Xây đời từ chiếc bánh chưng
10:37', 2/3/ 2007 (GMT+7)

Lây lất, không mảnh đất cắm dùi, vợ chồng họ đã tạo lập được một cơ ngơi “hoành tráng”. Nhiều người bảo rằng họ trúng số độc đắc nhưng không phải vậy, chính những chiếc bánh chưng đã vực dậy cuộc đời họ...

 

Cứ thế mỗi dịp rằm, anh chị phải thuê thêm hàng chục người làm thì mới đủ phục vụ cho khách.

 

* Dìu nhau qua bóng nợ nần

Anh Lương Văn Dưỡng ở tổ 42, KV5, phường Quang Trung (TP. Quy Nhơn), phân bua: “Bà con đồn đại vợ chồng tôi trúng số độc đắc cũng có cái lý của họ. Bởi cách đây chưa lâu, họ đã từng chứng kiến cảnh “màn trời chiếu đất” của chúng tôi...”.

Sau giải phóng, anh Dưỡng tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1990, anh gặp chị Dương Thị Kim Thắng, yêu rồi lấy nhau ở Nông trường cao su An Viễn (Đồng Nai). Đến với nhau chưa được 1 năm, mẹ anh Dưỡng lâm bệnh nặng, vợ chồng phải dắt díu nhau về quê phụng dưỡng mẹ già. Căn bệnh nan y khiến mẹ anh nằm liệt giường suốt một năm trời, vợ chồng anh vay mượn khắp chốn để có tiền lo thuốc thang cho mẹ. Khi mẹ mất, tài sản còn lại duy nhất là căn nhà của cha mẹ để lại cũng đành bán đi để trang trải nợ nần.

Không chốn nương thân, không nghề nghiệp, lại đến thời điểm sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng anh phải lấy một gốc cây dương gần bờ biển Quy Nhơn (nằm trên đường An Dương Vương bây giờ) làm nơi trú ngụ. Vào một đêm cuối năm 1991, chị trở dạ và anh chị liều dắt nhau vào Quân y viện 13 (đối diện với “ngôi nhà gốc dương”). Dù không có điều kiện để thực hiện một thủ tục nhập viện nào nhưng các y, bác sĩ của đã giúp chị “vượt cạn” an toàn. Chỉ một ngày sau, chị âm thầm ẵm đứa con còn “đỏ hỏn” quay trở lại “ngôi nhà gốc dương” vì sợ bệnh viện “đòi” tiền viện phí. Anh Dưỡng đã lén che một cái chòi bằng cót ép dưới lùm dương che nắng che mưa cho mẹ con. Và để giải quyết cuộc sống hằng ngày, từ sáng sớm, anh đã đến các lò nhận bánh chưng đi bán, khi nắng lên thì đi bán kem…”.

Nhưng “ngôi nhà” của anh cũng chỉ tồn tại không bao lâu. Ngay sau đó, để quang quẻ những con đường chuẩn bị cho người dân phố biển đón Tết, nó đã bị giải tỏa. May nhờ một bạn hàng bánh chưng cho anh chị tá túc trong nhà của mình để làm ăn nuôi con. Khi đã được “an cư”, anh Dưỡng liền nghĩ ngay đến chuyện học nghề làm bánh chưng để kiếm thêm thu nhập. Từ đó, mỗi ngày đến lò nhận bánh chưng đi bán đồng thời lần dò học hỏi kỹ thuật làm bánh để về “dạy” lại vợ, và đó là những “viên gạch” đầu tiên anh chị đặt nền móng xây dựng cuộc sống mới cho gia đình mình.

