Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định tại các tỉnh Nam Lào: Attapư, Sekong và Champasak, ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã dành cho PV Báo Bình Định một cuộc phỏng vấn, về kết quả của chuyến đi và những công việc cần triển khai tiếp theo.
P.V: Trước hết, xin ông đánh giá một cách khái quát tình hình triển khai hợp tác giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Lào trong thời gian gần đây?
Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN XUÂN DƯƠNG: Thời gian qua, để tiếp tục thực hiện chủ trương về đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào; cũng như để thực hiện các chủ trương, cam kết trước đây giữa lãnh đạo hai tỉnh Bình Định và Champasak và những năm gần đây với các tỉnh Attapư, Sekong và Salavan, Bình Định đã tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh Nam Lào thông qua các thỏa thuận hợp tác. Việc thực hiện các thỏa thuận đó, nhìn chung, đã có những bước chuyển quan trọng.
|
Nhiều nội dung hợp tác quan trọng trong thời gian tới đã được ký kết trong chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định tại các tỉnh Nam Lào.
- Trong ảnh: Lễ ký biên bản làm việc giữa đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định với đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sekong. Ảnh: V.T |
Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh Bình Định đã giúp các tỉnh bạn trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, hỗ trợ học bổng cho 26 sinh viên nghèo đang theo học tại Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Quy Nhơn đã hỗ trợ đào tạo tiếng Việt, đào tạo đại học và trên đại học cho 268 lưu học sinh Lào. Ngoài ra, Bình Định còn giúp bạn tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế. Việc hợp tác trên lĩnh vực này, nhìn chung đã được triển khai tốt. Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, Bình Định đã giúp bạn trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và cử cán bộ kỹ thuật giỏi để xây dựng các mô hình sản xuất cho năng suất cao. Có những mô hình đạt năng suất khá cao như lúa đạt 5,6 tấn/ha, ngô đạt 4,6 tấn/ha, lạc đạt 4,5 tấn/ha và được bạn đánh giá cao. Điển hình trên lĩnh vực này là sự ra đời của Công ty Dược phẩm Hữu nghị Champasak - Bình Định (CBF Pharma Co., Ltd), một liên doanh giữa Công ty Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định với Champasak. Sự ra đời liên doanh này đã góp phần xây dựng ngành công nghiệp dược phẩm của Lào. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã chiếm 30% thị phần thuốc thiết yếu trên toàn nước Lào, cạnh tranh được với các mặt hàng của Thái Lan; trong đó, riêng mặt hàng dịch truyền đã thay thế 100% hàng ngoại nhập.
Đặc biệt, CBF còn chuyển giao và đào tạo được một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân là người Lào. Hiện nay, số chuyên gia là người Việt Nam đang làm việc tại Công ty chỉ còn 5 người. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật này đã làm ăn rất hiệu quả, công ty phát triển vững vàng với mức tăng trưởng bình quân trong 12 năm qua đạt khoảng 25%/năm. Liên doanh này không chỉ được tỉnh bạn Champasak mà cả Chính phủ Lào đánh giá là hình mẫu trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào. Đặc biệt, cũng trên lĩnh vực này, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp Bình Định đã bắt đầu đầu tư trồng cây công nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu. Trong đó, Công ty Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định và Tổng Công ty Sản xuất - Đầu tư và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Bình Định đã trồng cao su, mì, cà phê… tại Thà Tèng (tỉnh Sekong) và huyện Paksong (tỉnh Champasak).
Ngoài ra, Bình Định còn triển khai hợp tác với các tỉnh Nam Lào trên một số lĩnh vực khác như đã hình thành được tuyến xe khách Quy Nhơn đi Pakse chạy 4 chuyến/tuần và Quy Nhơn đi Viêng Chăn chạy một chuyến/tuần, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế và việc đi lại của nhân dân Bình Định và các tỉnh Nam Lào…
Hàng năm, lãnh đạo tỉnh Bình Định và các ngành, cùng lãnh đạo và các ngành của các tỉnh Nam Lào thường xuyên duy trì các chuyến thăm và làm việc để đánh giá kết quả quá trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và bàn phương hướng hợp tác mới.
Nhìn chung, việc thực hiện hợp tác với các tỉnh Nam Lào của Bình Định đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh bạn, được xem là một trong những mô hình hợp tác, đầu tư giữa các địa phương của hai nước.
