Tình trạng một số chủng vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh là điều ít xảy ra. Thế nhưng, tại BVĐK tỉnh đã xảy ra một số trường hợp bệnh nhân chỉ có một loại kháng sinh duy nhất là còn tác dụng. Vấn nạn xảy ra do việc quá lạm dụng thuốc kháng sinh liều cao trong điều trị.
|
Hầu hết các thầy thuốc ngoại khoa ở tỉnh Bình Định đều dùng kháng sinh liều cao, phối hợp ngay từ đầu cho bệnh nhân sau phẫu thuật, dù đó là phẫu thuật vô khuẩn. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật chấn thương sọ não tại khoa Ngoại - TKCS, Bệnh viện ĐK tỉnh. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Do tâm lý của thầy thuốc
Hầu hết các thầy thuốc ngoại khoa ở tỉnh Bình Định đều dùng kháng sinh liều cao, phối hợp ngay từ đầu cho bệnh nhân sau phẫu thuật, dù đó là phẫu thuật vô khuẩn. Bởi vì họ sợ vết mổ do mình thực hiện bị nhiễm trùng, vừa mất uy tín cá nhân, đôi khi nguy hiểm cho người bệnh. Qua khảo sát nhiều bệnh án nhập viện phẫu thuật, chúng tôi thấy rằng 100% bệnh nhân đều được dùng thuốc kháng sinh phối hợp dạng tiêm và uống; trên 80% bệnh nhân được dùng loại kháng sinh mạnh, phổ rộng, liều cao đắt tiền ngay từ đầu.
Hầu hết các bệnh nhân điều trị dài ngày tại các bệnh viện đều được thầy thuốc cho sử dụng từ 3-5 loại kháng sinh. Khảo sát đơn thuốc tại một số phòng khám ngoại trú ở bệnh viện công và phòng khám y tế tư nhân, việc sử dụng thuốc kháng sinh cho người bệnh trong các bệnh có triệu chứng sốt, nhiễm siêu vi, viêm họng chiếm tỷ lệ gần 100%. Việc chỉ định dùng thuốc kháng sinh phổ mạnh, liều cao đắt tiền bằng đường uống là phổ biến cho hầu hết bệnh nhân là trẻ em, người già trong các bệnh được chẩn đoán là viêm xoang, viêm mũi... Đó là chưa kể tình trạng các nhà thuốc tự ý bán thuốc kháng sinh cho người bệnh không qua đơn của bác sĩ. Lạm dụng thuốc kháng sinh như vậy không thể tránh khỏi hậu quả nhờn thuốc của vi khuẩn bởi vi khuẩn sống sót sau những đợt điều trị bằng kháng sinh mạnh sẽ sản sinh ra càng nhiều chủng loại khó điều trị bằng thuốc kháng sinh thông thường.
Theo Danh mục thuốc của Bộ Y tế, tại các bệnh viện ở tỉnh Bình Định được sử dụng trên 80 loại thuốc kháng sinh của khoảng 11 nhóm đa số là kháng sinh mạnh, đắt tiền (do các hãng dược phẩm nước ngoài sản xuất. Thuốc kháng sinh Tienam do hãng dược phẩm Merck của Mỹ sản xuất với giá gần 380.000 đ/lọ) là loại thuốc đắt tiền nhất trong số các loại thuốc kháng sinh đang có mặt tại Việt Nam, được Bộ Y tế quy định là loại thuốc chủ lực, dự trữ, chỉ sử dụng ở các bệnh viện tuyến trung ương khi thật cần thiết để cứu tính mạng người bệnh thì ở BVĐK tỉnh các thầy thuốc đã cho sử dụng từ 3 năm nay. Mỗi đợt điều trị thường kéo dài trên 10 ngày, nếu sử dụng cho người bệnh, liều mỗi ngày 4 lọ, chi phí sẽ lên trên chục triệu đồng…
* Kháng sinh không phải là công cụ duy nhất
Khống chế nhiễm trùng bệnh viện bằng các phương pháp vô khuẩn thông thường và hiện đại, hạn chế dùng thuốc kháng sinh là phương pháp tối ưu nhất đang áp dụng ở hầu hết các bệnh viện hiện đại trong và ngoài nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tim, Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện tư nhân khác chỉ sử dụng kháng sinh dạng viên uống sau các phẫu thuật vô khuẩn. Kháng sinh mạnh, đắt tiền chỉ được sử dụng khi thật cần thiết.
