Trong dịp Tết Đinh Hợi, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) và số người chết do TNGT tăng đột biến trên địa bàn tỉnh. Trong 2 tháng đầu năm 2007 đã có 63 người chết vì TNGT.
Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 2 tháng đầu năm 2007 do UBND tỉnh tổ chức ngày 27-2, đã nghiêm túc tập trung mổ xẻ những khuyết điểm, xác định rõ nguyên nhân và thống nhất các biện pháp, quyết tâm cải thiện tình hình.
|
Ông Nguyễn Văn Thiện: Mọi người phải xăn tay áo làm ngay, làm có hiệu quả, không đợi có đủ điều kiện mới làm. Ảnh: N.D
|
* Thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm
Đại tá Nguyễn Trung Tâm, Phó giám đốc Công an tỉnh, đề nghị: “Có lẽ chúng ta không nên nói lại nhiều về tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh gia tăng cả 3 mặt trong thời gian qua; hoặc đổ lỗi cho những lý do khách quan, mà hãy thẳng thắn nhìn lại yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT của các cơ quan chức năng và của các địa phương…”.
Trong dịp Tết, lượng người tham gia giao thông trong tỉnh và các tỉnh lân cận đi qua địa bàn tăng cao, thêm vào đó là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông kém, nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng đã uống rượu bia; điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; cẩu thả, phóng nhanh, tranh đường, lạng lách, đánh võng, chở vượt số người quy định… là những lỗi phổ biến qua các vụ TNGT, mà năm nào cũng tái diễn.
Các ngành chức năng biết, các địa phương biết và toàn xã hội biết, nhưng để TNGT, số người chết do TNGT tăng, hoặc không giảm, trước hết đó là do lỗi chủ quan của những người có trách nhiệm. Hội nghị đã phân tích: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT của lực lượng công an đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu TNGT. Đối với vùng sâu, vùng xa nhân dân chưa hiểu biết nhiều về pháp luật giao thông, thậm chí ở đồng bằng và khu vực thành phố, ý thức về ATGT của người dân chưa cao, bởi họ không thấu hiểu pháp luật nên chưa có được ý thức tự giác chấp hành. Lực lượng tuần tra kiểm soát (TTKS) giao thông vừa thiếu người, vừa bố trí lực lượng chưa hợp lý nên nhiều tuyến, địa bàn còn bỏ trống. Những nơi thường xảy ra TNGT vào những giờ cao điểm không có CSGT thường xuyên làm nhiệm vụ.
* Xác định rõ nguyên nhân
Công tác đảm bảo ATGT, đầu tiên là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, nhưng nhiệm vụ này chưa được quan tâm đúng mức, chỉ đạo chưa đúng tầm về mọi mặt; chưa huy động hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ chỉ của riêng lực lượng công an, do vậy kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, công an không đủ lực lượng nên không thể liên tục TTKS trên đường. Đại tá Chế Trường, Giám đốc Công an tỉnh, đề nghị: “UBND tỉnh tăng cường biên chế sự nghiệp từ 60 đến 70 người thậm chí 100 người, giao cho cơ quan Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ cho họ để bổ sung vào lực lượng TTKS. Chúng ta lấy biên chế sự nghiệp chỉ thông qua HĐND, không phụ thuộc biên chế hành chính do Trung ương duyệt. Mặt khác, hiện nay trên các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh có quá nhiều đường giao cắt, quá nhiều điểm đấu nối, có điểm được các cơ quan chuyên môn xác định là “điểm đen” TNGT, cần trang bị hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, gờ cảnh báo đoạn đường nguy hiểm. Thế nhưng theo quan điểm lâu nay chúng ta chờ thu tiền phạt, rồi chi một phần mua sắm, trang bị là sai. Tôi đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch chi ngân sách trang bị các hệ thống ATGT, thậm chí các huyện, TP Quy Nhơn cũng phải chi ngân sách một phần cho việc trang bị này. Vài tỉ bạc để đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho mọi người khi tham gia giao thông là điều nên làm”.
|
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên QL1A ở địa bàn huyện Phù Cát. Ảnh: Văn Lưu
|
Một nguyên nhân quan trọng khác, đó là ý thức chấp hành những quy định về ATGT của người dân còn yếu kém, nhiều người đối phó với lực lượng TTKS, thậm chí còn chống đối, bao che, hùa cùng với người vi phạm ATGT gây cản trở, chống lại người thi hành công vụ. Trong khi đó, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác đảm bảo TTATGT còn nhiều bất cập so với nhiệm vụ được giao. Cụ thể là máy đo tốc độ xe, máy thử nồng độ cồn phục vụ xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm có trang bị nhưng sử dụng không hiệu quả, như: máy đo tốc độ xe dùng cho ban đêm (Bộ Công an trang bị) quá cồng kềnh, khó thao tác, phải có đến 7 người mới hoạt động được!
Rồi quy định xử phạt hành chính đối với các đối tượng vi phạm TTATGT của Chính phủ và Bộ Công an hiện đã không phù hợp. Ví dụ xe khách chở từ 60 người trở lên chỉ bị phạt hành chính tối đa là 750 ngàn đồng, vi phạm dưới 60 người chỉ phạt khoảng 400 ngàn đồng đối với chủ xe là không đủ sức răn đe. Những quy định về tạm giữ phương tiện giao thông còn bất hợp lý, như không đội mũ bảo hiểm thì bị phạt tiền và tạm giữ xe; trong khi các lỗi nguy hiểm hơn như lạng lách, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ… thì chỉ bị phạt tiền, không tạm giữ phương tiện.
Một nguyên nhân nữa là trách nhiệm của một số lãnh đạo, chỉ huy TTKS chưa kiên quyết chỉ đạo xử lý các vi phạm về TTATGT.
* “Xăn tay áo” làm ngay
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện yêu cầu lãnh đạo các ngành: Công an, giao thông vận tải; các sở, ngành liên quan, các Chủ tịch UBND huyện, TP Quy Nhơn nghiêm chỉnh thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 27-2 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm điểm rút kinh nghiệm những yếu kém để số vụ và số người chết do TNGT tăng trong thời gian qua, tăng cường công tác tuyên truyền, đề ra các giải pháp kiên quyết nhằm kiềm chế TNGT trên địa bàn tỉnh. Xem công tác đảm bảo TTATGT là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị ở địa phương, mọi người phải “xăn tay áo” làm ngay, làm có hiệu quả, không đợi có đủ điều kiện mới làm.
|