Nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt
8:11', 22/11/ 2007 (GMT+7)

Trước tình hình lũ lụt liên tiếp diễn ra và gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, sau khi lũ rút, các địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân…

Nhằm giúp các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, bên cạnh việc phân bổ lương thực, thực phẩm, thuốc y tế cho các địa phương, UBND tỉnh còn chỉ đạo cho các ngành công an, quân đội hỗ trợ người dân vùng ngập lụt sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường và gia cố tạm thời các công trình thủy lợi, đường giao thông. Các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương – Bí thư Tỉnh ủy (thứ ba, từ trái sang) thăm và tặng quà cho hộ bà Lê Thị Hoa ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ (Hoài Ân) có nhà bị sập.
 

Tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương đi kiểm tra tình hình lũ lụt và công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Hoài Ân, chúng tôi đã ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong công tác này. Các đợt lũ hồi đầu tháng 11 đã làm ngập 10.795 ngôi nhà dân, trong đó có 8 nhà sập hoàn toàn và 58 nhà bị hư hỏng nặng. Mưa lũ cũng đã cuốn hàng trăm tấn thóc giống và nhiều gia súc, gia cầm; nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 32 đập bổi, đập dâng bị lũ cuốn trôi… Trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 trường hợp chết nước, 3 người bị thương trong lũ. Ước tính thiệt hại ban đầu là trên 13 tỉ đồng.

Thực hiện phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đấy”, chính quyền các địa phương thuộc huyện Hoài Ân đã điều động lực lượng thanh niên xung kích, cùng cán bộ các hội, đoàn thể giúp người dân vùng ngập lụt dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, làm vệ sinh môi trường và khắc phục nhanh các tuyến đường giao thông bị sạt lở nặng. UBND huyện đã cấp phát kịp thời 39 tấn gạo và hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho người dân các xã vùng ngập lụt. Bên cạnh đó, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ có người bị thiệt mạng trong các đợt lũ; hỗ trợ từ 1 đến 5 triệu đồng cho các hộ có nhà bị hư hỏng, bị sập… đồng thời vận động người dân hỗ trợ vật liệu, ngày công, giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà ở…

Ngoài lượng thuốc của tỉnh hỗ trợ, ngành Y tế huyện Hoài Ân đã huy động nguồn thuốc Chloramin B dự trữ tại các trạm y tế xã để cấp phát, hướng dẫn cho người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt. Đến nay đã có 10.000 giếng nước bị ngập được xử lý. Ngoài ra, người dân vùng ngập lụt cũng đã được khám chữa bệnh và được hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh sốt rét và các loại dịch bệnh khác thường xảy ra sau lũ. Lực lượng Thú y hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vacxin, phun thuốc khử độc, sát trùng chuồng trại chăn nuôi nhằm phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

 

Lực lượng thanh niên xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ) gia cố đê sông bị sạt lở.
 

Ở huyện Phù Mỹ, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đã được chính quyền địa phương thực hiện một cách khẩn trương. Được sự hỗ trợ của 150 chiến sĩ thuộc lữ đoàn 572 đóng quân trên địa bàn huyện cùng với lực lượng thanh niên xung kích của địa phương, xã Mỹ Hòa đã tu bổ, gia cố tạm thời tràn xả lũ của hồ chứa nước Đập Lồi và thu dọn 1.500 m3 đất đá trên tuyến đường liên thôn Hội Khánh - Truông Xa Vấn bị đất núi sạt lở bồi lấp. Xã Mỹ Thành cũng đã gia cố tạm thời 500 mét đê sông Lạnh bị sạt lở nghiêm trọng. UBND huyện đã tiếp nhận 80 tấn gạo của tỉnh hỗ trợ, phân bổ kịp thời cho người dân ở 19 xã, thị trấn bị thiệt hại trong các đợt lũ vừa qua.

Đối với 5 hộ có nhà sập hoàn toàn và 6 hộ có nhà bị hư hỏng nặng, huyện đã tổ chức thăm hỏi, động viên và trích ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từng bước vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, có 3.417 giếng nước của người dân bị nhiễm bẩn đã được xử lý. Chính quyền các địa phương tiếp tục gia cố tạm thời các đoạn đường giao thông, đê sông và các hồ chứa nước bị lũ làm sạt lở, hư hỏng, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ sản xuất Đông Xuân 2007-2008.

