Do hạn chế về nguồn lực, mức đầu tư của nhà nước cho GD-ĐT chưa tương xứng với yêu cầu. Đẩy mạnh xã hội hóa GD là một giải pháp để tạo nên bước đột phá, phát triển về GD-ĐT.
|
Nhà nước khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư thành lập trường tư thục ở tất cả các cấp học, bậc học. Trong ảnh: Một tiết học của HS Trường THPT tư thục Quy Nhơn. Ảnh: Q.H
|
* Thực trạng
Đến năm học này, toàn tỉnh có 596 trường học các cấp học. Trong số 169 trường mầm non có 22 trường công lập, 95 trường mẫu giáo dân lập, 15 trường bán công, 28 trường mẫu giáo bán công và 9 trường mầm non tư thục. Bậc tiểu học có 242 trường, 6 trường phổ thông cơ sở, 117 trường THCS đều là trường công lập. Bậc THPT có 29 trường công lập, 14 trường bán công, 1 trường tư thục, 9 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (TT KTTH-HN), 1 trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX), 3 trường trung cấp chuyên nghiệp, 1 trường cao đẳng sư phạm, 1 TT ngoại ngữ, 9 cơ sở tin học tư thục.
Tỷ lệ học sinh (HS) ngoài công lập ở bậc học mầm non là 80%, THPT là 47%. HS các ngành học, cấp học phát triển tương đối đều ở tất cả các vùng, miền trong tỉnh. Số lượng thanh thiếu niên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được đi học và đào tạo ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề bình quân hàng năm đạt 17%.
Các điều kiện phục vụ cho việc dạy và học được tăng cường. Tất cả các trường học đã được lợp ngói, số trường kiên cố, cao tầng chiếm trên 45%. Toàn tỉnh có 66 trường học đạt chuẩn quốc gia (50 trường tiểu học, đạt 20,66%; 16 trường THCS, đạt 13%), 147 thư viện đạt chuẩn quốc gia…
Ngân sách nhà nước và việc huy động các nguồn lực của xã hội cho GD hàng năm đều tăng. Năm 2005, chi ngân sách nhà nước cho GD là 309,4 tỉ đồng, chiếm 28% tổng chi ngân sách tỉnh. Nguồn huy động trong xã hội đầu tư cho GD chiếm gần 39% trên tổng số ngân sách chi cho lĩnh vực GD-ĐT.
Đầu tư cho GD-ĐT hàng năm rất lớn nhưng so với yêu cầu phát triển của sự nghiệp GD-ĐT thì vẫn còn bất cập. Các điều kiện đảm bảo cho chất lượng đào tạo như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học, kinh phí GD chưa đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi phải đẩy mạnh XHHGD một cách mạnh mẽ hơn nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp GD; đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả GD.
* Lộ trình và giải pháp
Từ nay đến 2010, mục tiêu của GD mầm non là mở rộng hệ thống trường lớp đến mọi địa bàn dân cư, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư GD mầm non, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ, mẫu giáo ngoài công lập đạt 70-80%.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới trường tiểu học, THCS, THPT tư thục, học 2 buổi/ngày ở TP Quy Nhơn và các thị trấn lớn để đến năm 2010, có 1% HS tiểu học, 2-3% HS THCS, 50% HS THPT ngoài công lập. Từng bước chuyển các trường THPT công lập, các TT KTTH-HN sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Có lộ trình thích hợp chuyển các trường THPT bán công thành trường tư thục và xóa bỏ các lớp bán công trong trường công.
Để thực hiện được những mục tiêu theo lộ trình trên, tỉnh đã có những giải pháp như xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD các cơ sở GD ngoài công lập; tăng cường các chính sách cho HS các cơ sở GD ngoài công lập; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về XHHGD để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; tổ chức thực hiện đổi mới cơ chế chính sách và quản lý về GD theo quy định của nhà nước; đa dạng hóa các chương trình, hình thức đào tạo; phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập; tăng cường nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; xây dựng nhà trường thực sự trở thành TT văn hóa, môi trường GD lành mạnh.
Năm học 2006 - 2007, ngành GD-ĐT sẽ thực hiện xóa bỏ hệ B, hệ bán công trong trường THPT công lập; khuyến khích những HS không đủ điều kiện chuyển sang học bổ túc văn hóa trung học phân ban tại các trường THPT công lập. Hợp nhất TT KTTH-HN tỉnh và TT KTTH-HN Quy Nhơn thành TT GDTX- HN Quy Nhơn; thí điểm chuyển TT KTTH-HN Tây Sơn thành TT GDTX-HN Tây Sơn. Chuyển các trường mẫu giáo bán công, trường THPT bán công, TT KTTH-HN huyện, thành phố, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, TT GDTX tỉnh và các trường THPT Quốc Học, Trưng Vương sang cơ chế tự chủ. Chuyển trường THPT Nguyễn Thái Học và 1 trường mầm non sang tư thục. Thành lập mới 10 TT học tập cộng đồng (HTCĐ) xã, phường, thị trấn.
Năm học 2007-2008, 2008-2009, 2009-2010, từng bước chuyển tất các các trường phổ thông công lập còn lại sang thực hiện cơ chế tự chủ; chuyển thêm 6 trường mầm non và 13 trường THPT bán công và 2 trường THCS sang mô hình trường tư thục. Kêu gọi các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng mới ở mỗi cấp học, bậc học 3 trường tư thục; thành lập mới 47 TT HTCĐ, nâng tổng số xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ lên 126/157 xã, phường, thị trấn (80%). | |