Vừa qua, Hội Amphore (một tổ chức từ thiện nhân đạo của Pháp) cử một số thầy thuốc người Pháp sang giúp BVĐK thành phố Quy Nhơn và họ cho rằng, chúng ta quá lạm dụng thuốc kháng sinh, nhất là các bệnh về tai mũi họng. Trong khi ở Pháp, thuốc Ampicilin, Amoxilin và Cephalexin là kháng sinh quan trọng, khi cần mới dùng thì ở Bình Định Ampicilin, Amoxilin đang bị các thầy thuốc chê, không muốn sử dụng nữa. Việc hạn chế dùng thuốc kháng sinh là một quy định bắt buộc tại Pháp, không những tiết kiệm chi phí, mà còn là biện pháp bảo vệ sức khỏe lâu dài cho cộng đồng. |
Theo chúng tôi được biết, hiện nay nhiều bệnh viện đã thành lập khoa chống nhiễm khuẩn. Khoa này có nhiệm vụ nghiên cứu giúp cho ban giám đốc và các thầy thuốc thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, tiệt trùng vô khuẩn tại bệnh viện. Chỉ cần làm tốt việc chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, chúng ta đã tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn cho người bệnh và quỹ BHYT. Thống kê tại tỉnh Bình Định cho thấy, chi phí cho việc sử dụng thuốc kháng sinh tại BVĐK tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bệnh viện huyện, thành phố. Cũng là trường hợp mổ ruột thừa viêm, mổ đẻ… nhưng chi phí dùng thuốc kháng sinh tại tuyến huyện, thành phố thấp hơn nhiều so với tuyến tỉnh. Ở bệnh viện các huyện trung du, miền núi thì chi phí dùng kháng sinh càng thấp.
* Cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh
Đã đến lúc, ngành y tế cần nghiên cứu ban hành các quy định về sử dụng thuốc kháng sinh, nhất là trong lĩnh vực y tế tư nhân, nhằm giám sát chặt chẽ việc lạm dụng kháng sinh không cần thiết. Kiểm tra xử phạt hành chính những nhà thuốc bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không có đơn của bác sĩ theo như quy định. Trong các bệnh viện, cần có các quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc kháng sinh ở khu vực ngoại trú cũng như nội trú. Sau các phẫu thuật vô khuẩn như mổ nội soi, mổ đẻ, mổ cắt dạ dày, mổ các khối u… tuyệt đối không được phép sử dụng các loại kháng sinh mạnh, liều cao đắt tiền ngay từ đầu. Ngành y tế nên tổ chức thí điểm một số bệnh viện sạch, vô khuẩn, hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh, nhất là sau phẫu thuật vô khuẩn bằng các phương pháp chống vô khuẩn hiện đại trên thế giới. Nên có thêm một chỉ tiêu thi đua về việc hạn chế tối đa dùng kháng sinh sau phẫu thuật vô khuẩn.
Nếu không áp dụng các biện pháp vô khuẩn hiện đại và quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc kháng sinh của các thầy thuốc tại các bệnh viện, thì tương lai không xa, chúng ta không còn một loại thuốc kháng sinh nào để chống lại vi khuẩn.
Hiện nay, trên thế giới nhiều bệnh viện đạt tiêu chuẩn ISO 9000 trong quản lý chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Theo quan điểm y tế hiện đại, một bệnh viện đạt tiêu chuẩn cao, không những về mặt chất lượng điều trị, trang thiết bị y tế hiện đại mà phải là một bệnh viện sạch, vô khuẩn, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị.
|