng không làm sao trang trải đủ chi phí cho cuộc sống. Thế nhưng, bằng nghị lực và ý chí phấn đấu, cô Yên đã vượt qua tất cả để đạt được danh hiệu giáo viên giỏi cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (năm 2007). Cô Yên tâm sự: “Công việc của chúng em vất vả lắm, suốt ngày phải chăm sóc dạy dỗ cháu ở trường, nhiều đêm về nhà còn phải tranh thủ làm đồ dùng, đồ chơi cho cháu đến tận khuya. Nhưng em rất vui khi sự cố gắng hết mình đã có kết quả: các cháu tăng cân, bụ bẫm, nhanh nhẹn, lớp được giải cao qua các cuộc thi năng khiếu của cháu ở trường, ở ngành…”.
Được hỏi về mơ ước của mình, cô Yên mong rằng, các bậc phụ huynh học sinh hãy hiểu, thông cảm và chia sẻ với công việc của các cô giáo mầm non - một, hai cô cùng lúc phải chăm lo cho 40-50 học sinh nên không tránh khỏi những sơ suất… Thế nhưng, đôi lúc sự nặng lời, thái độ trách móc của phụ huynh làm các cô bị tổn thương và rất đau lòng.
Là một giáo viên có năng lực, sáng tạo trong chuyên môn và tận tâm với nghề nhưng cô Yên vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng, không được hưởng chế độ chính sách như các giáo viên khác (không được hưởng 40% phụ cấp đứng lớp theo lương và các chế độ nghỉ hè, nghỉ Tết…). Cô có ước mơ riêng, được vào biên chế để được bình đẳng như các giáo viên khác trong trường, trong ngành…
* Mơ ước được làm đúng nghề
|
Nhà giáo tương lai – Tô Nữ Tường Vi. |
Tô Nữ Tường Vi, sinh viên năm 4, ngành Sư phạm Văn khóa 27, Trường ĐHQN đã trải qua kỳ kiến tập tại trường phổ thông. Cô kể: “Qua tiếp xúc và được trực tiếp lên lớp với học sinh, tôi cảm thấy yêu hơn công việc mình đã chọn…”. Tuy nhiên, cô vẫn còn những gợn buồn, thực trạng học Văn ở trường phổ thông hiện nay thật đáng lo ngại. Học sinh không chú trọng đến môn Văn, coi trọng khối A hơn khối C… Cô giáo giảng, các em ngồi dưới ngủ gật hay làm việc riêng… Đứng trên bục giảng, mấy ai còn giữ được hứng thú, sự yêu nghề. Tiết giảng như chỉ còn là nghĩa vụ của cô - trò trên lớp.
Là học sinh giỏi ở trường phổ thông, học đều các môn, lúc đầu, Tường Vi dự định thi đại học khối A nhưng rồi cô quyết định chuyển hướng qua khối C để vào sư phạm. “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề giáo. Tôi cảm nhận được cuộc sống vui vẻ, phong thái mô phạm, sự nền nếp trong cách sống, cách làm việc của mẹ tôi - là một nhà giáo - nên đã chọn nghề và yêu nghề” - Tường Vi tâm sự. Liên tục là sinh viên giỏi qua các năm học, là đảng viên trẻ, cán bộ đoàn năng nổ, tích cực, Tường Vi đã và luôn muốn rèn luyện, cống hiến hết mình trong những ngày tháng học tập tại trường đại học, nhưng cô vẫn không khỏi băn khoăn khi nghĩ đến tương lai. Ra trường, liệu có được làm đúng nghề mình đã học? Tường Vi cho rằng: “Tương lai, chưa thể nói trước được điều gì, nhưng đã chọn nghề giáo, tôi rất muốn mình luôn giữ được ngọn lửa nhiệt tình với nghề nghiệp. Tôi hiểu vai trò, vị trí của nghề trong xã hội… Sự thiếu tận tụy của mỗi giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến 1-2 người mà là rất nhiều thế hệ”.
|