Bánh kẹo nhập ngoại không nhãn mác; mực tẩm, bò khô, rượu Bàu Đá pha màu, không rõ xuất xứ; giò chả có hàn the… Đó là những vi phạm đáng báo động đối với thực phẩm phục vụ Tết mà các đoàn thanh kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã phát hiện được trong đợt thanh kiểm tra vừa qua.
|
Mẫu chả lụa tại cơ sở nem chả Hùng (Tuy Phước) được kiểm nghiệm có sử dụng phụ gia thực phẩm hàn the. Ảnh: Thu Hiền
|
* Hàng kém chất lượng, trôi nổi
Chiều 31-1, tại cơ sở tạp hóa Ngọc Sơn, ở đường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh phát hiện một số mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, thành phần cũng như cách sử dụng: kẹo chocolate, kẹo C, mù tạt… Ngay chủ cơ sở cũng không biết nguồn gốc xuất xứ của các phẩm này mà chỉ biết đó là hàng… ký gửi. Cũng tại cơ sở này, đoàn đã phát hiện có 5,5 kg bò khô, 10 hũ mực rim, 3 gói mực tẩm không có xuất xứ, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Mặt hàng rượu được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết, đặc biệt là rượu Bàu Đá. Đến nay, Sở Y tế mới cấp “chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm” cho sản phẩm rượu Bàu Đá có màu cho 2 cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá Như Trầm (106 Trần Phú, thị trấn Bình Định, An Nhơn) và Thành Tâm (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tại các đại lý kinh doanh, sản phẩm rượu Bàu Đá có màu xuất hiện tràn lan nên 2 cơ sở sản xuất nói trên đã cam kết không sản xuất rượu Bàu Đá có màu nữa và đến ngày 31-12-2006 không còn sản phẩm loại này lưu thông trên thị trường. Song, hiện nay, dọc Quốc lộ 1A và quốc lộ 19 ở khu vực huyện An Nhơn và Tuy Phước, vẫn nhan nhản sản phẩm rượu Bàu Đá có màu. Ngày 29-12-2006, Sở Y tế đã có công văn về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá có màu.
Trong đợt ra quân thanh tra VSATTP Tết, đoàn thanh tra liên ngành huyện Tuy Phước kiểm tra 28 đại lý kinh doanh và tiêu hủy 200 lít rượu Bàu Đá có màu, trong đó có một cơ sở bị tiêu hủy với số lượng lớn 120 lít. Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Trưởng phòng Y tế huyện, cho biết: “Năm nay, huyện đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu Bàu Đá không có địa chỉ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cho hủy toàn bộ sản phẩm rượu màu chưa rõ nguồn gốc phẩm màu”.
* Hàn the: cấm, nhưng... vẫn dùng!
Hàn the đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, một số cơ sở sản xuất chả lụa trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn dùng chất này.
Ngày 2-2, tại cơ sở nem chả Hùng, thị trấn Tuy Phước, chủ cơ sở khẳng định đó là bột làm giòn sản phẩm nhưng test nhanh lại cho kết quả hàn the. Ngoài ra, cơ sở này còn vi phạm lỗi vệ sinh môi trường tại nơi sản xuất, chế biến, thực phẩm sống-chín để lẫn vào nhau, một cơ sở sản xuất, kinh doanh đến 2 mặt hàng (giết mổ gia súc và sản xuất nem chả) nhưng không có giấy tờ công bố cũng như giấy phép kinh doanh, chưa có bảo hộ lao động, khám sức khỏe cho công nhân trực tiếp làm việc…
Tại địa bàn TP Quy Nhơn, đoàn cũng phát hiện một cơ sở sản xuất nem chả có sử dụng hàn the để làm chả lụa dù với số lượng ít hơn. Anh Nguyễn Thanh Long, phòng Xét nghiệm, Trung tâm Y tế Dự phòng, cho biết: “Các cơ sở sản xuất nem chả có quy mô lớn đã chuyển hướng sang sử dụng loại phụ gia thực phẩm hợp pháp để thay thế hàn the nhưng các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn còn thờ ơ với chất này”.
* Bất cập trong xử lý vi phạm
Ngoài các vi phạm nói trên, đoàn thanh tra liên ngành các huyện, thành phố và tỉnh còn phát hiện nhiều tồn tại khác tại các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc quản lý cũng như xử lý các lỗi vi phạm về VSATTP vẫn còn bất cập.
Anh Nguyễn Ngọc Anh, chuyên trách VSATTP, TP Quy Nhơn, cho biết: “Để đảm bảo VSATTP phải quản lý và xử lý tận gốc cơ sở sản xuất còn việc xử lý các cơ sở kinh doanh chỉ là làm phần ngọn”. Cùng ý kiến như trên, bác sĩ Hồng cho rằng: “Chúng tôi chỉ có thể vận động các chủ đại lý kinh doanh rượu Bàu Đá có màu tự tiêu hủy sản phẩm chứ không thể lập biên bản xử phạt. Đặt trường hợp, các cơ sở này kinh doanh rượu Bàu Đá có màu có nguồn gốc xuất xứ, giấy phép kinh doanh thì đoàn thanh tra không có cơ sở để xử lý. Do đó, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là phải xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm”.
Chị Trần Thị Minh Tâm, phòng Y tế huyện An Nhơn, thừa nhận: “Khi đến cơ sở sản xuất rượu để kiểm tra, chúng tôi không phát hiện có rượu Bàu Đá có màu. Còn khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh thì hầu như cơ sở nào cũng có loại sản phẩm này nhưng không thể xử lý vì họ kinh doanh ít, đối phó với thanh tra. Sắp tới, phòng sẽ tham mưu UBND huyện đưa việc quản lý các cơ sở trên về tuyến xã và buộc phải có chế tài xử phạt rõ ràng”.
Kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh từ ngày 29-1 đến ngày 6-2:
Đã kiểm tra 33 cơ sở tại TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và Tây Sơn, 4 cơ sở kinh doanh rượu Bàu Đá không có địa chỉ ở xã Phước Lộc (Tuy Phước).
Đã xử lý vi phạm 6 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm:
- 5 cơ sở vi phạm về vệ sinh môi trường, bao gồm: Cơ sở tạp hóa Kim Khánh (53 Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn); Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung Dũng Nghĩa (đường Võ Thị Sáu, cụm công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn); Cơ sở nem chả Hùng (thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước); Cơ sở nem chả Thu Thảo (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước); Cơ sở nem chả Bảy Liêm (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước).
- 1 cơ sở có sử dụng hàn the trong chả lụa: Cơ sở nem chả Hùng (thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước).
- 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc: Cơ sở tạp hóa Ngọc Sơn (57A Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn). | |