Tuy nhiên, việc hợp tác thời gian qua mới triển khai chủ yếu trên một số lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế. Việc hợp tác chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng nhu cầu và tiềm năng của cả hai bên. Hợp tác đầu tư về kinh tế vẫn còn hạn chế. Các ngành của tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Lào chưa tích cực phối hợp, bàn các biện pháp tích cực nhất để triển khai các thỏa thuận hợp tác có hiệu quả. Trên những lĩnh vực như thương mại, du lịch, việc triển khai còn chậm. Qua chuyến đi này, hẳn ông cũng thấy, là hàng hóa Bình Định hoàn toàn có thể đưa sang các tỉnh Nam Lào và cạnh tranh được với một số mặt hàng của Thái Lan; vậy nhưng, trên thực tế, lại chưa có doanh nghiệp nào xắn tay vào làm. Nói chung, ở cả hai bên, tính tích cực, chủ động trong việc triển khai quan hệ hợp tác còn chậm.
* Vậy qua chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định tại các tỉnh Nam Lào, chúng ta đã gặt hái được những kết quả gì, thưa ông ?
- Trong chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định với các tỉnh Nam Lào, trước hết, bạn hoan nghênh và đánh giá cao những ủng hộ mà tỉnh Bình Định dành cho bạn, nhất là trên các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Một vấn đề lớn nữa là cả Bình Định và các tỉnh Nam Lào đều nhận thức được tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh hợp tác, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định với các tỉnh Nam Lào. Cả hai bên đều thể hiện quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Cần nói thêm là những năm gần đây, các tỉnh Nam Lào đã có bước khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và là một trong những khu vực sôi động trong thu hút đầu tư nước ngoài của nước bạn Lào. Ngay các tỉnh bạn cũng không đơn thuần đề nghị Bình Định hỗ trợ, mà thực sự muốn hợp tác và quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác để cùng phát triển.
Các nội dung hợp tác sẽ triển khai trong thời gian tới đã được bàn thảo một cách cụ thể và toàn diện hơn. Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà cả trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội, thể dục - thể thao. Trong kinh tế, không chỉ hỗ trợ một chiều về giống cây trồng, vật nuôi, mà cả trên các lĩnh vực như thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, đầu tư thủy điện, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Bạn cũng rất mong muốn các doanh nghiệp Bình Định đầu tư ở Nam Lào, trong đầu tư, phải gắn sản xuất với chế biến. Các tỉnh bạn đều hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Bình Định; thậm chí, có tỉnh còn khẳng định sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp Bình Định. Bạn cũng bày tỏ mong muốn có sự hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa lãnh đạo hai tỉnh, giữa các ngành một cách định kỳ.
|
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương (người thứ hai, trái qua) đi thăm khu vực trồng cao su của Công ty TNHH kinh doanh công - nông nghiệp Bình Định tại huyện Thà Tèng (tỉnh Sekong). Ảnh: V.T |
Có một điểm mà qua hội đàm giữa đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định với đoàn đại biểu cấp các tỉnh Nam Lào, cũng như qua các trao đổi, gặp gỡ, hai bên đã đi đến thống nhất cao là với những vấn đề gì mà việc hợp tác sẽ có hiệu quả, làm được ngay, thì đưa vào ký kết hợp tác. Một khi đã ký kết thì triển khai thực hiện ngay và khi đã triển khai thì phải có hiệu quả. Các tỉnh bạn cũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo hợp tác của tỉnh mình với Bình Định nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác, để nhanh chóng hiện thực hóa những nội dung đã ký kết.
* Như ông đã khẳng định, điều quan trọng là phải nhanh chóng hiện thực hóa các nội dung đã ký kết hợp tác. Vậy về phía Bình Định, chúng ta sẽ làm gì để triển khai sớm các nội dung đã ký kết, thưa ông?
- Sắp tới đây, tỉnh sẽ có quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo về hợp tác giữa Bình Định với các tỉnh Nam Lào, do ông Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban, các ngành liên quan tham gia làm thành viên. Lãnh đạo tỉnh cùng với Ban chỉ đạo sẽ thông báo những nội dung đã ký kết, thỏa thuận với các ngành, các doanh nghiệp và cùng bàn các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện sớm. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ cử các ngành, các doanh nghiệp trực tiếp sang làm việc với các ngành, các doanh nghiệp của bạn và đi đến những thỏa thuận nhằm triển khai từng vấn đề một trong những nội dung đã ký kết.
Hiện nay, các tỉnh Nam Lào đang có sự chuyển biến mạnh và sắp tới, sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, thị trường sẽ mở rộng. Trước và sau thời gian đoàn đại biểu cấp cao của Bình Định sang thăm và làm việc tại các tỉnh Nam Lào, cũng có nhiều đoàn từ các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Phước… đến tìm cơ hội hợp tác và đầu tư tại Nam Lào. Do vậy, nếu không thực hiện sớm, chúng ta sẽ lỡ chân và việc ký các thỏa thuận hợp tác sẽ chỉ còn là hình thức.
* Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy!
|