Đón xuân mới ở làng Cam
15:58', 23/2/ 2007 (GMT+7)

Những cần rượu uốn cong, gương mặt mọi người đỏ hồng bên ánh lửa bập bùng. Tiếng cồng chiêng bồng bềnh trong sương khói cùng lời ca rộn rã đã đánh thức cả một vùng núi rừng mênh mông...

Đến chung vui đón Tết Đinh Hợi với bà con dân tộc Bana ở làng Cam (Tây Xuân, Tây Sơn), ngoài cán bộ chiến sĩ phòng PX15 Công an (CA) tỉnh - đơn vị kết nghĩa với dân làng - còn có đại diện lãnh đạo CA tỉnh, Ban Biên tập Báo Kinh tế Nông thôn, lãnh đạo CA huyện Tây Sơn, Đảng ủy, UBND xã Tây Xuân.

 

Lãnh đạo phòng PX15 nhận quà Tết của bà con làng Cam tặng. Ảnh: Kim Dũng

 

Trong lúc chờ đêm xuống để nổi lửa, bắt đầu cuộc vui, ông Đinh Sơn, một trong những người lớn tuổi ở làng Cam xúc động nói với thượng tá Trần Vũ Thanh - Phó Giám đốc CA tỉnh và đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập Báo Kinh tế Nông thôn - những người mới đến làng Cam lần đầu: “Nếu không được làm anh em với phòng PX15, chắc bà con mình không thể có được những cuộc vui như thế này. Người anh em của mình tốt lắm, giúp bà con mình nhiều lắm! Đây này, nhà rông, trường học, ti vi…, đều là của người anh em mình giúp đó… Người anh em của mình còn giúp bà con mình trong sản xuất, chỉ cho bà con mình cái đúng cái sai để không bị kẻ xấu lợi dụng nữa. Cuộc sống của bà con mình tuy chưa hết khó khăn nhưng đã khá hơn rất nhiều”.

Như để chứng minh lời nói của mình, từ nhà rông, ông Sơn cùng các ông Đinh Lanh, Đinh Thành, những người trong ban quản lý và người uy tín trong làng đưa mọi người đến thăm lớp học và một số gia đình. Trên đường đi mọi người như được thấy lại những ngày đầu khó khăn và những bước phát triển của bà con làng Cam qua lời kể của ông Đinh Sơn …

Năm 1987, từ một vùng núi cao thuộc huyện Vân Canh, hơn 20 gia đình đồng bào Bana với khoảng 100 người lớn, nhỏ dời về đây định cư trên mảnh đất thuộc địa phận xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn và làng Cam ra đời từ đó.

Đến nay, cả làng có 31 hộ với 137 nhân khẩu, cuộc sống tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Cả làng chỉ có 2 ha lúa nước, mỗi năm sản xuất một mùa, thời gian còn lại bà con vào rừng hái lượm. Năm 1989, UBND xã Tây Xuân xây một phòng học, đưa cô giáo người Kinh vào dạy. Lúc đầu một phòng học là đủ cho một lớp 1, nhưng sau đó học sinh và lớp tăng lên, nên lớp 1, lớp 2 và cả lớp 3 đấu lưng nhau học chung trong phòng học đó.

Tháng 9-2003, hưởng ứng phong trào hướng về miền núi, đồng bào vùng sâu vùng xa do Giám đốc CA tỉnh phát động, cán bộ chiến sĩ phòng PX15 về kết nghĩa với bà con làng Cam. Buổi lễ kết nghĩa tổ chức tại phòng học, trang trọng và ấm cúng. Mọi người rất vui, nhưng bà con chỉ tiếc một điều là giá như có nhà rông và buổi lễ được tổ chức tại đấy sẽ thiêng liêng hơn.

