“Bệnh lao có ở một nơi thì sẽ có ở khắp mọi nơi” là chủ đề mà Tổ chức Y tế thế giới phát động nhân Ngày thế giới chống lao năm nay (24-3-2007). Theo thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, thời gian gần đây số bệnh nhân nghi nhiễm lao đến khám ngày càng nhiều, tỉ lệ bệnh nhân mắc lao có xu hướng tăng.
|
Khám, phát hiện bệnh lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định. Ảnh: N.Phúc
|
* Bệnh lao ngày càng lan rộng
Hiện nay, tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, trung bình mỗi ngày có 50 người đến khám lao. Cứ 10-15 người đến khám thì phát hiện 1 trường hợp bị mắc lao. Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Sở dĩ bệnh nhân lao có xu hướng tăng là do sự bùng phát ngày càng mạnh của đại dịch HIV cộng với sự gia tăng đáng kể nguồn lây nhiễm lao trong cộng đồng. Sự lạm dụng quá mức thuốc lá, rượu bia cũng là nguyên nhân làm cho bệnh nhân mắc lao gia tăng. Ngoài ra, sự xuất hiện và gia tăng của bệnh lao kháng đa thuốc và bệnh lao siêu kháng thuốc, bệnh nhân lao điều trị không đến nơi đến chốn cũng làm tăng nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó nguồn lực cho phòng chống lao suy giảm do sự thay đổi tổ chức của hệ thống y tế tuyến cơ sở dẫn đến thiếu nhiều cán bộ và cơ sở vật chất cũng như kinh phí cho hoạt động phòng chống lao. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và mặc cảm của người dân trong cộng đồng về bệnh lao; sự quan tâm chưa thỏa đáng của chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp đối với hoạt động chống lao… cũng là nguyên nhân cản trở công cuộc thanh toán bệnh lao”.
Một trở ngại cho chương trình chống lao là người có bệnh lao đến giai đoạn nặng mới đi khám tại các cơ sở y tế, gây khó khăn và tốn kém cho công tác điều trị. Công tác truyền thông chưa phủ kín tất cả các đối tượng trong cộng đồng. Lâu nay, bệnh nhân mắc bệnh lao phần lớn là người nghèo và đối tượng lao động chân tay. Với các thành phần như người giàu hoặc một số đối tượng được xem là ít có nguy cơ mắc lao lại còn lơ là, bỏ ngỏ. Vì vậy, việc tăng cường phát hiện bệnh nhân lao có vi trùng là yếu tố then chốt để đảm bảo khống chế bệnh lao lưu hành.
Theo số liệu quản lý của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, năm 2006, toàn tỉnh phát hiện 1.981 bệnh nhân lao, trong đó phát hiện mới 1.152 trường hợp, tái phát 106 trường hợp. Trong số bệnh nhân mắc lao có không ít người là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, chiến sĩ quân đội, công an và cả nhân viên y tế. Hầu hết những ca bệnh khi đến khám, nhập viện đều đã ở trong tình trạng bệnh nặng, có người rất nặng, thậm chí tử vong. Theo bác sĩ Lê Tuấn Ngọc, Trưởng phòng khám- chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, đa số những bệnh nhân này trước lúc vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi đã điều trị bác sĩ tư, y tế cơ quan… Hướng điều trị ở những nơi này đều dùng thuốc không đặc hiệu cho bệnh, sau một thời gian điều trị không khỏi mới đến bệnh viện chuyên khoa.
Cũng theo bác sĩ Lê Tuấn Ngọc, các yếu tố dịch tễ để xác định nguy cơ lao của đối tượng cán bộ viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang là chưa rõ ràng, nhưng với thực tế hiện nay, các đối tượng này cần cảnh giác cao độ với bệnh lao vì những lí do sau: Điều kiện tiếp xúc rộng rãi hàng ngày với nhiều đối tượng trong cộng đồng, nhất là số cán bộ hoạt động ở những vùng đô thị, vùng có nguy cơ bệnh lao cao. Một số đối tượng sống trong điều kiện sinh hoạt tập thể, ăn ở, học tập chung như quân đội, học sinh sinh viên, ký túc xá... là điều kiện thuận lợi tiếp xúc thường xuyên giữa người bệnh lao (chưa phát hiện) với người bình thường, tạo đà cho bệnh lao phát triển nhanh. Khả năng miễn dịch với bệnh tật của một số đối tượng chưa cao. Một số đối tượng vì điều kiện nghề nghiệp cần tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân như cán bộ y tế, chiến sĩ công an đấu tranh chống tệ nạn xã hội... cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao.
* Đồng hành lao - HIV
Lao là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất của người nhiễm HIV, 50% bệnh nhân AIDS tử vong là do lao. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 chương trình chống lao và chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Bình Định. Trong khi, hiện nay đại dịch HIV bùng phát ngày càng mạnh làm gia tăng đáng kể số bệnh nhân lao và nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Theo thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định, từ đầu năm 2007 đến nay, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho 30 bệnh nhân lao- HIV. Chính vì thế, tỉnh cùng các ngành liên quan cần thống nhất chương trình hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và bền vững giữa chương trình chống lao và chương trình HIV để bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV được quản lý và điều trị tốt hơn. Việc phát hiện nguồn lây lao ở người HIV một cách chủ động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giảm lây của chương trình chống lao, từng bước tiến tới một thế giới không còn bệnh lao.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội chống lao quốc tế, đối với những trường hợp thấy có một số triệu chứng nghi lao cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa lao khám và điều trị sớm, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
|