Vấn đề cán bộ luôn được Bác Hồ đặc biệt quan tâm trong công tác xây dựng Đảng, vì theo Bác “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do đó, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Bác nhấn mạnh: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Bác nêu một số điều nhất thiết phải thực hiện trong lựa chọn, bố trí sử dụng cán bộ. Đó là:
“Phải biết rõ cán bộ”. Đảng phải thường xuyên xem xét để hiểu rõ cán bộ; qua đó, xác nhận những người tài và phát hiện những người “hủ hóa”.
“Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”. Khi cất nhắc cán bộ phải xem xét người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”.
“Phải khéo dùng cán bộ”. Tức là phải biết “tùy từng tài mà dùng người”...
Đặc biệt, Bác nhấn mạnh đến một sai lầm rất dễ mắc phải trong việc bố trí, sử dụng cán bộ. Đó là “ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, những người tính tình hợp với mình...”. Bác chỉ rõ những tiêu chí để “nhận diện” một người cán bộ tốt: “Những người đã tỏ rất rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ; những người luôn giữ đúng kỷ luật”. Bác còn nhắc nhở: “Đã lựa chọn đúng cán bộ, còn cần phải dạy lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận, cũng như có một mắt sáng, một mắt mờ”.
|