* Tinh nghệ vinh thân

Để “cạnh tranh” được trong “thị trường” bánh chưng đầy mới mẻ này, vợ chồng anh Dưỡng không dừng lại ở những kỹ thuật cơ bản mà luôn tìm tòi học hỏi những bí quyết để bánh làm ra được ngon hơn, hấp dẫn hơn người tiêu dùng. Anh Dưỡng cho biết: Lúc còn nhận bánh chưng của các lò đi bán tôi thường nghe bạn hàng phàn nàn “lá nhiều hơn bánh”, bánh không để được lâu. Khi mở lò riêng, anh chị lấy việc khắc phục những nhược điểm ấy làm tiêu chí phấn đấu cho sản phẩm của mình. Chị kể: “Tôi lân la về các vùng quê, tìm gặp các cụ bà để học những cách làm bánh truyền thống sao cho bánh ngon, đẹp mà không cần phải dùng tới một phụ liệu nào. Các cụ đã dạy tôi cách làm bánh xanh, đẹp bằng việc chọn đúng lá chuối chát; nếp và đậu xanh phải được gút thật sạch; phải để đậu xanh thật nguội trước khi gói. Khi nấu bánh không được tiếc củi, phải chụm “già lửa” và dưới đáy thùng phải lót thêm một miếng thiếc để lửa không ảnh hưởng trực tiếp đến bánh mà sẽ làm tăng thêm màu xanh cho bánh. Chu kỳ nấu phải đúng 16 giờ thì bánh mới chín đều và sẽ để được lâu. Nấu được một nửa thời gian, bánh phải được vớt ra, thay nước, ngâm nguội sau đó cho vào nấu lần thứ hai. Cách nấu như vậy tốn công nhưng bánh ra lò thì không chê vào đâu được!”.

Nhờ cách làm ăn “chắc thiệt” như thế nên chỉ một năm sau thì tên tuổi của anh chị trở thành “thương hiệu” cho bánh chưng của mình. Mỗi ngày anh chị nấu đến 150 chiếc bánh nhưng anh chỉ đạp xe đạp bán lòng vòng trong khu vực là hết sạch. Để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm, anh chị còn biết tìm được cho mình bạn hàng số đông, tiêu thụ đều. Vợ chồng anh đã tìm đến các cơ sở sản xuất trong vùng để bán phục vụ ăn sáng cho công nhân. Nhiều người thấy bánh ngon đã mua thêm để dành ăn thay bữa trưa. Sau mỗi buổi bán bánh, để khỏi “phí” những chiếc giỏ trống trên chặng đường về, vợ chồng anh còn rao mua phế liệu. Bằng công việc “khép kín” như vậy, mỗi ngày vợ chồng anh Dưỡng kiếm được một khoản thu nhập không nhỏ: 200.000 đồng!

Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ trong khu vực đã tìm đến đặt anh chị làm bánh tét trong những dịp rằm mỗi tháng. Cứ thế mỗi dịp rằm, anh chị phải thuê thêm hàng chục người làm thì mới đủ phục vụ cho khách. Dịp Tết Nguyên đán, nhà chị luôn có 5 thùng nấu bánh đỏ lửa. Chỉ làm từ ngày 25 đến ngày 28 tháng Chạp, cơ sở của anh chị nấu được đến 1.500 đòn bánh tét để cung cấp cho người dân thành phố ăn Tết và kiếm được từ 5-7 triệu đồng.

15 năm cần mẫn, chắt chiu, từ là một gia đình “vô gia cư” giờ anh chị đã có một cơ ngơi khang trang nằm trên khoảnh đất rộng đến 320m2. Đứa con được sinh ra dưới gốc dương đêm nào giờ đã trở thành một thanh niên cường tráng, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự và hiện đang làm nghề vệ sĩ. Những đứa con sau này đều được đến trường.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định được phân bổ 2.200 viên thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn  (02/03/2007)
Trường ĐH Quang Trung mở thêm 4 ngành học mới  (02/03/2007)
Nhiều hoạt động mừng ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng  (02/03/2007)
Triển khai công tác bầu cử Quốc hội khóa XII  (02/03/2007)
Hỗ trợ xây dựng trường học và cấp học bổng cho HS nghèo  (01/03/2007)
Phải “xăn tay áo” làm ngay, làm có hiệu quả  (01/03/2007)
21 đơn vị được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia về y tế xã năm 2006  (01/03/2007)
Các doanh nghiệp ở KCN Phú Tài và Long Mỹ thiếu lao động  (01/03/2007)
Kỷ niệm 48 năm ngày thành lập lực lượng bộ đội biên phòng  (01/03/2007)
Lao động xa quê  (28/02/2007)
Đẩy mạnh chống tiêu cực, nâng cao y đức!  (27/02/2007)
Chất lượng giáo dục đã gần với thực chất hơn  (27/02/2007)
Đài PTTH Bình Định: Phát sóng thêm chuyên mục mới  (27/02/2007)
Mổ thành công u não cho cháu bé 4 tuổi  (27/02/2007)
1.644 sinh viên bước vào đợt thực tập sư phạm cuối khóa  (27/02/2007)