Những ngày giáp Tết thời tiết chuyển ấm dần và đêm giao thừa tiến đưa năm Bính Tuất đón chào Năm mới Đinh Hợi diễn ra ấm áp, tràn ngập niềm vui. Khắp những nẻo đường từ nông thôn đến thành phố, người đi chơi, kẻ xem hội tấp nập. Niềm vui náo nức trong mỗi người như muốn nói lên sức xuân, đời sống đang ngày càng no đủ, tin tưởng hơn vào ngày mai tươi sáng...
* Thành phố Quy Nhơn: Dạ hội giao thừa trong rực rỡ sắc màu
Thời tiết tại thành phố Quy Nhơn thật đẹp, những làn gió biển thổi vào đêm cuối năm làn hơi trong lành và mát rượi, khiến cho dòng người đi dạo trên đại lộ Nguyễn Tất Thành-con đường đẹp nhất Quy Nhơn- trở nên đông đảo. Mọi người tập trung về con đường này không chỉ để ngắm khung cảnh mua bán hoa tết vẫn còn rất nhộn nhịp trong những giờ phút cuối cùng của năm cũ, mà còn để chờ đợi được xem một chương trình nghệ thuật đặc sắc: Dạ hội đêm giao thừa.
21 giờ 30 phút: tại Quảng trường trước Trung Tâm thương Mại Quy Nhơn, Dạ hội giao thừa đón Xuân Đinh Hợi chính thức bắt đầu. Đến thưởng thức chương trình Dạ hội có các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Vũ Hoàng Hà, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh... Phần khai hội (kéo dài 30 phút) bắt đầu bằng tiết mục múa lân “Hội lân mừng xuân”, với phần trình diễn của 5 lân lớn và 2 lân nhỏ. Những con lân trông thật sinh động trên sân khấu, với những động tác múa uyển chuyển và đẹp mắt theo tiếng trống rộn ràng: tùng tùng…tùng tùng…cắc…tùng tùng …đã dẫn dắt người xem hòa vào không khí lễ hội tươi vui của đêm giao thừa và những ngày Xuân Đinh Hợi đang tới. Tiếng trống lân vừa dứt, tiếng trống trận Tây Sơn (do đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung biểu diễn-xem Video) hào hùng vang lên. Tiếng trống thôi thúc, tiếng kèn réo rắt, cùng màn múa cờ thật ấn tượng….khiến ta như có cảm giác, trong thời khắc giao mùa của đất trời, thoảng nghe tiếng vó ngựa đoàn quân Tây Sơn oai hùng năm nào...
22 giờ, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã đánh trống khai xuân (1 hồi 9 tiếng-xem Video), phần chính của Dạ hội giao thừa là chương trình nghệ thuật mang tên “Hát cùng mùa xuân” chính thức bắt đầu. Nếu như tiết mục hát múa mở màn Âm vang tiếng trống Quang Trung (sáng tác Hoàng Hải, biên đạo Thu Hương) đem đến cho người nghe “Âm vang tiếng vọng ngàn năm xưa…Nơi đây cha ông phất cờ đào năm xưa...”, thì Tết quê (ca sĩ Công Cường) lại tái hiện một không gian Tết cổ truyền trên sân khấu với cành mai, bánh chưng, mâm ngũ quả..cùng với giọng hát thật ấm cúng và da diết: “Tết quê mình ôi sao ngọt ngào thế! Tết quê mình ôi sao rộn ràng thế!”. Chương trình còn được tiếp nối bởi nhiều tiết mục được dàn dựng hoành tráng, mang đậm hơi thở mùa xuân như tổ khúc múa Chúc mừng năm mới – mừng Tết Đinh Hợi và múa Xuân về trên buôn làng em (biên đạo Nhật Huy, học sinh trường Tiểu học Lê Lợi biểu diễn), Khúc nhạc ngày xuân, Duyên xuân…Nhưng có lẽ “điểm nhấn” tạo nên sự đặc sắc cho chương trình Dạ hội giao thừa chính là các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Bình Định: Tiết mục múa trình tường Chúc thọ đầu xuân (biên đạo Hoàng Việt, Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn), hát múa Sắc bùa (biên đạo Hoàng Việt, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định biểu diễn) mang đậm chất cổ truyền được phục dựng lại “đầy sắc màu” trên sân khấu trong âm hưởng của những lời ca bài chòi.
|
Đoạn kết đầy ý nghĩa của tiết mục múa Trình tường. Ảnh HT
|
Ngoài ra, các tiết mục trình diễn võ thuật truyền thống (võ sinh Sở TDTT Bình Định) với màn đồng diễn các bài quyền cổ truyền, các màn đấu tay không chống binh khí, tứ đấu binh khí…đã tái hiện được phần nào tính cách mạnh mẽ, tinh thần thượng võ của người Bình Định trên sân khấu.
23 giờ 30 phút: chương trình biểu diễn nghệ thuật kết thúc bằng tiết mục hát múa Quy Nhơn thành phố biển xanh (sáng tác Khắc Hùng, biên đạo Thu Hương) thật hoàng tráng với sự tham gia diễn xuất của 70 diễn viên múa, cùng việc tái hiện cây cầu Thị Nại – niềm tự hào của người dân Bình Định - trên sân khấu. Đoạn cuối tiết mục thật ấn tượng với việc xếp chữ “trên cầu Thị Nại”, với thông điệp: “QUY NHƠN – NHƠN HỘI , TIỀM NĂNG – VẬN HỘI MỚI”.
