Thời gian qua, tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) ở Bình Định vẫn thường xuyên xảy ra. Hầu hết các trường hợp TNLĐ đều rơi vào khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân quy mô nhỏ mà một trong những nguyên nhân chính là lơ là, bỏ bê công tác kiểm tra an toàn- vệ sinh lao động (AT-VSLĐ).
|
Vụ sập mê nhà xảy ra trên đường Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn), làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng. Ảnh: N.Phúc
|
* Những vụ tai nạn thương tâm
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2006, trên địa bàn Bình Định đã xảy ra 166 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 7 người, bị thương nặng 37 người, bị thương nhẹ 128 người, tăng 30 vụ so với năm 2005.
Lúc 16 giờ 45 phút, ngày 14-7-2006, tại số nhà 14 Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn), trong khi một nhóm thợ xây đang đổ mê thì bất ngờ mê nhà bị sập một phụ hồ chết tại chỗ do chấn thương gãy đốt sống cổ đứt tủy, chấn thương ngực gãy xẹp các cung sườn và một thợ xây bị chấn thương cột sống thắt lưng khá nặng. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, các đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, chủ thầu của công trình trên không đủ năng lực thi công dựng mê, không đảm bảo an toàn dẫn đến sai sót trong lắp dựng cốt pha, biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động bị các chủ thầu xem thường.
Một vụ TNLĐ chết người khác cũng liên quan đến lĩnh vực xây dựng xảy ra lúc 16 giờ 15 phút, ngày 26-6-2006 tại công trường xây dựng Trường tiểu học Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân đã làm một người chết do ngã từ trên cao xuống.
Ngày 21-1-2006, anh Lê Văn Chiến (SN 1985, ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là công nhân của Công ty TNHH Thành Đạt (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn), trong lúc làm vệ sinh máy thì dòng điện rò ra từ vỏ mô tơ điện 3 pha khiến anh bị điện giật chết tại chỗ.
Đầu năm 2007, cũng đã xảy ra một vụ TNLĐ dẫn đến chết người đáng tiếc. Lúc 4 giờ 45 phút, ngày 28-1-2007, tại khu vực máy xeo giấy thuộc xưởng giấy của Công ty TNHH Tân Bình (KCN Phú Tài), công nhân Nguyễn Xuân Hải (SN 1968, ở khu vực 6, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) trong lúc làm việc ca tối đã chui vào ngủ gần với băng tải sản xuất giấy nên bị máy kéo vào làm chết ngay tại chỗ.
* Đâu là nguyên nhân?
|
Làm việc trên giàn giáo cao như thế này nhưng cả chủ thầu thi công lẫn những thợ xây trong ảnh đều không sử dụng thiết bị bảo hộ an toàn lao động. Ảnh: Văn Lưu |
Theo ông Trần Minh Hồng, cán bộ Thanh tra của Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn. Người bị nạn vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; sử dụng thiết bị không đảm bảo an toàn; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; chưa huấn luyện an toàn lao động; không có phương tiện bảo vệ cá nhân…
Qua các đợt kiểm tra trong năm 2006 cho thấy, một số cơ sở sản xuất, DN chưa có mạng lưới an toàn- vệ sinh viên, người lao động chưa được huấn luyện về AT-VSLĐ, các quy trình vận hành máy chưa đầy đủ. Rất ít DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc ở những nơi độc hại.
Tại một số DN sản xuất trong KCN Phú Tài và những DN bên ngoài, nhiều thiết bị điện chưa được nối bảo vệ chạm điện vỏ; cầu dao điện bị mất nắp và ngay nơi thao tác đóng ngắt cầu dao đều có vật cản, sắp xếp nguyên liệu bán thành phẩm cao chưa có biện pháp chống ngã đỗ, một số vị trí giàn giáo trong xây dựng không đảm bảo… Việc xảy ra TNLĐ ngoài ý thức của người sử dụng lao động thì ý thức của bản thân người lao động cũng rất kém, không ít trường hợp tuy được trang bị thiết bị bảo hộ lao động nhưng người lao động không sử dụng.
* Kịp thời ngăn ngừa
Để giảm thiểu TNLĐ đến mức tối đa, đòi hỏi các cơ quan chức năng ngoài việc hướng dẫn DN thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ-PCCN, giáo dục NLĐ ý thức về quyền lợi và trách nhiệm bảo hộ lao động cho chính mình; phải có thêm những biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, áp dụng các chế tài theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng phải triển khai thường xuyên, liên tục để nhắc nhở người sử dụng lao động và người lao động; đừng chờ đến dịp hưởng ứng tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN thì chỉ đi kiểm tra 20-30 doanh nghiệp có lệ rồi đâu vẫn vào đấy.
Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động, trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ thiết bị an toàn cho người lao động, kể cả lao động thời vụ; tổ chức khảo sát hiện trường và lập phương án bảo đảm an toàn lao động đối với từng công trình, cơ sở sản xuất…
Theo báo cáo của Thanh tra lao động (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2006, cả nước đã xảy ra 5.881 vụ tai nạn lao động. Trong số này có 505 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 536 người thiệt mạng và 1.142 người bị thương nặng. Một số địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động gồm TP Hồ Chí Minh: 782 vụ (chiếm 13,3%); Quảng Ninh 253 vụ (chiếm 4,3%); Đồng Nai 872 vụ (chiếm 14,83%); Bình Dương 1.316 vụ (chiếm 22,38%); Hà Nội 152 vụ (chiếm 2,58%)… Những lĩnh vực sản xuất xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông chiếm 34,43%; khai thác than chiếm 12,7%; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,02%; cơ khí chế tạo chiếm 7,8%... | |