Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hình thành ngày càng nhiều, song việc thành lập và tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) ở đây gặp không ít khó khăn, vì vậy mà quyền lợi của người lao động không được bảo vệ đến nơi đến chốn. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, xung quanh vấn đề này.
|
Đa số các công nhân làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải tự bảo vệ quyền lợi của mình, vì hầu hết CĐCS ở đây không phát huy được vai trò. Ảnh: P. Nguyễn
|
* Ông có thể cho biết tình hình phát triển CĐCS ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là ở Khu công nghiệp Phú Tài, diễn ra như thế nào?
- Xác định việc thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là một nghiệp vụ quan trọng nên LĐLĐ tỉnh rất chú trọng. Năm 2002, LĐLĐ tỉnh cho thành lập Công đoàn các KCN tỉnh, nhằm tổ chức tuyên truyền các doanh nghiệp đủ điều kiện thì thành lập CĐCS, tổ chức tập huấn về Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống cháy nổ… Ngoài ra, Công đoàn các KCN tỉnh còn tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người lao động.
Nhờ đó đến nay tại Khu công nghiệp Phú Tài đã có 56 CĐCS được hình thành, với hơn 7.000 đoàn viên. Còn 17 doanh nghiệp đã đủ điều kiện, hiện đang hoàn tất thủ tục để thành lập CĐCS.
* Có một thực tế đáng buồn là nhiều CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tuy có nhưng lại không phát huy được vai trò, không đứng về phía người lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Đây là vấn đề không riêng gì ở các CĐCS thuộc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh, mà là tình trạng chung của cả nước. Phần lớn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ tập trung vào sản xuất là chính, coi hoạt động công đoàn là đối lập với doanh nghiệp nên chưa tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động. Một số doanh nghiệp sợ thành lập công đoàn thì tốn thời gian, công nhân đòi yêu sách.
Đã có tình trạng chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh được công nhân tín nhiệm bầu lên, nhưng khi đứng về phía người lao động để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho người lao động thì chủ doanh nghiệp tìm cách chuyển sang công tác khác hoặc cho nghỉ việc. Một thực tế nữa, vai trò công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không thể hiện được mình, không nắm bắt kịp thời những tâm tư, bức xúc của công nhân để phản ánh lên lãnh đạo doanh nghiệp mà chỉ lo làm chuyên môn. Chính vì điều này mà đã xảy ra những cuộc đình công, lãn công mang tính tự phát, không thông qua công đoàn.
Tuy nhiên, cũng có một số chủ doanh nghiệp hiểu được vai trò của CĐCS nên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động, nhưng số này vẫn còn ít.
* Với thực tế trên, LĐLĐ tỉnh làm gì để củng cố và phát huy vai trò của CĐCS thuộc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thưa ông?
- LĐLĐ tỉnh đã giao cho Công đoàn các KCN tỉnh kiên trì tuyên truyền, thuyết phục cho chủ các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về việc thành lập tổ chức CĐCS và tạo điều kiện cho công đoàn phát huy được vai trò của mình. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng đang trình Tỉnh ủy cho xây dựng hệ thống chính trị tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thông qua hệ thống này để củng cố lại hoạt động của công đoàn. Mặt khác, kiến nghị lên cấp trên cho xây dựng cơ chế bảo vệ chủ tịch công đoàn, chủ tịch công đoàn phải do người lao động tín nhiệm bầu lên… Với những việc làm này, thời gian đến CĐCS sẽ thực sự đứng về phía người lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
* Xin cảm ơn ông!
|