Vụ thảm sát Bình An
10:51', 26/2/ 2007 (GMT+7)

Ngày này (26-2) cách đây 41 năm, tại xã Bình An, huyện Tây Sơn (nay là xã Tây Vinh) đã xảy ra vụ thảm sát man rợ do lính Nam Hàn gây ra.

Từ giữa năm 1965, không thể trông cậy vào quân chủ lực ngụy, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ". Lính Mỹ và quân chư hầu cùng với một khối lượng lớn vũ khí, khí tài chiến tranh được ồ ạt đưa vào miền Nam. Tại chiến trường Bình Định, chúng đã tung vào những đơn vị thiện chiến như Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ, Sư đoàn Mãnh Hổ, Lữ đoàn Bạch Mã của Nam Hàn…, đưa tổng số quân đội nước ngoài tham chiến từ cuối năm 1965 lên tới gân 2 vạn tên.

 

Khu tưởng niệm về vụ thảm sát Bình An

 

Với mộng tưởng sẽ đánh tan được các lực lượng vũ trang của ta và đè bẹp ý chí đấu tranh kiên cường của quần chúng cách mạng, chúng tiến hành các cuộc hành quân càn quét với qui mô lớn. Trong các cuộc hành quân đó, chúng đã không từ một thủ đoạn dã man tàn ác nào hòng làm nhụt ý chí của nhân dân.

Những vụ thảm sát đẫm máu liên tiếp diễn ra ở huyện Tuy Phước như Tân Giảng (xã Phước Hòa), Nho Lâm (xã Phước Hưng) và nhiều nơi khác. Nhưng điển hình nhất cho những tội ác man rợ đó là vụ thảm sát do lính Nam Hàn gây ra ở Bình An vào tháng 2 năm 1966.

Bình An (nay là xã Tây Vinh) là một địa bàn trọng yếu, phía Đông Bắc là sân bay Phù Cát, phía chính Bắc có núi Trà Ran là một cao điểm lợi hại. Phía Đông có núi Thơm, tuy chỉ cao 80 m nhưng là một căn cứ pháo binh của địch. Toàn bộ địa phận của xã lọt vào giữa một khu vực có nhiều đầu mối giao thông quan trọng. Tỉnh lộ 636 chạy qua mặt Bắc và Đông, nối thông với sân bay, đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 1A. Mặt phía Nam tiếp giáp với sông Kôn và xa hơn về phía Nam chừng 4 km là con đường huyết mạch số 19 nối liền vùng đồng bằng, duyên hải với Tây Nguyên. Chính vì vậy mà ngay từ đầu, địch đã dùng mọi biện pháp để thiết lập ách kìm kẹp trên địa bàn chiến lược này.

Bình An là mảnh đất giàu truyền thống thượng võ và quật cường trong đấu tranh cách mạng. Nơi đây đã từng in dấu chân của những người anh hùng đất Tây Sơn, đã từng thấm máu của các nghĩa sĩ chiến đấu dưới cờ của Mai Xuân Thưởng… Với truyền thống đó, ngày 6-5-1965, vào thời điểm ngụy quân, ngụy quyền đang hoang mang, tan rã trước nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", nhân dân Bình An đã nhất tề nổi dậy giải phóng quê hương lập nên chính quyền cách mạng.

Để đối phó với những cuộc hành quân chống phá của địch, làng chiến đấu được xây dựng, các đội du kích tổ chức và huấn luyện chu đáo, sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng bộ đội. Khi lính Mỹ và quân chư hầu nhảy vào Bình Định, một trong những mục tiêu của chúng là lại quyền kiểm soát khu vực Bình An. Ngay đầu mùa khô thứ nhất, vào cuối năm 1965, dân làng đã phải chống chọi với một trận càn quét qui mô lớn có sự tham gia của lính Mỹ và Nam Hàn. Sát cánh cùng nhiều bộ đội chủ lực, Bình An đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều địch (trong đó có 150 tên Mỹ), đập tan cuộc hành quân này.