Trong những ngày qua, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã có nhiều hoạt động cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt tỉnh ta. Riêng Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận 400 thùng hàng gia đình gồm thùng đựng nước, xoong nồi… của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trị giá 140 triệu đồng; 2.627 chiếc quần áo mới trị giá 96,1 triệu đồng của Công ty cổ phần may Nhà Bè TP Hồ Chí Minh; 1.103 thùng mì tôm trị giá 112 triệu đồng của Công ty lương thực miền Nam và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai và nhiều suất quà của nhiều nhà hảo tâm khác, với tổng trị giá trên 367 triệu đồng.

Đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chuyển số hàng hóa trị giá 240 triệu đồng đến các địa phương bị thiệt hại nặng, và tham mưu cho UBND tỉnh để chuyển số hàng cứu trợ còn lại cho người dân vùng ngập lụt ngay trong tuần này. Ngoài ra, thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ ngày 6 đến ngày 20.11, có 18 đoàn cứu trợ đã đi thăm và tặng quà cho người dân ở 10/11 huyện, thành phố trong tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt với tổng trị giá 733 triệu đồng.

Tại huyện Hoài Nhơn, nhiều hoạt động khắc phục hậu quả lũ lụt cũng đã được triển khai. Ông Nguyễn Trung Hậu, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Huyện đã trích ngân sách trên 7 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp cho 4 hộ gia đình có người bị chết, bị thương trong các đợt lũ vừa qua. Các hộ dân bị ngập lụt đã được cứu trợ khẩn cấp lương thực, nước uống, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt…. Ngoài ra, hơn 691 suất quà của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cũng đã được huyện trao cho các hộ dân bị thiệt hại nặng. Đối với 15 hộ có nhà sập hoàn toàn, và 176 nhà bị hư hỏng nặng, trước mắt huyện vận động người dân hỗ trợ vật liệu, công lao động để xây dựng nhà tạm để ở, sau đó huyện sẽ hỗ trợ tiền cho người dân xây dựng nhà ở mới”.

Ngoài ra, huyện Hoài Nhơn cũng đã cấp hàng chục ngàn bao cát cho các địa phương để tu bổ, gia cố đường giao thông, đê sông, kênh mương bị sạt lở, nhằm đảm bảo giao thông đi lại, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngành Y tế huyện đã hỗ trợ người dân xử lý gần 10.000 giếng nước bị nhiễm bẩn do ngập nước, để bà con có nước sạch sử dụng. Hiện nay, chính quyền các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Xuân, Hoài Mỹ… đã vận động bà con nông dân thu hoạch lúa vụ 3 và huy động lực lượng thanh niên tu bổ kênh mương nội đồng, phục vụ cho vụ sản xuất tới…   

Các huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Lão,… cũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra và thống kê tình hình thiệt hại, đồng thời triển khai khắc phục tạm thời các đoạn đê sông, các công trình thủy lợi bị sạt lở. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền, quà… cho các hộ gia đình có người bị chết, hộ có nhà bị sập và cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân ở các vùng bị ngập lụt.       

Khẩn trương kiểm tra tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 20.11, UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản số 3651/UBND-NN chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương kiểm tra tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả lũ lụt.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương phải nhanh chóng thống kê thiệt hại, đánh giá rút kinh nghiệm và báo cáo ngay cho tỉnh.

Trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, phải ưu tiên cứu trợ, hỗ trợ cho người dân vùng ngập lụt, không để người dân nào bị đói, bị rét. Chính quyền các địa phương nhanh chóng tu sửa trường học, tu bổ, gia cố các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi bị lũ gây hư hỏng, và phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ sản xuất Đông Xuân 2007-2008.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh cho người dân, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh thường xảy ra sau lũ. Đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầu tư hơn 3,2 tỉ đồng xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tại xã Mỹ Chánh   (22/11/2007)
Tăng lên 12 chuyến/tuần   (21/11/2007)
Trao học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó học giỏi   (21/11/2007)
Nắm chắc tình hình thiệt hại và nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt   (21/11/2007)
Gặp mặt giữa các nhà giáo và doanh nghiệp tiêu biểu   (21/11/2007)
Quốc hội thông qua 5 luật   (21/11/2007)
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng  (20/11/2007)
Tăng cường vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo nổ   (20/11/2007)
Trao tặng 45 triệu đồng cho 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát khắc phục lũ lụt   (20/11/2007)
Trao 550 triệu đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt   (20/11/2007)
“Ai cũng được học hành”   (20/11/2007)
Nhà giáo nói về nghề giáo   (20/11/2007)
Về thăm trường cũ   (19/11/2007)
Mưu sinh mùa lũ lụt   (19/11/2007)
Quan tâm phát triển đảng trong sinh viên   (19/11/2007)