Biết được điều trăn trở đó của bà con, phòng PX15 đã quan hệ với Báo Công an TP.HCM vận động kinh phí giúp bà con 40 triệu đồng làm nhà rông. Số tiền đó cộng với công sức của bà con, của cán bộ chiến sĩ phòng PX15 và xã Tây Xuân, 4 tháng sau ngôi nhà dài 8 mét, rộng 6 mét xây dựng và trang trí theo truyền thống của đồng bào dân tộc Bana hình thành. Có chỗ sinh hoạt cộng đồng, đời sống tinh thần của bà con phong phú hơn và bộ mặt của làng Cam cũng thay đổi hẳn.

Còn ngôi trường học mới cũng được phòng PX15 vận động kinh phí từ Báo Công an TP.HCM (40 triệu đồng) xây tặng. Từ một lớp học có sẵn, với số tiền đó cộng với công sức của bà con và chính quyền xã Tây Xuân, ngôi trường với hai phòng học đủ bàn ghế mới, phía trước có khoảng sân gạch rộng rãi, sạch đẹp hình thành và từ năm học 2004-2005, cảnh học sinh làng Cam hai lớp đấu lưng nhau trong một phòng đã không còn nữa.

 

Cán bộ chiến sĩ PX15 vui đón xuân cùng bà con làng Cam. Ảnh: Kim Dũng

 

Ông Đinh Sơn nói: “Từ ngày kết nghĩa làm anh em với cán bộ chiến sĩ phòng PX15, bà con làng Cam trăm người như một, một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng, cùng nhau phấn đấu lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và xây dựng làng Cam giàu đẹp. Bà con làng Cam tuyệt đối không nghe theo lời kẻ xấu, cùng nhau bảo vệ làng, giữ gìn ANTT.” Và ông khoe: Tình trạng say rượu, gây gổ đánh nhau không còn xảy ra trong làng. Các tập tục lạc hậu như bóp trứng gà, ma găm… được bà con tự giác xóa bỏ. Trong làng giữa người này với người kia nếu xảy ra mâu thuẫn được ban quản lý làng giải quyết trên tinh thần tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống của làng Cam những năm gần đây đã khởi sắc dần, bà con gắn bó nhau hơn.

Lửa được nổi lên, cuộc vui bắt đầu. Những cô gái chàng trai Bana trong trang phục truyền thống nắm tay những cô gái chàng trai trong bộ quân phục màu xanh quân hàm đỏ theo tiếng cồng chiêng nhịp nhàng bước quanh đống lửa. Cần rượu uốn cong làm cho gương mặt các anh các chị thêm đỏ hồng, thêm rạng ngời trong niềm vui bất tận. Tiếng hát gọi mùa Xuân về, tiếng hát ngợi ca cuộc sống bình yên hạnh phúc vút cao, vang xa giữa núi rừng mênh mông.

Đây là lần thứ 3 bà con làng Cam cùng người anh em kết nghĩa phòng PX15 vui đón xuân mới bình yên, hạnh phúc.

  • Mai Linh Giang

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các trường chặt chẽ hơn trong đánh giá chất lượng học sinh   (23/02/2007)
Hơn 200 ngàn lượt khách đi xe buýt trong dịp Tết   (23/02/2007)
Đón 45.000 khách du Xuân đầu năm   (23/02/2007)
Tăng thêm xe khách tuyến Quy Nhơn đi TP Hồ Chí Minh   (23/02/2007)
47 học sinh, sinh viên được hỗ trợ học phí   (23/02/2007)
Nem chua Quy Nhơn “cháy chợ”   (23/02/2007)
Chỉ trong học kỳ 1 đã có tới 2.586 học sinh bỏ học   (23/02/2007)
Kỷ niệm 42 năm chiến thắng Đồi 10  (22/02/2007)
BVĐK tỉnh tiếp nhận 836 ca cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán  (21/02/2007)
Tổ chức kỷ niệm 42 năm chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu  (21/02/2007)
Các chợ hoa xuân bán hết hàng  (23/02/2007)
Kỷ niệm 218 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (21/02/2007)
Lượng khách đến các khu vui chơi, giải trí tăng cao  (20/02/2007)
Tổ chức du khách nước ngoài đón giao thừa  (20/02/2007)
Nón binh, đèn lồng đón Tết  (20/02/2007)