Một phóng viên tờ Thời báo New York, đã mô tả tâm trạng của lính Mỹ khi tham gia trận đánh như thế này: "Ở gần làng An Thái, tiểu đoàn lính Mỹ đã phải sống những giờ phút hãi hùng nhất trong đời họ". Hãng tin UPI cũng bình luận: "Đây là những trận đánh hết sức đẫm máu và ác liệt đối với lính Mỹ."

Sau thất bại này bọn địch vô cùng điên cuồng, lồng lộn. Chúng tăng cường lực lượng cho các chốt, triển khai hỏa lực pháo binh trên các cao điểm núi Thơm, núi Trà Ran… để khống chế các địa phương do ta kiểm soát và yểm trợ cho các cuộc hành quân càn quét tiếp theo, chủ yếu do những đơn vị thiện chiến và hung hãn nhất của lính Nam Hàn thực hiện.

Ngày 23-1-1966, chúng bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào Bình An. Quân địch bao vây từ 4 phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta, nhưng đã bị đánh trả quyết liệt. Tức tối vì không đạt được mục đích, chúng quay sang đốt phá thóc gạo, nhà cửa và giết hại dân lành. Hơn 100 thường dân, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị giết trong trận càn này, mở đầu cho một chiến dịch tàn sát trả thù hết sức dã man.

Với khẩu hiệu "đốt sạch, phá sạch, giết sạch", ngày 7-2-1966, các đơn vị lính Nam Hàn mở màn một chiến dịch hành quân khủng bố tàn bạo chưa từng có. Từ sáng sớm hầu hết các đơn vị pháo binh trong vùng của địch đều được lệnh nã đạn cấp tập vào Bình An. Làng quê nhỏ bé, hiền hòa bỗng chốc chìm ngập trong khói đạn. Vừa dứt tiếng pháo, lính Nam Hàn từ các phía ập đến. Phát hiện ra các hầm trú ẩn của dân ven làng, chúng thả lựu đạn cay xuống bắt mọi người phải trồi lên rồi thả sức tàn sát.

Ngay trong ngày đầu chiến dịch (7-2-1966), lính Nam Hàn đã giết chết 58 người. Riêng tại khu vườn nhà ông Phạm Chương (thôn An Vinh) chúng đã xả súng bắn chết một lúc 64 người. Cả hai vợ chồng ông Chương đều bị giết.

Những cuộc giết chóc, đốt phá ngày càng mở rộng qui mô và tăng thêm tính chất dã man. Ngày 12-2 là một ngày đẫm máu. Từ 10 giờ sáng, lính Nam Hàn bắt đầu cuộc tàn sát tại thôn Bính Đức. Chúng xả súng bắn vào bất cứ ai gặp trên đường hoặc bắt rồi hành hạ cho đến chết. Ở những nơi chúng gây tội ác (nhà ông Trần Ngô, khu vườn nhà ông Lê Phúc, khu nghĩa địa…), địch đã giết hại 26 người. Đặc biệt ở khu nghĩa địa, chúng đã dã man trói người vào các tấm bia mộ rồi để phơi nắng cho đến lúc chết khô. Vào khoảng 1 giờ trưa, quân địch kéo sang chợ Sông Cạn (thôn Nhơn Thuận), dồn tất cả 33 người dân bị bắt vào bãi chợ rồi xả súng trung liên bắn chết. Xác người nằm chồng chất lên nhau. Chưa hả, 5 giờ chiều ngày hôm đó bọn lính khát máu lại gây ra một vụ thảm sát ở Lỗ Sỏi, 40 người dân vô tội bị giết một lúc.

Như vậy chỉ trong một ngày thảm sát, lính Nam Hàn đã giết chết 109 người. Xóm làng tiêu điều, xơ xác, người chết ngổn ngang khắp nơi.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tận cùng của tội ác.

Những cuộc tàn sát rùng rợn nhất xảy ra vào giai đoạn cuối của trận càn. Từ ngày 15-2 đến ngày 26-2, chúng đã sát hại gần 600 người, chủ yếu tập trung vào hai ngày 23-2 và 26-2.

