NƯỚC THẢI CỦA BVĐK HUYỆN VÂN CANH GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG:
Dân bức xúc, bệnh viện ngồi chờ…
9:23', 29/11/ 2007 (GMT+7)

Trung bình mỗi ngày, BVĐK huyện Vân Canh thải ra môi trường khoảng 20m3 chất thải lỏng (bao gồm: nước từ phẫu thuật, dịch tiết, máu, mủ, khám chữa bệnh, xét nghiệm, giặt giũ, vệ sinh của bệnh nhân, nhân viên y tế...) mà không hề được xử lý. Người dân bức xúc, trong khi lãnh đạo bệnh viện (BV) “lực bất tòng tâm”!

 

Nước thải bệnh viện và nước mưa chảy lênh láng từ bệnh viện ra nhà dân.

 

* Ô nhiễm môi trường

BVĐK huyện Vân Canh được xây dựng từ năm 1983 trên cơ sở của bệnh xá huyện Phước Vân. Từ đó đến nay, dù đã qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, BV đã có 40 giường bệnh nội trú nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải (XLNT).

Năm 2002, BV được triển khai xây dựng mới cơ sở hạ tầng, ban đầu là khu nhà kỹ thuật. Tiếp đó, năm 2003, xây dựng khu nhà điều trị 30 giường bệnh. Năm 2006-2007, xây dựng khu nhà hành chính, khám cấp cứu và khoa dược. Những khu nhà này thiết kế đạt tiêu chuẩn, có hầm rút trong từng khoa, phòng. Nước thải BV sau khi đi qua các hầm rút trong nhà được đổ thẳng vào 4 hầm rút “thủ công” ngoài trời. Đã vậy, dù lượng nước thải của BV không nhiều nhưng 4 hầm rút hầu như không hoạt động được.

BS Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, thừa nhận: “Vào mùa nắng, nước thải BV đều nằm trong hầm rút nhưng chỉ cần một cơn mưa nhỏ thì “chức năng” hoạt động của 4 hầm rút này… coi như công toi”.

Các khoa thuộc BV đều có hệ thống cống rãnh dẫn chung quanh các phòng nhưng đây vừa là cống thoát nước mưa, nước sinh hoạt, vừa là nơi tiếp nhận nước thải y tế nói chung. Tất cả nước thải đều thấm tự nhiên vào đất chứ hoàn toàn không qua biện pháp xử lý nào. Vào mùa mưa, nước thải rút không kịp, ứ đọng, bốc mùi hôi thối khó chịu. Thậm chí, bồn cầu ở khoa Ngoại - Sản, nước thải và chất thải bẩn không có đường thoát nên chảy ngược vào phòng bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Giám đốc BV đã phải nhiều lần huy động cán bộ, nhân viên xử lý “tình huống” và tự tay dỡ nắp ống cống để “sục” cho nước thoát. Đó là chưa kể, BV gần như là “túi nước” của “vùng tam giác” UBND huyện, Đài truyền thanh và khu vực đường ĐT 638.

* Lực bất tòng tâm!

Trước đây, khu vực tường rào phía sau BV bị hỏng, nước thải BV kết hợp với nước mưa thấm qua chân tường chảy qua nhà một số hộ dân thôn Thịnh Văn II, thị trấn Vân Canh và đổ thẳng ra sông Hà Thanh. Bị dân phản ứng, BV thuê người đổ đất để mặt bằng phía sau cao hơn khu vực nhà dân. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính chắp vá, tạm thời. Sau một thời gian ngắn, không có đường thoát, tất cả nước thải BV và nước mưa lại chảy ngược ra phía cổng trước của BV và đổ vào nhà dân ở khu vực này. Để “chữa cháy”, lần này BV “xin” hai hộ dân có nhà nằm ở phía cổng trước BV làm một đường mương tạm dẫn nước thải chạy thẳng ra… cánh đồng.

... và dẫn thẳng ra cánh đồng qua con mương này.

Việc nước thải BV ngấm trực tiếp vào đất hay chảy ra môi trường đều rất nguy hiểm. Đơn cử như chất thải của khoa Nội-nhi-lây chứa nhiều mầm bệnh đáng sợ. Hoặc như khoa Sản, nước thải không nguy hiểm nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lây lan ra môi trường và phát triển thành mầm bệnh nếu không xử lý tốt.

