|
Ông Nguyễn Ngọc Trợ triển khai kế hoạch công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Ảnh: Q.K |
Nghị quyết số 1077/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29-1-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ấn định ngày Chủ nhật 20-5-2007 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Tại tỉnh Bình Định, Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đã được tổ chức quán triệt cho các sở, ngành liên quan và lãnh đạo HĐND, UBND và Ủy ban MTTQVN cấp huyện vào ngày 1-3 vừa qua. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Trợ, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh xung quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này?
- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này là sự kiện chính trị lớn có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, được tổ chức vào thời điểm cả nước đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, phấn đấu giành những thành tựu mới trong phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng và đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế. Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đang đặt ra các yêu cầu mới cao hơn đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chính vì ý nghĩa đó mà Chỉ thị 02/2007/CT-TTg đã xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này là một trong những công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2007.
* Tỉnh Bình Định đã làm những gì để chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII ?
- Ngày 12-2, Thường trực HĐND đã ra Nghị quyết thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII (UBBC) có 11 thành viên, gồm đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và đại diện một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Chủ tịch UBBC là ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch là: ông Nguyễn Văn Thiện, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Trợ, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trương Đình Tân, TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh. Đến ngày 24-2, Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Bình Định sẽ bầu 8 đại biểu trong đó có 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương (3 đại biểu do Trung ương giới thiệu). Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất cao cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu ứng cử Quốc hội do Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh giới thiệu.
* Còn việc thành lập Ban bầu cử và Tổ bầu cử được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Dự kiến ở tỉnh Bình Định sẽ thành lập 3 đơn vị bầu cử, phân bổ số đại biểu Quốc hội được bầu theo từng đơn vị. Sau khi thống nhất với UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử từ 9-15 người, gồm trưởng ban, các phó trưởng ban, thư ký và các ủy viên là đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN, một số cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương. Theo luật định, Ban bầu cử phải được thành lập trước ngày bầu cử 60 ngày. Như vậy trước ngày 21-3, các Ban bầu cử phải được thành lập. Đối với Tổ bầu cử cũng như vậy, Thường trực HĐND xã, phường, thị trấn sau khi thống nhất với UBND, Ủy ban MTTQVN cùng cấp sẽ quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một tổ bầu cử từ 5-11 người. Thời hạn thành lập tổ bầu cử chậm nhất là ngày 20-4, nghĩa là trước ngày bầu cử một tháng.
* Còn việc lập và niêm yết danh sách cử tri?
- Danh sách cử tri do UBND xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu. Đối với các đơn vị VTND danh sách cử tri do chỉ huy đơn vị lập. Danh sách phải được niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và những nơi công cộng ở khu vực bỏ phiếu, chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử.
* Trong trường hợp người ứng cử bị khiếu nại, tố cáo sẽ được giải quyết như thế nào?
- Sẽ được giải quyết theo luật định. Nghĩa là trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử, công dân có quyền khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử. Các cấp này sẽ giải quyết theo thẩm quyền. Quyết định của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng.
* Xin cảm ơn ông!
|