Xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia:
Còn nhiều cái khó
10:35', 13/3/ 2007 (GMT+7)

Nhiều năm qua, một số trường THPT trong tỉnh đã phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhưng đến nay cả tỉnh vẫn chưa có trường nào được công nhận. Không đạt được tiêu chí về tỷ lệ học sinh (HS) giỏi và thiếu phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn… là 2 nguyên nhân chính.

 

Để đạt được danh hiệu trường chuẩn quốc gia, các trường THPT cần nỗ lực hơn để nâng tỷ lệ HS đạt danh hiệu HS giỏi. Ảnh: Q.H

 

* Thách thức lớn

So với cấp THCS, lượng kiến thức từng môn học mà HS THPT cần nắm vững trong chương trình học nhiều hơn, mức độ tư duy vận dụng kiến thức đòi hỏi cao hơn do vậy tỉ lệ 3% HS giỏi rất khó đạt. Qua nhiều năm, chúng tôi nhận thấy, số trường THPT có tỷ lệ HS giỏi từ 3% trở lên chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số các trường THPT trong tỉnh (khoảng 5/48 trường) và đa số là trường công lập. Đã vậy, tỉ lệ này cũng không được giữ vững ở nhiều trường.

Đối với tiêu chuẩn “cơ sở vật chất và thiết bị”, đa số các trường THPT trong tỉnh có phòng thí nghiệm hoặc phòng học bộ môn nhưng phần lớn không đạt theo chuẩn quy định. Để đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện cho HS thực hành nhiều hơn, nhiều trường THPT đã bố trí lại phòng học, phòng làm việc để có được các phòng thí nghiệm. Các trường THPT được thành lập từ những năm 80 của thế kỷ trước đều có phòng thí nghiệm nhưng các thiết bị dùng cho thí nghiệm đều đã quá cũ. Qua trao đổi với hiệu trưởng các trường THPT có thành tích giảng dạy nhiều năm và ở ngưỡng gần đạt chuẩn như các trường: THPT số 1 Tuy Phước, THPT số 1 An Nhơn, THPT số 2 An Nhơn… thì đây là điều nan giải nhất, vì để đạt được tiêu chuẩn này, các trường cần một khoản kinh phí rất lớn, trong khi kinh phí của ngành rất hạn hẹp và sự đóng góp của phụ huynh thì có hạn.

* Giải pháp nào?

Trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, một trường THCS thường được nhận sự hỗ trợ từ nhiều nguồn hơn một trường THPT, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ từ huyện ủy, UBND huyện. Do phân cấp quản lý, trường THPT không có được sự hỗ trợ đó.

Để đạt được danh hiệu trường chuẩn quốc gia, các trường THPT cần nỗ lực hơn để nâng tỉ lệ HS đạt danh hiệu HS giỏi. Để làm được việc này, các trường cần đầu tư nghiên cứu khoa học giáo dục, thực hiện các đề tài sáng kiến, vận dụng các kinh nghiệm giáo dục của các trường có phong trào học tập tốt trong toàn quốc, của các trường khác trong tỉnh. Ban Giám hiệu các trường phải biết định hướng cho giáo viên đi sâu nghiên cứu những vấn đề thiết thực hơn với thực tế giảng dạy, học tập của trường mình. Cần đi sâu, nghiên cứu nhóm đối tượng HS được xếp loại học lực khá, giúp các em tự đánh giá năng lực, nhận biết các điểm mạnh, mặt yếu của mình để từ đó phấn đấu vươn lên đạt danh hiệu HS giỏi. Thực tế có không ít HS tích cực phát biểu xây dựng bài trên lớp, có thể trả lời được nhiều câu hỏi khó của thầy-cô, nhưng khi làm bài kiểm tra, làm bài thi học kỳ thì lại có nhiều sai sót, do vậy điểm số đạt được không cao. Cần tổ chức bồi dưỡng thêm cho đối tượng HS này hoặc tổ chức cho các em được học tập chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi bài vở lẫn nhau trong các nhóm học tập dưới sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của các giáo viên có kinh nghiệm trong trường.

Một trường THCS chỉ nhận HS ở một xã, còn trường THPT nhận HS từ 3 đến 5 xã. Nhưng không vì thế mà UBND các xã chỉ tập trung hỗ trợ kinh phí cho trường THCS trên địa bàn xã mình. Tất nhiên, khi hỗ trợ cho trường THPT, các xã có nhiều khó khăn vì cần có sự thống nhất của chính quyền nhiều xã, trong khi tiềm lực kinh tế của từng xã khác nhau. Do đó, cần phải có sự chỉ đạo của huyện ủy và UBND các huyện. Chúng tôi được biết, ở các tỉnh có nhiều trường THPT đạt chuẩn quốc gia, kinh phí dành cho xây dựng cơ sở vật chất để bảo đảm đạt chuẩn đều là kinh phí của chính quyền địa phương và phụ huynh tự nguyện đóng góp…

Chúng ta đều biết, kinh phí dành cho giáo dục còn hạn chế, nếu không đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục thì tỉnh Bình Định sẽ khó xây dựng được nhiều trường THPT chuẩn quốc gia.

  • Trần Văn Cơ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vẫn chưa có vacxin phòng bệnh thủy đậu  (13/03/2007)
Bình Định được bầu 8 đại biểu  (13/03/2007)
Đề xuất phân 4 vùng lương tối thiểu  (12/03/2007)
2 tỉ đồng ủng hộ Bình Định xây dựng Nhà tình thương  (12/03/2007)
Ngôi Sao Vàng Blog 2007 là một Blogger người Bình Định  (12/03/2007)
Báo Thanh Niên tổ chức chương trình “Tư vấn mùa thi 2007”  (12/03/2007)
Tưng bừng ngày hội giao quân  (12/03/2007)
30 học sinh Bình Định đoạt giải học sinh giỏi quốc gia  (12/03/2007)
Tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm  (11/03/2007)
Bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ  (11/03/2007)
Bình Định: Giao quân đợt 1 đạt 100% chỉ tiêu  (09/03/2007)
Nhơn Lý: Sống chung với rác  (09/03/2007)
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà chúc mừng Hội LHPN tỉnh  (09/03/2007)
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định thăm và làm việc tại tỉnh Champasak   (09/03/2007)
Giao lưu phụ nữ Việt - Lào  (08/03/2007)