Từ mùng 6 tháng Giêng trở đi, đông đảo người lao động từ các vùng quê của Bình Định đổ ra bến xe, dọc quốc lộ 1A đón xe quay vào Nam, tiếp tục cuộc mưu sinh nơi “đất khách, quê người”…
|
Nhiều công nhân đang chờ đón xe tại ngã ba cầu Bà Gi để vào Nam cho kịp ngày làm việc (ảnh chụp mùng 4 Tét). Ảnh: N.P
|
* Rời quê...
Lâu nay TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… vẫn được xem là miền đất hứa cho những lao động là người Bình Định. Cách đây hơn 10 năm, ở Bình Định chưa có một KCN, CCN, kinh tế chưa phát triển như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những người không có việc làm thường xuôi Nam để tìm cơ may. Vậy là người đi trước kéo người đi sau, cứ thế tạo thành một làn sóng vào Nam tìm việc. Đến nay, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn có đến hàng vạn lao động Bình Định đã tìm được việc làm ở phương Nam.
Mới mùng 4 Tết hầu hết các bến xe, dọc các điểm đón xe trên quốc lộ 1A đã đông đảo người dân đón xe vào Nam để trở lại với công việc. Tại ngã ba cầu Bà Gi, chúng tôi gặp một tốp khoảng 25 người ở Tây Sơn đang chờ đón xe vào lại TP Hồ Chí Minh. Từ 9 giờ sáng cho đến gần 4 giờ chiều họ vẫn chưa đón được xe. Trò chuyện với họ, chúng tôi được biết tốp người này đa số là công nhân đang làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức-TP Hồ Chí Minh). Trước tết họ được xe của công ty đưa về quê, còn vào lại thì họ tự lo liệu miễn kịp ngày làm việc đầu tiên là mùng 6 Tết.
Chị Minh, 33 tuổi, ở xã Bình Nghi (Tây Sơn), có 10 năm làm công nhân lắp ráp điện tử cho một công ty liên doanh tại KCX Linh Trung, cho biết: “Tết đến không về quê thì nhớ nhà không chịu được, mà về quê rồi mỗi khi vào lại thì ngán nhất là cái cảnh phải chờ đợi đón xe. Xe thì ra, vào liên tục nhưng chờ từ sáng đến giờ không xe nào chịu dừng. Nếu có xe dừng thì chỉ còn lại 1-2 ghế xúp, chủ xe hô giá trên trời làm sao mà đi được”.
Mùng 8 tháng Giêng lượng người đổ ra đường đón xe vào Nam đông gấp nhiều lần so với những ngày trước. Tại ngã tư thị trấn Bình Định (An Nhơn), những lao động ở các xã lân cận cũng tụ tập về đây chờ đón xe vào Nam. Chị Hồ Thị Lý, ở xã Nhơn Khánh (An Nhơn), công nhân một cơ sở may gia công ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), nói: “Mỗi lần về quê đều phải mang theo bánh tráng, gạo vào để ăn. Khi nào hết thì gọi điện về nhà gửi vào, chứ tiền công may phụ thuộc vào hàng ít, hàng nhiều mà cái gì cũng phải bỏ tiền ra thì làm quanh năm cũng không dư đồng nào”.
Anh Trần Văn Thời, ở xã Nhơn Thọ (An Nhơn), làm công nhân nhựa tại Khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân-TP Hồ Chí Minh), tâm sự: “Sau 3 năm bươn chải xứ người, năm nay là lần đầu tiên tôi về quê ăn Tết cùng gia đình. Lúc mới vào làm, lương bổng chẳng bao nhiêu nên chi phí đi lại không đủ về quê ăn Tết. Năm nay, nhiều anh em ở Bình Định mới vào làm việc chỗ tôi không về ăn Tết, cũng vì thu nhập còn thấp, mà mỗi lần về thì tốn kém đủ thứ”.
Thông thường vào mùng 6 Tết các công ty, xí nghiệp đã bắt đầu sản xuất trở lại. Nhưng đối với những lao động ở xa thì được ưu tiên đến làm việc muộn hơn từ 4-5 ngày. Chính vì thế, họ có thời gian quây quần bên gia đình, bạn bè nhiều hơn.
* Vui, buồn làm việc xa nhà
Chị Phạm Thị Thắm, 24 tuổi, ở Phù Cát, làm việc tại Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Bình Dương) được 4 năm, hiện nay mức lương của Thắm dao động từ 1,6 - 2, 5 triệu đồng/tháng. Thắm bộc bạch: “Làm ở đây lương cao mà chế độ ưu đãi cũng khá. Thậm chí, công ty còn bố trí một dãy nhà trọ dành riêng cho những công nhân Bình Định chưa có nhà riêng như chúng tôi”.
Số công nhân vào làm việc lâu năm, giờ không ít người đã mua đất xây nhà ở quanh khu vực làm việc. Chị Nguyễn Thị Thường Nhã, 33 tuổi, ở xã Phước Lộc (Tuy Phước), làm việc ở Bình Dương đã được 13 năm tại Xưởng thếp vàng, Nhà máy Mộc-Mỹ nghệ 6, Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường (Bình Dương). Chị Nhã đã lập gia đình với một nam công nhân quê gốc Bình Dương cũng làm trong công ty nhưng khác phân xưởng. Sau mấy năm làm việc, vợ chồng chị cũng đã lận lưng ít vốn để mua đất xây nhà. Hoặc như anh Phạm Quốc Bảo, 33 tuổi, ở Phước Lộc (Tuy Phước) vào làm việc tại Bình Dương được 10 năm và anh đã lập gia đình với chị Trần Thị Lệ Quyên, ở Phước An (Tuy Phước) hai người đã có 1 đứa con gái 5 tuổi. Cả hai vợ chồng đều là công nhân Công ty TNHH Hoàng Gia Cát Tường, sau bao năm tích góp, vợ chồng anh cũng đã mua đất xây nhà ở đây. Anh Bảo cho biết: “Nơi nào sống được là mình định cư thôi”.
Bên cạnh những người lao động xa quê có cuộc sống ổn định, vẫn còn nhiều người hàng ngày phải bươn chải, vất vả để tích góp từng đồng gửi về gia đình. Công nhân Phạm Thị Hồng Luyến, 36 tuổi, ở xã Phước Quang (Tuy Phước), may gia công cho một công ty tại KCN Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh), cho hay: “Với mức lương trung bình 900.000đ/tháng, tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu tiền nhà trọ, tiền ăn và trích ra gửi về quê phụ giúp gia đình. Còn chuyện lập gia đình thì còn phải đợi thôi, vì đi làm công nhân xa nhà như tụi tui thì mấy ai nghĩ đến chuyện cưới xin. Nhiều lúc nhớ nhà, muốn về thăm cũng đâu phải dễ. Mà đã làm việc nơi xa xứ thì có đến cả ngàn cái khó khăn, kể không sao hết được…”.
Vậy nên những lao động Bình Định đang làm việc ở những nơi xa, phần đông đều mong muốn có một công việc làm ổn định, ngay tại quê nhà.
|