Chứng tích về vụ tàn sát tập thể ngày 23-2 là khu vườn nhà ông Trương Niên ở thôn An Vinh. Tại đây chúng đã dồn 90 người dân tới, dùng súng trung liên bắn chết sạch không trừ một ai. Thật tang thương khi trong số các nạn nhân, có những gia đình bị giết hết cả nhà.

Ngày 26-2 đi vào lịch sử Bình An cũng như lịch sử tỉnh Bình Định như là một ngày đẫm máu và nước mắt với sự kiện thảm khốc diễn ra tại Gò Dài (thôn An Vinh). Trước khi kết thúc chiến dịch thảm sát kéo dài 3 tuần lễ, bọn lính Nam Hàn đã dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về đây. Như những con dã thú, chúng đã giết hại 380 người bằng những hành động man rợ nhất. Chúng điên cuồng hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết dã man bằng cách dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em…

Vụ thảm sát đã gây nên nỗi kinh hoàng. Sau những ngày hãi hùng, nhiều người còn sống sót phải bỏ làng ra đi. Từ một làng quê trù phú, Bình An bao trùm một không khí chết chóc, hoang tàn. Di tích còn lại về vụ thảm sát Gò Dài là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m chôn xác 380 nạn nhân.

Chiến dịch thảm sát của địch đã để lại cho Bình An những hậu quả thật thê thảm. Tổng cộng có trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. 1.535 trong tổng số 1.592 ngôi nhà bị tàn phá, 649 con trâu, bò bị chết… Sự sống ở Bình An bị hủy diệt đến nỗi dân làn không thể tiếp tục sinh sống được nữa phải phiêu bạt đi khắp nơi, đến 2 năm sau mới có người trở về. Những gì mà quân xâm lược gây ra trên đất Bình An là tội ác trời không dung đất không tha.

Những người dân hiền lành nơi đây luôn mong có được cuộc sống bình yên như chính tên gọi của làng mình nhưng đã bị quân thù giày xéo. Con đường duy nhất họ phải lựa chọn cho vùng lên đấu tranh bảo vệ lấy cuộc sống của mình. Ngày 8-4-1972, một lần nữa quân và dân Bình An lại nổi dậy giành chính quyền về tay mình.

Đến Bình An (Tây Vinh) hôm nay sự sống đã hồi sinh, nhưng tội ác dã man của quân giặc thì mãi mãi còn khắc cốt ghi xương đối với những người dân địa phương.

  • Bảo Huy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hỗ trợ 82 triệu đồng cho người nghèo ở Bình Định  (26/02/2007)
Một khí thế mới, một quyết tâm mới và sẽ có một kết quả mới  (26/02/2007)
Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc tỉnh Bình Định để xảy ra nhiều TNGT trong dịp Tết  (25/02/2007)
Lượng khách du lịch đến Bình Định trong dịp Tết tăng khá   (23/02/2007)
Đón xuân mới ở làng Cam   (23/02/2007)
Các trường chặt chẽ hơn trong đánh giá chất lượng học sinh   (23/02/2007)
Hơn 200 ngàn lượt khách đi xe buýt trong dịp Tết   (23/02/2007)
Đón 45.000 khách du Xuân đầu năm   (23/02/2007)
Tăng thêm xe khách tuyến Quy Nhơn đi TP Hồ Chí Minh   (23/02/2007)
47 học sinh, sinh viên được hỗ trợ học phí   (23/02/2007)
Nem chua Quy Nhơn “cháy chợ”   (23/02/2007)
Chỉ trong học kỳ 1 đã có tới 2.586 học sinh bỏ học   (23/02/2007)
Kỷ niệm 42 năm chiến thắng Đồi 10  (22/02/2007)
BVĐK tỉnh tiếp nhận 836 ca cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán  (21/02/2007)
Tổ chức kỷ niệm 42 năm chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu  (21/02/2007)