Sau Tết, nhiều doanh nghiệp (DN) ở các KCN, cụm TTCN nằm trong tình trạng thiếu công nhân sản xuất do nhiều DN mở rộng sản xuất, nhiều DN mới hình thành trong khi nhiều công nhân chuyển nghề hoặc xuôi vào Nam tìm việc khác…
|
Băng rôn thông báo tuyển công nhân của Công ty TNHH Đại Thành.
|
* Thiếu công nhân chế biến gỗ
Mặc dù sau Tết là thời điểm cuối mùa vụ sản xuất nhưng các DN chế biến gỗ xuất khẩu ở KCN Phú Tài và Long Mỹ phải sớm hoàn thành các sản phẩm để giao cho khách hàng. Sau nghỉ Tết, công nhân đến làm việc tại các DN thưa thớt đã gây ảnh hưởng đến việc sản xuất. Nhiều công nhân sau nhiều năm làm việc, sức khỏe suy giảm do tăng ca, làm thêm giờ nhiều đã nghỉ việc hoặc tìm công việc mới phù hợp hơn…
Theo thống kê của Công đoàn các KCN Bình Định, sau Tết các DN mất từ 20-30% công nhân, có DN công nhân bỏ việc khá nhiều. Mặc dù, trước Tết, hầu hết các DN đã trả đủ tiền lương và tiền thưởng cho công nhân nhưng vẫn không níu chân được công nhân trở lại làm việc.
Trước cổng ra vào của nhiều DN ở KCN Phú Tài và Long Mỹ đều có treo tấm bảng thông báo tuyển công nhân từ ngay sau Tết. Do nhu cầu mở rộng nhà xưởng, Công ty TNHH Mỹ Tài rao tuyển thêm 100 công nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các công nhân đang làm việc tại công ty.
Còn Công ty TNHH Hòa Bình, rao tuyển đến 200 công nhân, nhưng thông báo hơn nửa tháng cũng chỉ có vài chục người đến xin việc. Công ty TNHH Đại Thành cũng tuyển 200 công nhân làm nguội và lắp ráp đồ gỗ…
Chị Trần Thị Lê, ở xã Phước Sơn (Tuy Phước), mới vừa được tuyển vào làm công nhân tại Công ty TNHH Tiến Đạt, tâm sự: “Trước Tết tôi là công nhân gỗ của một DN. Dù đã làm ở đây được 4 năm mà lương của tôi không được tăng, tiền thưởng Tết lại thấp nên phải bỏ nơi cũ mà tìm nơi mới. Không riêng gì tôi đâu, sau Tết rất nhiều công nhân khác bỏ đến làm việc ở những công ty có mức lương cao hơn, công việc làm ổn định hơn”.
Không chỉ ngành chế biến gỗ thiếu công nhân mà ngành dệt may cũng thiếu trầm trọng. So với công nhân làm gỗ thì công nhân may làm việc nhẹ nhàng hơn nhưng lương lại thấp. Chính vì thế, các DN may tuyển công nhân cũng không cần tay nghề, khi tuyển vào mới đào tạo. Ông Bùi Văn Nhạ, cán bộ phòng Tổ chức - Hành chính Công ty Cổ phần may Bình Định, cho biết: “Do mở rộng xưởng nên nhu cầu thực tế có thể lên đến 500 công nhân nhưng công ty chỉ cho rao 300 công nhân. Tuy nhiên dù đã thông báo tuyển dụng rộng rãi, nhưng đã hơn 15 ngày, công ty cũng chỉ mới tuyển được 100 công nhân”.
|
Các doanh nghiệp chế biến gỗ đang thiếu công nhân trầm trọng.
|
* Tìm cách níu chân công nhân
Lâu nay, phần lớn các DN ở Bình Định tuyển công nhân thông qua hợp đồng bằng “miệng” hay những hợp đồng thời vụ. Chính vì thế, giữa người lao động và các DN không có sự ràng buộc nào, nên người lao động muốn làm việc hay nghỉ làm là do họ quyết định.
Ông Hoàng Quyết Thắng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ các KCN Bình Định, cho biết: “Sau Tết, các ngành nghề thiếu hụt công nhân nhiều nhất là may mặc, chế biến hải sản, gỗ… Nguyên nhân lao động không trở lại làm việc, như lao động về quê ăn Tết ở lại địa phương, chế độ lương bổng thấp, chuyển đổi ngành nghề…, hiện nay đã xuất hiện nguyên nhân mới là nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc vào các tỉnh phía Nam tìm việc với mức lương cao hơn. Nhiều DN đang hoạt động tại KCN Phú Tài và Long Mỹ đã đến Trung tâm liên hệ để nhờ tuyển lao động, nhưng Trung tâm cũng chỉ tìm và cung ứng được 80 lao động cho các DN”. |
Để đối phó với tình trạng thiếu công nhân và ổn định việc sản xuất, một số DN đưa ra phương án, cho tăng ca 2, ca 3 để kịp giao hàng cho đối tác. Ông Trần Vĩnh Quốc, cán bộ giám sát Công ty TNHH Hòa Bình, cho biết: “Chờ một vài ngày nữa mà số công nhân cũ không đến làm việc hoặc tuyển mới không có thì phương án được đặt ra là tăng ca. Các khoản tăng lương, phụ cấp tăng ca sẽ được công ty quan tâm đúng mức hơn để công nhân yên tâm làm việc”.
Lường trước được tình trạng này, một số DN đã chủ động giữ chân công nhân bằng cách tạo việc làm ổn định cho công nhân. Ông Phan Gia Hiền, Phó phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH Tiến Đạt, cho hay: “Thông thường, mùa sản xuất gỗ bắt đầu từ tháng 6 năm trước kéo dài đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay là hết hàng, công ty sẽ nghỉ hè. Nhưng trong những năm gần đây, nhờ ký được hợp đồng những đơn hàng trái mùa, nên công ty giải quyết được công ăn việc làm gần như quanh năm cho công nhân. Vì thế, công việc ổn định, tiền công cũng nhích hơn so với một số DN khác nên công nhân không bỏ đi nơi khác”. Chị Hồng, nhân viên phòng Tổ chức - Hành chính Công ty TNHH Mỹ Tài, thổ lộ: “Để giữ chân công nhân, trước Tết đối với những công nhân ở xa, công ty đã bố trí xe đưa họ về quê ăn Tết, sau Tết xe của công ty cũng đã đến từng địa phương để đón vào làm việc”.
Trước tình trạng thiếu công nhân như hiện nay, một số DN không ngần ngại tuyển những lao động phổ thông chưa có tay nghề vào đào tạo để lấp vào chỗ thiếu hụt, ổn định sản xuất.
|