23 giờ 40 đến 23 giờ 55 phút: Pháo “nở hoa” rực rỡ trên bầu trời Quy Nhơn. Tại điểm bắn pháo hoa đường Nguyễn Tất Thành, khi chùm pháo hoa đầu tiên bắn lên bầu trời, tiếng trống chầu (30 trống) – trống lân cũng vang lên rộn rã cộng hưởng cùng sắc màu của pháo hoa, tạo cho mọi người thật nhiều cảm xúc trong không khí thiêng liêng đón giao thừa…
Còn tại điểm bắn pháo hoa cầu Thị Nại, trong dòng người đông đảo trên cầu, không khó để nhận thấy những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của người dân các xã bán đảo khi được tận mắt chứng kiến pháo hoa trong đêm giao thừa. Pháo hoa bừng sáng trên cầu Thị Nại có lẽ là thời khắc hạnh phúc và đáng nhớ nhất của người dân Bình Định khi tống tiễn năm cũ, từng chùm pháo hoa nở bung, rực rỡ sắc màu như nói lên niềm tin phấn khởi vào năm mới, tương lai ấm no, hạnh phúc. Xin chào năm mới Đinh Hợi 2007!
|
Bắn pháo hoa. Ảnh HT
|
* Tại Hoài Nhơn năm nay “Hội xuân” đón giao thừa ở huyện được tổ chức tại 2 điểm là Trung tâm Văn hoá – Thông tin TDTT của huyện (ở Bồng Sơn) và Thị trấn Tam Quan. Buổi chiều trước đêm giao thừa, “khu phố hoa” ở Tam Quan và Bồng Sơn đông nhẹt người mua, kẻ bán. Những bộn bề lo toan của ngày cuối năm tạm gác lại, ai ai cũng muốn chọn cho gia đình những chậu hoa đẹp nhất để “chưng” trong 3 ngày tết. Anh Lê Văn Tùng, quê ở xã Hoài Phú, cho biết: “Công việc cuối năm cập rập quá nên mãi đến giờ này mới đi mua hoa về chưng tết, với lại đi mua hoa thời điểm cuối ngày thế này, giá mềm hơn (cười)”. Cũng trong buổi sáng 29 tháng chạp, trò chơi mang tính văn hoá dân gian “Cổ Nhơn” tại Bồng Sơn được bắt đầu thu hút khá nhiều người tham gia.
* Tại huyện miền núi An Lão, việc tổ chức đón giao thừa được đưa về từng thôn và tổ chức ngay tại nhà văn hoá thôn. Những bộ chiêng hay nhất của làng được chọn, những ché rượu cần ngon nhất được đưa về tập trung ở nhà văn hoá thôn để chờ đến thời khắc giao thừa thì chiêng sẽ được đánh lên để cầu chúc cho dân làng một năm mới ấm no, hạnh phúc. Và thời khắc giao thừa đã đến, từng cần rượu được chuyền tay nhau, uống mừng giao thừa, mừng năm mới, mừng Đảng, mừng Xuân...
* Tại huyện Tây Sơn, sáng 29 tháng Chạp, phiên chợ cuối năm tại chợ Phú Phong đông nghịt người đi mua sắm. Có thể dễ dàng nhận ra phiên chợ cuối năm nay có lượng người đi mua sắm đông đúc hơn hẳn năm ngoái và các mặt hàng được bà con mua sắm cũng đa dạng hơn nhiều.
Nói đến ngày Tết ở Tây Sơn không thể không nói đến không khí lễ hội đang tràn ngập nơi này dịp xuân về. Dù phải đến mùng 5 tháng Giêng mới bắt đầu khai hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa nhưng ngay từ những ngày cuối tháng Chạp các loại cờ chuối, cờ hội… đã được cắm dọc theo các con đường và những vị trí đẹp nhất của thị trấn Phú Phong. Các bóng đèn cao áp đã được lắp mới, những con đường được phát quang sạch sẽ chuẩn bị đón du khách gần xa về thăm xuân, ôn lại chiến tích hào hùng của những anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
|
Một góc chợ hoa Phú Phong. Ảnh KV
|
Ngoài ra, trong dịp xuân này tại các xã cũng tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn hóa hấp dẫn khác mừng Đảng, mừng xuân Đinh Hợi. Hòa trong không khí rộn ràng đêm giao thừa, anh Lê Công Ảnh, một chiến sỹ xa quê công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận 7 năm nay mới được ăn Tết tại quê nhà nói:" Tôi đã chờ đợi ngày này từ rất lâu. Đã 6 mùa xuân tôi không biết đến hương vị Tết của quê nhà Tây Sơn. Cảm xúc thật khó tả. Trước khi về tôi đã cố gắng tưởng tượng thật nhiều về cái Tết quê nhưng tôi thật không ngờ mình được sống trong một không khí rộn ràng và đậm chất lễ hội như thế này".
|