Cuối năm, nói chuyện lì xì…
14:45', 9/2/ 2007 (GMT+7)

Lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi, là phong tục tặng tiền nhân ngày Tết Nguyên đán với ý nghĩa chúc sức khỏe, may mắn và hạnh phúc cho mọi người, nhất là trẻ em. Lý thuyết thì ai cũng hiểu là như vậy, nhưng khi đi vào “thực hành” thì không hẳn ai cũng làm đúng như thế. Vì vậy, lì xì có muôn hình muôn vẻ.

 

Chọn mua phong bao lì xì. Ảnh: N.S

 

* Muôn vẻ lì xì

Mùng 1 tết năm ngoái, chị dâu thứ hai của tôi lì xì cho đứa cháu 7 tháng tuổi 20.000đ. Mẹ của bé - tức cô em dâu út của tôi - nói nửa đùa nửa thật: “Bác hai giàu có mà lì xì cho cháu có 20.000đ. Đáng lẽ các bác lớn thì phải lì xì cho cháu nhiều nhiều chứ”. Chuyện đến tai mẹ tôi, bà nhẹ nhàng với con dâu: “Vợ chồng nó tuy khổ nhưng cả chục năm qua nó biết sống với mọi người trong gia đình lắm! Con mới về làm dâu nên chưa hiểu hết tấm lòng của mỗi người…”.

Cách đây vài năm, nhà chúng tôi luôn có người quen ở nhờ để thi đại học. Nhiều em đã đậu đại học, sau đó ra trường, làm ăn thành đạt, trong số đó có một em trai lập nghiệp ở Vũng Tàu. Những năm chưa có tiền polymer, năm nào về quê em cũng đổi tiền mới mệnh giá 500đ để lì xì cho mọi người. Có người nhắc: “Ở xa về quê ăn Tết mà lì xì như thế sẽ bị mang tiếng là keo kiệt suốt đời đó”, nhưng em cười: “Lì xì năm mới là để lấy may chứ đâu phải lì xì để được giàu. Bởi thế nên tôi mới cất công đi đổi tiền mới, màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, chiến thắng”. Tôi cũng được em lì xì 2 tờ 500đ và rất vui.

Gần Tết, nói chuyện lì xì, một người bạn của tôi kể chuyện năm ngoái đi chúc Tết bị “cháy túi”, có lúc đành phải “mượn” tiền lì xì của thằng bé con để đi lì xì, với lời hứa “sau Tết mẹ trả” và kéo dài... vô thời hạn.

* Giữ gìn một nét đẹp văn hóa

Tục mừng tuổi hay lì xì đầu năm là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, thực tế đã có những biến tướng xấu của việc mừng tuổi bằng tiền. Với nhiều người lì xì trở thành nỗi lo và đôi khi làm mất hết niềm vui xuân của họ.

Có người đi chúc Tết không dẫn con theo thì “hao tài”, liền về nhà chở con theo để “lấy lại vốn”, rồi vẫn buồn phiền, than thở: “Lỗ vốn đầu năm”… Rồi ví dụ người ta lì xì cho con mình 10.000đ thì mình phải lì xì lại cho con họ hơn số tiền ấy, để khỏi mang tiếng “cho qua cho lại huề vốn”. Đành rằng phải thực tế một tí, và chuyện lì xì tượng trưng bây giờ chắc chẳng ai mặn mà, nhưng quả thật là nhiều người đã đẩy lì xì đi quá xa ý nghĩa của nó khi biến thành dịp để đền ơn đáp nghĩa hay lấy lòng nhau.

Một bà cụ than thở, cháu nội của bà (bố làm giám đốc công ty) chẳng được vô tư hồn nhiên chơi Tết như bạn bè vì phải đóng cho trọn vai “con sếp” trong 3 ngày tết - tức luôn kè kè bên bố mẹ để được nhân viên của bố lì xì. Rất nhiều người “dở mếu dở cười” khi thấy cảnh trẻ nhận phong bao lì xì mở ra xem ngay và nếu thấy ít là bày tỏ thái độ lập tức. Tất nhiên trẻ con không có lỗi trong những chuyện này, mà chính là người lớn đã làm ảnh hưởng đến các cháu.

Nếu như ở phương Tây, người ta tặng quà cho nhau trong dịp Noel, Tết dương lịch, thì ở Việt Nam, chúng ta cũng có một phong tục thật đẹp, đó là lì xì cho trẻ con để chúng vui trong ba ngày tết. Và như thế, lì xì năm mới để chúc nhau may mắn chứ không phải để biến thành dịp trả ơn, trả nghĩa hay để làm giàu.

  • Ngọc Bích - Nguyên Sương

Phong tục lì xì khởi nguồn từ Trung Hoa, với phong tục xâu những đồng tiền bằng sợi chỉ đỏ và buộc lại thành hình con rồng hoặc thanh kiếm, để ở giường hoặc nôi với mục đích chống tà ma, bảo vệ giấc ngủ cho trẻ nhỏ. Những đồng tiền này được gọi là “áp tuế tiền”. Sau đó, những đồng tiền được gói trong giấy đỏ và dần trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày đầu năm.

Ngày nay, phong tục lì xì phổ biến ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Chữ “lì xì” là cách phát âm theo tiếng Quảng Đông (Trung Quốc) của từ “lợi thị”, nghĩa là tiền bạc, lợi lộc.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường Chinh - nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ  (09/02/2007)
Khai mạc Hội Báo Xuân Đinh Hợi 2007  (09/02/2007)
Chính phủ hỗ trợ cho Bình Định 400 tấn gạo  (09/02/2007)
Hỗ trợ 3 tấn gạo và 5 triệu đồng cho người nghèo đón Tết  (08/02/2007)
Thăm và tặng quà gia đình 3 nạn nhân mất tích trên biển  (08/02/2007)
Tổ chức chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Tất Thành  (08/02/2007)
Vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết: SOS !  (08/02/2007)
Thiếu tướng Võ Tiến Trung thăm và chúc Tết LLVT Bình Định  (08/02/2007)
Hoài Nhơn: Chi trên 400 triệu đồng lo cho các gia đình liệt sĩ, hộ nghèo nhân dịp Xuân Đinh Hợi  (07/02/2007)
UBND tỉnh chi 875 triệu đồng "cứu trợ đỏ lửa" Tết Nguyên đán Đinh Hợi  (07/02/2007)
Bảo Việt Nhân thọ Bình Định hỗ trợ tiểu thương thiệt hại trong vụ hỏa hoạn chợ Lớn  (07/02/2007)
Vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng  (07/02/2007)
Tạo khí thế mới, xung lực mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2007  (07/02/2007)
Nhận phụng dưỡng bà mẹ VNAH ở Bình Định   (06/02/2007)
Xã hội hóa giáo dục: Lộ trình và giải pháp  (06/02/2007)