“Đồng chí Trường Chinh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, nhiều năm giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, là một cán bộ cách mạng kiên cường, khiêm tốn, mẫu mực, được nhân dân tin yêu kính trọng” (1).
|
Đồng chí Trường Chinh (bìa phải) thăm hỏi, chúc tết và lắng nghe ý kiến của CBCNV Nhà máy dệt Thành Công - nơi "xé rào" đột phá về công nghiệp - nhân dịp đồng chí vào thăm và làm việc với TP.HCM từ 16 đến 23-1-1985 (ảnh chụp ngày 18-1-1985). Ảnh: TTO
|
Đồng chí Trường Chinh còn là một nhà tư tưởng, nhà lý luận sắc bén, một nhà văn hóa lớn, một nhà báo bậc thầy, một nhà thơ cách mạng.
Là nhà tư tưởng, nhà lý luận, đồng chí Trường Chinh với 63 năm hoạt động cách mạng (1925 - 1988), đã có những cống hiến nổi bật về lý luận khởi nghĩa, giành chính quyền, lý luận về chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, về công tác xây dựng Đảng cầm quyền… Trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, đồng chí đã đề cập nhiều vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Giữa những năm 80 của thế kỷ 20, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy cần phải xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp và phải đổi mới nhiều mặt, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Đồng chí Trường Chinh là một trong những người khởi xướng đường lối đổi mới của Đảng.
Đồng chí Trường Chinh đã để lại những tư tưởng, quan điểm có ý nghĩa soi sáng con đường cách mạng ở nước ta. Những cống hiến nổi bật đó thể hiện một năng lực tư duy sắc bén, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lịch sử kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng” (2).
Là nhà văn hóa lớn, đồng chí Trường Chinh có vốn hiểu biết uyên bác về nhiều mặt, đặc biệt về lịch sử văn hóa dân tộc.
Đồng chí Trường Chinh đã cho ra đời Đề cương cách mạng văn hóa Việt Nam mà chúng ta thường gọi tắt là Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.
Tháng 7-1948, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II, đồng chí Trường Chinh đã đọc một bản báo cáo hết sức quan trọng với nhan đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đề cập sâu hơn những quan điểm của Đảng ta về văn hóa mà trong Đề cương văn hóa Việt Nam chưa có điều kiện trình bày cụ thể. Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của đồng chí Trường Chinh là một công trình phát triển nền văn hóa mới ở nước ta. Với chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã trình bày sâu sắc hơn những quy luật phát triển của văn hóa nói chung và tính chất, nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam và mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa tiến bộ trên thế giới.
Các tác phẩm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), Mấy nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này, đặc biệt là cuốn chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam là những công trình đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa cách mạng Việt Nam theo phương châm: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Cho đến nay, cả ba nguyên tắc cơ bản nói trên đều là những vấn đề cốt lõi của nền văn hóa mới của nước ta.
Trên mặt trận báo chí, một lĩnh vực quan trọng của văn hóa, đồng chí Trường Chinh, với bút danh Sóng Hồng, là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước ta. Những bài báo của đồng chí hết sức sắc sảo, khúc chiết, trong sáng, đầy tính chiến đấu cao, tính thời sự nóng hổi.
Trong các lãnh tụ của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh là những người “sớm có duyên nợ với báo chí, đấu tranh bằng ngòi bút sắc bén của người làm báo”.
Đồng chí Trường Chinh viết báo từ những năm 20 thế kỷ 20 khi còn là học sinh Trường cao đẳng tiểu học ở Nam Định. Đồng chí từng là chủ bút báo Dân cày (1928), viết nhiều bài cho báo Búa liềm, tạp chí Công hội đỏ (1929), Lao tù tạp chí, tạp chí Cộng sản (1931 - 1932), chủ bút Con đường sáng và Đuốc Việt Nam (1931 - 1932), viết bài cho báo Suối reo (1933), tờ Lao tù (1933), chủ bút báo Giải phóng (1936 - 1939), trực tiếp phụ trách báo Tin Tức (1938), viết bài cho báo Ngày mới (1938). Đồng chí Trường Chinh còn trực tiếp chỉ đạo báo Đời nay (1938), phụ trách các báo công khai khác của Đảng như Thời thế… và cả những tờ báo tiếng Pháp như Le Travail, Rassemblement, chủ bút báo Cờ Giải phóng, và tạp chí Cộng sản. Những bài do đồng chí Trường Chinh viết những năm 40 thế kỷ 20 là những bài tiêu biểu nhất về sự sắc bén chính trị, lý luận, tính chiến đấu cao với văn phong chính luận mẫu mực…
Vào những thời điểm cách mạng trong nước và trên thế giới đang diễn ra gay go, quyết liệt, đồng chí xác định: Nhà báo cách mạng phải là một chiến sĩ cách mạng, và nhiệm vụ của người làm báo là:
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền
Nhân dân Việt Nam thường nói tới đồng chí Trường Chinh với tư cách là nhà lãnh đạo cách mạng, chứ ít khi nói tới tác giả Sóng Hồng với tư cách là một nhà thơ.
Thơ Sóng Hồng chủ yếu được tập hợp trong hai tuyển tập do Nhà xuất bản văn học ấn hành vào năm 1966 và 1974, bao gồm 202 bài thơ thuộc nhiều thể loại khác nhau cũng đủ nói lên rằng, Sóng Hồng là một nhà thơ lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại.
Đồng chí Trường Chinh ít khi công bố thơ mình trên sách báo, càng không có ý định lập thân bằng con đường sáng tác nghệ thuật văn chương.
Thơ Sóng Hồng hầu hết là thơ chính trị. Theo ông, thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Làm sao có thể quan niệm thơ không có tính Đảng và tính giai cấp được? Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên, không phải thơ nào cũng đều có cách mạng, nhưng có cách mạng thì có thơ.
Sóng Hồng rất thành công ở thơ chính trị. Những vấn đề chính trị khô khan làm sao có thể tìm được chỗ đứng trong vùng thẩm mỹ của thơ ca. Điều này, Sóng Hồng đã giải đáp khá đầy đủ trong bài thơ “Là thi sĩ”. “Là thi sĩ” là bài thơ nổi tiếng được tuyển chọn và trích giảng trong các sách giáo khoa văn học. Với bài thơ “Là thi sĩ” (1942), Sóng Hồng đã khẳng định phẩm chất, trọng trách của nhà thơ:
Là thi sĩ phải là hồn cao khiết
Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
Yêu nhân loại, hòa bình và công lý.
Cao giọng hát những bài ca chính khí
Của anh hùng vì nước đã quên mình…
Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản là nền tảng tinh thần, tư tưởng của thơ Sóng Hồng. Thơ Sóng Hồng còn mang tính triết lý sâu sắc.
Sóng Hồng là một nhà thơ lớn đáng để cho mọi người trân trọng.
(1) Thông cáo đặc biệt của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam và Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt.
(2) Điếu văn của BCHTƯ Đảng khóa VI do đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh. |