Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, ông Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn An Điềm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO và nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã trò chuyện về vai trò của người phụ nữ. Với họ, ngày 8-3, không chỉ là ngày nam giới tôn vinh phụ nữ mà còn hành động quyết liệt vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ.
* Hãy hành động vì quyền bình đẳng
|
Ông Phạm Văn Thanh |
Người phụ nữ của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Thanh hiện là giám đốc Công ty Cổ phần Giày An Phú. Công việc xã hội của vợ chồng ông hết sức bận rộn nên buổi chiều mới là lúc gia đình sum họp. Ông sẽ tặng vợ món quà gì trong ngày 8-3? Ông Thanh cười tươi: Thường là tặng hoa và làm một cuốc “xe ôm” đưa vợ đi dạo phố sau ngày làm việc! Thời gian dành cho xã hội nhiều hơn cho gia đình nhưng gia đình ông Thanh vẫn luôn êm ấm. Con cái ngoan, học hành chăm chỉ. Ông cho rằng, kết quả đó là công lao của cả vợ lẫn chồng nhưng vai trò của vợ rất quan trọng. “Hai bên đều phải cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện cho nhau để cùng nhau vượt qua những lúc khó khăn. Nếu không, sẽ rất khó chu toàn...”- ông Thanh tâm sự.
Về vai trò của người phụ nữ trong xã hội, ông Phạm Văn Thanh khẳng định: Sự nghiệp chung của đất nước rõ ràng không chỉ có 49% dân số là nam giới lo được. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, có những lúc phụ nữ đã nắm giữ vai trò lãnh tụ và lãnh đạo. Gần đây, cũng có rất nhiều phụ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Xã hội càng tiến lên, càng phát triển thì môi trường càng tạo điều kiện cho người phụ nữ khẳng định sự đóng góp to lớn của mình.
Nói về bình đẳng giới, ông cho rằng: Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh việc thực hiện bình đẳng giới ở mọi ngành, mọi cấp. Ở tỉnh, cũng đã quy định, các cơ quan hành chính sự nghiệp khi nhận người phải đảm bảo tỉ lệ 30% là nữ; trong cơ cấu cấp ủy, tỉ lệ này cũng phải đảm bảo 15%; phụ nữ tham gia lãnh đạo các cấp phải đạt 15%… Tuy nhiên, trên thực tế, các yêu cầu trên đều không đạt.
Công tác quy hoạch, đào tạo, tạo điều kiện và môi trường cho phụ nữ phấn đấu vươn lên chưa có nhiều. Do đó, khi đi vào thực thi, một số phụ nữ đã không đáp ứng được yêu cầu... “Tư duy, nhận thức… nói thì đơn giản như vậy, nhưng khi đi vào thực hiện là vô cùng khó khăn. Ngay cả bản thân phụ nữ cũng còn “níu áo lẫn nhau”… Phải có biện pháp mạnh trong vấn đề tiếp nhận, bố trí công việc, bầu bán… sao cho đảm bảo tỉ lệ nữ theo yêu cầu. Có như thế, thì cơ cấu nữ trong các cơ quan quyền lực mới được đảm bảo!”- Phó Bí thư Thường trực nhắc nhở.
|
Ngày 8-3, phụ nữ thể hiện sự khéo léo, tinh tế của mình qua Hội thi cắm hoa. Ảnh: Q.H
|
* Phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng người phụ nữ
|
Ông Nguyễn An Điềm |
Tổng Công ty PISICO có 21 đơn vị thành viên và 4 phòng ban, trong đó có 6 đơn vị và phòng ban có nữ tham gia bộ máy lãnh đạo, giữ các chức vụ: giám đốc, phó giám đốc xí nghiệp, trưởng, phó phòng ban. Còn tính toàn thể cán bộ, công nhân viên Tổng công ty thì nữ chiếm tỉ lệ xấp xỉ 50%. Nói về sự phân công lao động trong cơ quan mình, ông Nguyễn An Điềm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty PISICO khẳng định: “Chúng tôi phân công công việc không theo giới mà theo năng lực. Chỉ có trong chỉ đạo đi công tác hoặc phụ trách, làm việc tại những đơn vị đóng xa thành phố thì phân công nam giới nhiều hơn vì điều kiện của họ thuận lợi hơn nữ. Với những lao động phổ thông là nữ, khi lớn tuổi, năng suất lao động giảm do sức khỏe thì chúng tôi chuyển họ sang làm những việc nhẹ hơn, nghiêng về kỹ thuật”.
Trong quan niệm của ông Điềm, nam hay nữ, ai cũng có sở trường, sở đoản của mình nên có một số lĩnh vực, ngành nghề phụ nữ làm tốt hơn nam giới. Đó là những công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, cần cù, chi li như kế toán, công việc văn phòng.
Rồi ông tâm sự: “Ngoài xã hội, phụ nữ và nam giới có vai trò ngang nhau nhưng ở gia đình, lúc nào phụ nữ cũng giữ vai trò lớn hơn, quan trọng hơn nam giới, vì thế họ cũng khổ hơn. Một ông chồng chiều tan sở có thể “la cà” nhưng vợ anh thì xong việc là lo về nhà ngay vì còn việc nhà cửa, con cái đợi họ”.
