Qua Học kỳ I (HK I) năm học 2006 - 2007, nhìn chung việc đánh giá chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông đã đi vào thực chất hơn, biểu hiện ở tỷ lệ học sinh giỏi giảm, học sinh kém tăng. Tâm lý của một số cán bộ, giáo viên đã có phần thoải mái hơn vì được giảm bớt áp lực điểm số và thành tích.
|
Trường THCS Lê Hồng Phong, so với HK I năm ngoái, số HS giỏi giảm khoảng 3,7%, HS yếu, kém ít thay đổi. Ảnh: N.Q
|
* Học sinh yếu, kém tăng
So với HK I năm ngoái, số HS giỏi của Trường THCS Trần Hưng Đạo HK I năm học 2006 - 2007 giảm gần một nửa, HS yếu tăng 159 em và đặc biệt, trường có thêm 13 HS xếp loại kém; Trường THCS Lê Hồng Phong, so với HK I năm ngoái, số HS giỏi giảm khoảng 3,7%, HS yếu, kém ít thay đổi; Trường THCS Ngô Văn Sở, số HS giỏi tăng hơn 3% và HS yếu cũng tăng hơn 5%. Trường THCS Lương Thế Vinh cũng có giảm về số lượng HS giỏi và tăng HS yếu so với HK I năm học trước. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tuy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo nhận xét: Kết quả HK I năm học này thấp hơn so với năm ngoái là do trường đã đánh giá chất lượng học tập của HS chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trường cũng chỉ làm từ từ để hạn chế “bệnh thành tích”, tránh gây “sốc” cho phụ huynh HS và xáo trộn những hoạt động của nhà trường.
Ở Trường tiểu học Ngô Mây, chất lượng giáo dục lại tăng chứ không giảm. Ông Phạm Quảng, Hiệu trưởng cho biết: “Chất lượng HS các khối 1,2,3 cao hơn hẳn so với mọi năm. Khối 4, 5 số lượng HS giỏi cũng có tăng, đặc biệt là ở những lớp học 2 buổi/ ngày”. Cũng theo ông Phạm Quảng, Trường tiểu học Ngô Mây từ nhiều năm nay đã đánh giá chặt chẽ quá trình dạy và học của giáo viên và HS nên khi triển khai cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”, giáo viên đã quen với cách dạy và học nghiêm túc theo đúng yêu cầu của quy chế nên không cảm thấy áp lực khi thực hiện cuộc vận động “2 không”…
Nhìn chung ở các trường tỷ lệ HS giỏi ít hơn, HS xếp loại trung bình và yếu, kém tăng hơn. Ông Phan Văn Chung, Trưởng phòng Giáo dục TP Quy Nhơn cho biết: “Các quy trình đánh giá HS, từ khâu làm đề, tổ chức kiểm tra và đánh giá, xếp loại đều chặt chẽ, nghiêm túc hơn so với trước. Do đó, bước đầu, kết quả giáo dục đã đi vào thực chất”.
* Cần phải quyết liệt hơn
HK I năm học 2006 - 2007, toàn tỉnh có 6,21% số HS THCS xếp loại giỏi, 25,31% khá, 44,85% TB, 22,63% yếu và 1% kém. Bậc THPT có 0,59% HS giỏi, 15,71% khá, 48,16% TB, 32,87% yếu, 2,67% kém. Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Nếu chỉ so sánh về mặt số liệu so với HK I năm học trước thì rất khó vì quy chế đánh giá, xếp loại HS của Bộ GD-ĐT có thay đổi. Tuy nhiên, nhìn chung, các trường đều chặt chẽ hơn trong đánh giá, xếp loại HS so với các năm học trước. Cán bộ, giáo viên ngành giáo dục có tinh thần nghiêm túc trong thực hiện cuộc vận động “2 không” của ngành”…
Để cuộc vận động “2 không” có kết quả, ngoài sự chuyển biến về nhận thức của một bộ phận cán bộ, giáo viên thì cần phải có rất nhiều thay đổi trong cách thức điều hành, quản lý giáo dục. Ngay cả cách nhìn nhận về chất lượng giáo dục của từng trường cũng không thể chỉ căn cứ vào tỷ lệ HS khá, giỏi, TB, yếu, kém cao hay thấp nếu như trường đó mạnh dạn hơn trong việc đưa chất lượng giáo dục về với thực chất… Hay như, giữa HK I vừa qua, Trường THCS Trần Hưng Đạo có 22 HS “ngồi nhầm lớp”- HS có điểm kém dưới 2 khi được kiểm tra trình độ ở lớp dưới. Mặc dù điều kiện để tổ chức phụ đạo cho số HS kém rất khó khăn do trường chỉ có 12 phòng học đủ cho 24 lớp nên việc “nâng kém” được giao cho giáo viên bộ môn dạy HS đó.
Một giáo viên cho biết: “Dạy một HS trung bình theo đúng chương trình đã khó. Kèm một HS kém đã bị “mất gốc” từ tiểu học, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để có thể vừa phụ đạo chương trình cũ, vừa dạy chương trình đang học ở cấp 2. Hơn nữa, những HS học kém thường không chịu học nên rất khó “nâng kém”. Do đó, “khoán” cho giáo viên kèm HS kém hay tổ chức phụ đạo thành lớp đều cần rất nhiều thời gian. Thế nhưng, đến cuối HK I, 22 HS “ngồi nhầm lớp” ở Trường THCS Trần Hưng Đạo chỉ còn 1 HS. Bà Cẩm Tuy cho biết: “Số HS “ngồi nhầm lớp” có tiến bộ nhưng chưa rõ ràng. Tuy nhiên, theo quy chế xếp loại, có môn này, môn kia kéo qua, kéo lại nên trường chỉ còn 1 HS trong diện “ngồi nhầm lớp”, 15 HS vươn lên loại “yếu”, 6 HS được xếp loại trung bình…”.
Ranh giới giữa việc đánh giá một HS xếp loại học lực kém và HS yếu, trung bình còn rất mong manh. Do đó, nếu không đủ biện pháp và quyết tâm thực hiện, căn “bệnh thành tích” sẽ khó bị triệt phá tận gốc một cách triệt để.
|