BS Ngọ bày tỏ: “BV rất hiểu những bức xúc của người dân. Vì ngay cả nhân viên y tế cũng phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm nhưng… lực bất tòng tâm. Khi xây dựng thiết kế bệnh viện, chúng tôi có đề nghị đầu tư hệ thống XLNT nhưng không được chấp nhận vì lý do khu vực thị trấn vẫn chưa có hệ thống thoát nước công cộng”.

* Đến bao giờ?

Trong cuộc họp HĐND huyện lần thứ 7, khóa VII, cử tri thôn Thịnh Văn II, tiếp tục nêu kiến nghị, yêu cầu BV xây dựng hệ thống xử lý và thoát nước để tránh tình trạng khi mưa nước tràn vào khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

“Vấn đề đặt ra ở đây là kinh phí xây dựng trạm XLNT y tế cho một BV nhỏ như Vân Canh cũng đã “ngót nghét” 2 tỉ đồng. Từ năm 2005 đến nay, BV đã nhiều lần có tờ trình Sở Y tế và UBND tỉnh xin xây dựng hệ thống thoát nước nhưng vẫn nhận được câu trả lời… chờ. Ngày 12.9.2007, BV tiếp tục có tờ trình về vấn đề này, đồng thời tôi cũng đã làm việc trực tiếp với Sở Y tế, kết quả Sở cũng đã có chủ trương bằng bất cứ giá nào cũng phải xây dựng hệ thống XLNT cho BV, muộn nhất là năm 2008 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy gì cả” - ông Ngọ bức xúc.

Theo các nhà chuyên môn, 80% nước thải từ BV là nước thải bình thường (tức là tương tự nước thải sinh hoạt), 20% còn lại là những chất thải nguy hại bao gồm chất thải nhiễm khuẩn từ các bệnh nhân, các sản phẩm của máu, các mẫu chẩn đoán bị hủy, hóa chất phát sinh từ trong quá trình giải phẫu, bảo quản các mẫu xét nghiệm, khử khuẩn… Chỉ riêng 20% chất thải nguy hại này cũng đủ để các vi trùng gây bệnh lây lan ra môi trường xung quanh. Những chất thải như máu, dịch, nước tiểu có hàm lượng hữu cơ cao, phân hủy nhanh nếu không được xử lý đúng mức, không chỉ gây bệnh mà còn gây mùi hôi thối nồng nặc, làm ô nhiễm không khí.

Hiện nay, BV đang được đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị và đào tạo nhân lực nâng cao năng lực thu dung và điều trị bệnh nhân. Hơn nữa, BV là cơ sở điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân thì không có lý do gì trở thành nơi phát tán mầm bệnh.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh chưa phát huy được vai trò  (29/11/2007)
Ủng hộ trên 200 triệu đồng cho đồng bào vùng lũ Bình Định  (29/11/2007)
Tiếp xúc đại biểu đại diện Mặt trận và các tổ chức thành viên  (29/11/2007)
EMW cấp kinh phí 86.156 USD xây dựng và trang bị Trường TH Mỹ Cát  (28/11/2007)
Hội thảo “Nâng cao nhận thức chăm sóc và giáo dục mầm non”  (28/11/2007)
12.584 thanh niên khám tuyển NVQS  (28/11/2007)
Thêm một tàu cá bị nạn trên đường đi tránh bão  (28/11/2007)
Phó Chủ tịch Lê Hữu Lộc tiếp và làm việc với lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam  (28/11/2007)
Cứu trợ bà con vùng lũ xã Phước Hiệp 80 triệu đồng   (27/11/2007)
Khẩn trương kiểm tra và có biện pháp xử lý vấn đề báo Bình Định nêu   (27/11/2007)
Lựa chọn cán bộ phải cho đúng   (27/11/2007)
Một ngư dân vẫn còn mất tích trên biển   (27/11/2007)
Công nhận 1 trường THPT và 12 trường THCS đạt chuẩn quốc gia   (26/11/2007)
Trao thêm trên 27,5 triệu đồng cho 4 cháu mồ côi ở An Nhơn   (26/11/2007)
Những chuyển biến bước đầu   (26/11/2007)