Công việc của một tổng giám đốc khiến ông Điềm ít có thời gian dành cho gia đình và mọi việc từ không tên đến có tên ở nhà đều do một tay vợ ông đảm trách. Ông cười tự nhận: “Có lẽ vì vợ tôi đảm đang quá mà tôi bết việc nhà chăng?”.
Dù hết lời ca ngợi “nửa còn lại” của thế giới, nhưng ông Điềm cũng thẳng thắn góp ý: “Theo tôi, phụ nữ có một vài điểm yếu cần phải thay đổi. Ở cơ quan, chị em thường thiếu mạnh dạn trong việc đấu tranh, phê bình, góp ý nên nếu lãnh đạo không khéo léo gợi ý thì không chịu nói; rồi cứ đem chuyện này chuyện kia của người khác ra nói với nhau. Còn ở gia đình, nhiều chị em hay ghen bóng ghen gió, rồi từ đó nói nhiều khiến phản tác dụng. Mặt khác, họ cũng ít có biện pháp mạnh trong dạy dỗ con cái nên con thương mẹ mà không sợ mẹ”.
* Mỗi ngày... “sợ vợ” một lần
|
Ông Nguyễn Thanh Mừng |
Mùa xuân này, có một người đàn ông đã nổi tiếng về cái sự... sợ vợ. Đó là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Bài thơ “Sợ vợ” của anh đã làm “thót tim” nhiều người đàn ông sợ vợ và cả những người chưa sợ vợ. Anh tự nhận: Tôi sợ vợ thật! Sợ một cách nghiêm túc đấy! Rồi anh lý giải: ở quê mình, thời trước 1975, có một mô-típ “phụ nữ truyền thống” mà tất cả niềm vui, thành đạt của gia đình đều được “chuyển giao” cho chồng và những đứa con. Cả cuộc đời họ là sự tự nguyện chịu đựng, nhẫn nại. Đến giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa, tất cả những vấn đề đặt ra như bình đẳng giới, tạo điều kiện cho người phụ nữ hoàn chỉnh bản sắc cá nhân trước xã hội… đã được sự đồng tình của xã hội qua các chính sách, văn bản của Nhà nước, nhưng trước hết, những người đàn ông trong gia đình phải nhận thức và tạo điều kiện cho người phụ nữ của họ. Chẳng hạn, vì niềm say mê công việc, đôi lúc vợ phải đi sớm về muộn... về đến nhà, không đón nhận được nụ cười của chồng con, bản thân họ cũng áy náy mà động lực tiến lên cũng bị hạn chế đi.
Để có một nhà văn, nhà thơ Trần Thị Huyền Trang thành đạt, người đàn ông “sợ vợ” Nguyễn Thanh Mừng đã luôn phải “rửa bát, quét nhà”… đến nỗi, anh đã coi và mê việc nấu ăn như mê làm thơ. “Trước Tết, bà xã đi học cao học ở Hà Nội 3 tháng, ăn Tết xong lại tiếp tục đi học. Để vợ phấn đấu cũng đồng nghĩa với “việc nhà anh lo” nhưng mình luôn tự nguyện”- anh Mừng vui vẻ nói.
Trả lời câu hỏi có khi nào bị “lấn lướt” vì quá “sợ vợ” chăng, anh Mừng cho rằng: Trong con mắt của người đàn ông, người phụ nữ dù có thành đạt cao đến đâu, chức vụ lớn đến đâu thì “quyền lực” của họ vẫn là sự dịu dàng. Nói về vấn đề giải phóng phụ nữ, anh cho rằng: Ngày hôm nay, người phụ nữ cũng đã được xã hội tạo cho những lộ trình để đi đến bình đẳng. Thế nhưng, chỉ có nữ công chức, doanh nhân hay một số tầng lớp phụ nữ trung lưu được sự tác động của những chủ trương, chính sách, các thành tựu của tri thức văn minh nên được hưởng những thành quả của “giải phóng phụ nữ” nhiều hơn. Trong ngày 8-3, 20-10, họ được nhận những bó hoa từ những người đàn ông trong gia đình, cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, đa phần những người phụ nữ lao động, phụ nữ ở nông thôn, những vùng sâu, vùng xa… vẫn còn ảnh hưởng nặng nề tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, còn nhức nhối với nạn bạo hành gia đình… “Từ những đặc thù nghề nghiệp như báo chí, văn hóa, văn nghệ... nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục làm chuyển biến nhận thức của người đàn ông trong xã hội, đặc biệt là đàn ông trong giới lao động để họ tạo điều kiện cho vợ và con gái hay những thành viên phụ nữ khác trong gia đình cùng được hưởng thành quả của bình đẳng giới; ngày 8-3, các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể từ cơ sở nên dành một ngân quỹ nào đấy để tặng hoa cho những người phụ nữ chưa bao giờ được nhận hoa nhằm tạo chuyển biến đầu tiên từ nhận thức, để mọi người phụ nữ trong ngày phụ nữ đều có bông hoa trên tay. Các cấp hội phụ nữ phải tham mưu cho chính quyền, tổ chức những chương trình thiết thực, gây xúc động cho toàn xã hội về sự thiệt thòi của người phụ nữ bằng tấm gương của những người đàn ông hy sinh cho tình yêu, cho bình đẳng giới…”- anh Mừng hiến kế.
|